Hơn 2 năm “chiến đấu” với dịch COVID-19, các nhân viên y tế đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch, các y bác sĩ BV Vũng Tàu túc trực
ngày đêm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển nặng.
|
Hy sinh thầm lặng
Trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, tỉnh đã thành lập nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 và phân thành 3 tầng để chữa trị các ca bệnh ở mức độ từ nhẹ đến nguy kịch. Trong đó có 1 bệnh viện tầng 3 (điều trị ca bệnh nguy kịch) đặt tại BV Vũng Tàu, cùng một số cơ sở điều trị tầng 2 (dành cho bệnh nhân (BN) nặng) đặt tại BV Vũng Tàu, TTYT huyện Long Điền… Dù phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng đội ngũ y, bác sĩ vẫn miệt mài với công việc, không lúc nào ngơi tay, thậm chí nhiều đêm thức trắng chăm sóc, cứu chữa người bệnh.
Bác sĩ Ngô Quang Tú, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Bà Rịa) là một trong những bác sĩ trẻ, xung phong đi đầu trong các hoạt động phòng, chống dịch. Từ tháng 7/2021, bác sĩ Tú đã tham gia điều trị cho những BN COVID-19 nặng, nguy kịch tại TTYT huyện Long Điền và cơ sở điều trị COVID-19 tại BV Vũng Tàu. Khi đó con anh mới hơn 1 tuổi. Nhưng hai vợ chồng đều là nhân viên y tế nên anh quyết định gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. “Dù rất nhớ và thương con, song vợ chồng tôi phải cố gắng toàn tâm, toàn ý phục vụ cho công việc chống dịch”, bác sĩ Tú chia sẻ.
Những ngày đầu làm việc tại TTYT huyện Long Điền, bác sĩ Tú gặp không ít gian nan, thử thách khi nơi này chưa có phòng hồi sức cấp cứu cho BN nặng. Vì thế, công tác thành lập 1 phòng hồi sức được thực hiện rất khẩn trương với giường bệnh, trang thiết bị y tế, thuốc men được BV Bà Rịa chuyển đến. Khi phòng hồi sức cấp cứu vừa hình thành cũng là lúc bác sĩ Tú tiếp nhận 1 ca bệnh nặng phải thở máy đầu tiên.
Theo bác sĩ Tú, việc chữa trị ca bệnh nhiễm COVID-19 còn khá mới mẻ. Giai đoạn đầu chưa có kinh nghiệm chữa trị, trong khi bệnh diễn biến nhanh đã tạo nhiều áp lực cho anh và đồng nghiệp. Ngoài giờ trực, bác sĩ Tú phải liên tục cập nhật kiến thức, trau dồi chuyên môn, tham khảo ý kiến của chuyên gia về điều trị BN COVID-19 nặng. Nhờ đó đã giúp bác sĩ Tú điều trị thành công cho nhiều ca bệnh nặng.
“Khi gặp ca bệnh nặng, tôi và đồng nghiệp theo dõi BN 24/24 để nắm bắt tình hình sức khỏe, điều chỉnh phác đồ điều trị hợp lý. BN có cải thiện về sức khỏe, chúng tôi mới vơi bớt phần nào sự lo lắng”, bác sĩ Tú nói.
Còn đối với bác sĩ Mai Thị Chinh, Khoa Tim mạch - Lão học (BV Vũng Tàu) thì những ngày tháng tham gia điều trị BN nặng là kỷ niệm không thể nào quên. Chị là một trong số nhân viên y tế đầu tiên chữa trị cho các trường hợp nhiễm khi cơ sở điều trị COVID-19 tại BV Vũng Tàu được thành lập. Khi mới nhận nhiệm vụ, chị luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng, nhất là những ngày cao điểm có từ 70-80 BN nặng và nguy kịch, nhưng chỉ có 6-7 bác sĩ trực. Bác sĩ phải rất vất vả trong công tác thăm khám, hội chẩn, xử lý ca bệnh, khiến nhiều lúc chị cảm thấy kiệt sức. “Có BN cầm tay tôi nói, bác sĩ cứu sống tôi với. Tôi đang còn có con nhỏ. Tôi thương BN vô cùng và lại cố gắng vực dậy tinh thần, tiếp tục làm việc không kể ngày đêm”, bác sĩ Chinh nhớ lại.
Theo bác sĩ Chinh, do bệnh COVID-19 diễn tiến quá nhanh và phức tạp nên công tác điều trị và chăm sóc phải hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng, theo dõi sát sao BN để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. “Khó mà diễn tả hết những cực nhọc của nhân viên y tế điều trị ca bệnh nặng. Mỗi BN nặng được hồi sinh như tiếp thêm động lực cho chúng tôi vượt qua khó khăn và áp lực của công việc”, bác sĩ Chinh nói.
Việc đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch cho người dân.
Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế phường 11 (TP. Vũng Tàu) tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.
|
Xử lý dịch ngay tại cơ sở
Bên cạnh sự đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện, lực lượng nhân viên y tế ở cơ sở cũng góp phần quan trọng vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Đây là những cán bộ y tế cần mẫn, đảm đương rất nhiều công việc khác nhau, từ xét nghiệm sàng lọc, truy vết đến chăm sóc, quản lý và điều trị F0 tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Đức Lành, Trưởng Trạm Y tế xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) kể, mỗi lần có 1 ca nhiễm xuất hiện trên địa bàn, chị phải thực hiện công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn khai báo y tế, đồng thời xác minh các trường hợp liên quan để hướng dẫn các biện pháp phòng dịch phù hợp cho từng đối tượng. Nếu có các trường hợp cách ly tập trung, tiến hành lập danh sách gửi về phòng y tế, TTYT huyện xác minh thống nhất địa điểm cách ly, đưa người đi cách ly.
Đối với các trường hợp cách ly tại nhà, chị lập danh sách và tờ trình, quyết định để trình UBND xã ra quyết cách ly. Sau đó, chị lập danh sách xét nghiệm gửi về Tổ COVID-19, Khoa Xét nghiệm của TTYT huyện sắp xếp làm xét nghiệm tại nhà cho các trường hợp cách ly. Đó là chưa kể giai đoạn đầu còn phải thực hiện khoanh vùng, phong tỏa, khử khuẩn nơi bệnh nhân sinh sống. Mỗi khi có ca bệnh xuất hiện, chị lại tất bật làm việc, không kể trời nắng hay mưa, ban ngày hay đêm tối.
“Nhân lực y tế của trạm còn mỏng nên thời gian xảy ra dịch tôi và các nhân viên y tế khác thay nhau trực 24/24. Tôi còn vận động được 1 bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia điều trị cho F0 tại nhà để giảm bớt áp lực công việc”, chị Lành bày tỏ.
Còn chị Nguyễn Thị Phượng Hồng, Trưởng Trạm Y tế phường Phước Hưng (TP. Bà Rịa) cho biết, trong thời gian chống dịch, công việc của chị rất bận rộn và dồn dập nên hầu như buổi trưa chị không về nhà mà ở lại cơ quan để xử lý các vấn đề phát sinh. Vào những lúc cao điểm, buổi tối chị đi làm về rất muộn, thậm chí có những hôm 2-3 giờ sáng mới về đến nhà. “Có nhiều lần tôi phải thức trắng đêm, đi truy vết các trường hợp F1, F0 tới sáng. Công việc vất vả vô cùng. Những việc tôi làm không chỉ riêng cho bản thân mà vì sức khỏe cộng đồng”, chị Hồng cho hay.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG