Khi ốm đau, ai chăm sóc?
Vừa rồi, bạn bè tôi được người anh trong nhóm mời dự “đám cưới bạc”. Trong cuộc vui, anh có kể rằng, lẽ ra anh đã ly hôn từ “đời tám hoách” chỉ vì tính xét nét, quản lý chặt chẽ của vợ. Mọi thu nhập trong nhà, chị đều quản lý từ A đến Z, nghĩa là anh không còn có cơ hội để tiêu xài riêng. Mà như thế, làm sao anh còn có tài chánh để “bảo bọc”, hú hí với “mèo mỡ”? Mọi khoản thu nhập của chồng từ thẻ ATM, tiền mặt đều khó lọt qua khỏi sự kiểm soát của vợ. Thậm chí, anh còn không biết trong nhà mình hiện có bao nhiêu tiền.
Minh họa: MINH SƠN |
Mỗi lần anh hỏi đến, chị chỉ nửa đùa nửa thật: “Đàn anh các anh kỳ cục lắm, hễ biết trong nhà có rủng rỉnh tiền bạc thì chỉ thích nghỉ ngơi, tận hưởng. Chẳng thèm phấn đấu, làm việc như lúc chưa có nhiều tiền”. Nghe cáu chưa? Anh bèn vặc lại: “Ơ hay, sống ở trên đời, người ta làm việc để có tiền cũng nhằm chi xài, ăn tiêu, thư giãn chứ chẳng lẽ để… thờ à?”. Sau những đận tranh cãi lằng nhằng ấy, anh nghi ngờ có điều gì không ổn nên quyết làm cho ra nhẽ. Nếu không, hóa ra lâu nay công sức anh đổ ra chỉ là công cốc? Mọi việc đang gây cấn, bỗng anh lăn đùng ra ốm. Bác sĩ phát hiện, anh bị bệnh tim, nghe nói đến phải chi trả cả trăm triệu đồng cho ca phẫu thuật, anh xây xẩm mặt mày: “Tiền đâu?”.
Lúc nằm bệnh viện, anh mới nhận ra sự “quá quắt” của vợ là có lý. Không chỉ thừa tiền lo sức khỏe cho anh, còn chính vì tình cảm, thái độ, chăm sóc của vợ. Đáng nhớ nhất, với anh vẫn là những lần nửa đêm giật mình tỉnh giấc, chông chênh giữa sống và chết, anh lại thấy cô vợ dù ngồi ngủ gà, ngủ gật bên cạnh nhưng bàn tay vẫn nắm chặt lấy tay mình.
Lại còn có thêm chuyện này, nói gì thì nói, lâu nay, anh A vẫn “nổi tiếng” là người đàn ông vũ phu. Hễ giận là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, sau đó, xin lỗi rồi tái phạm! Cô vợ anh phát chán nên nhiều lần dẫn con về nhà mẹ đẻ. “Ừ, thế càng hay”, những lúc ấy, A sung sướng lắm như anh cho biết là “đi ngược đi xuôi” bất kể thời gian mà lúc quay về không bị ai cằn nhằn, hoạnh họe tra hỏi. Bực mình lắm. Thế rồi, mới đây thôi, A nhập viện.
Anh tâm sự, những lúc nằm đơn độc trên giường bệnh, mới có thời gian suy ngẫm lại mình. Những lúc khỏe mạnh, đang còn phong độ, bước ra đường còn có thể tán tỉnh ba lăng nhăng với hàng chục giai nhân chân dài váy ngắn thì vợ không là “cái đinh” gì. Những ngày ốm yếu đó, A tin chắc rằng cô này cô nọ ắt đến chăm sóc, ít ra cũng sụt sùi thương cảm. Đúng quá, họ có đến đúng một lần rồi… lặn mất tăm. Người túc trực thường xuyên vẫn chính là vợ con anh.
Có một việc xảy ra mà sau đó, anh hoàn toàn thay đổi tính nết khiến ai cũng ngạc nhiên. Sau khi đút cháo cho anh, cô vợ lau mặt bằng khăn nóng rồi đưa tay vuốt lên má chồng. Tự dưng A thấy có gì cồm cộm, lạ quá. Anh liền cầm bàn tay vợ đưa lên xem, thì ra, ngón út quặt sang một bên đã thành dị tật! “Sao lâu nay anh không biết?”. “Anh quên cái lần bẻ gãy ngón tay này của em à?”. A sực nhớ lại đã lâu rồi, sau khi dung dăng dung dẻ với cô D những mấy ngày liền, lúc quay về nhà bị vợ phát hiện ra những dấu hiệu bất thường rồi vợ chồng cãi cọ nhau. Thế là anh tẩn cho vợ một trận ra trò.
Vậy mà, nhắc lại chuyện cũ, cô vợ vẫn không một lời hờn trách. A quay mặt vào vách tường, lặng lẽ ứa ra những giọt nước mắt…
Mới đây, anh Phục - bạn tôi nói cười rổn rảng, “khoe” vừa được “đại tu” sức khỏe tại bệnh viện nọ. Rằng, bấy lâu nay, trong gia đình, vị “chủ tướng” có uy quyền nhất vẫn là vợ anh. Do làm ra tiền, học vị cao hơn, có địa vị xã hội, lại trẻ hơn nên chị cho mình được quyền “chảnh”, ít ra với… chồng. Đôi lúc Phục cảm thấy ấm ức lắm, bực bội lắm nhưng đang ở nhà vợ nên “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Những lúc có người lạ đến chơi nhà, là bao nhiêu chuyện lặt vặt không đáng gì thì vợ “nhờ” cũng liên tù tì khiến Phục bị quay như chong chóng.
Ai biết chuyện cũng khuyên anh hớ nên để vợ “xỏ chân lỗ mũi”. Nhưng rồi ngày nọ anh phải vào bệnh viện mổ tim. Cô vợ quen được chìu ắt không thể giúp anh chăng? Thì đó, nửa khuya thức giấc, anh vẫn thấy cô vợ ngồi dưới chân giường, dù đang ngủ gà ngủ gật nhưng nghe tiếng động lại mở mắt ngay: “Anh cần gì, em đây”. Câu nói “tình thương mến thương” ấy, bình thường, có bao giờ được nghe đâu! Vì thế, anh cảm động đến lắm. Những gì anh cần, dù có thể nhờ con cái hoặc Osin, nhưng không, vẫn tự tay vợ chăm sóc. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, nghe vợ nói câu ấy mà mát cả ruột.
Có ông nhà văn nào đó đã nói rằng, con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Đó là dịp chiêm nghiệm, suy ngẫm lại những việc mình đã làm trong thời gian qua. Không chỉ có thế, thiết tưởng cũng là lúc có thể đánh giá lại tình cảm của “một nửa” dành cho mình như thế nào? Mà này, lúc ấy các cô bồ của mình ở đâu nhỉ?
LÊ MINH QUỐC