.

Người thợ điện nhiều sáng kiến

Cập nhật: 19:05, 19/05/2022 (GMT+7)

Với kinh nghiệm, niềm đam mê và trách nhiệm, anh Trần Quốc Khánh, Đội phó Đội vận hành tổng hợp, Điện lực Long Điền đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Anh Trần Quốc Khánh (bên trái) cùng đồng nghiệp sửa chữa, bảo trì thiết bị tại trạm biến áp 110kV An Ngãi (huyện Long Điền).
Anh Trần Quốc Khánh (bên trái) cùng đồng nghiệp sửa chữa, bảo trì thiết bị tại trạm biến áp 110kV An Ngãi (huyện Long Điền).

28 năm gắn bó với ngành điện, anh Khánh gần như nắm rõ những “tật”, hạn chế của các thiết bị điện. Từ đó, anh bỏ công sức ra tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra nhiều sáng kiến khắc phục những điểm yếu của thiết bị này.

Anh Khánh cho biết, xã Phước Tỉnh, TT. Long Hải (huyện Long Điền) với đặc thù là vùng biển nên chịu tác động rất lớn đến chất lượng đường dây kéo và khả năng cung cấp điện. Vào mùa gió lớn, phần đấu nối đầu thiết bị rất dễ bị rung lắc, mỏi dây và dễ gãy nên hay xảy ra sự cố.

Hiểu môi trường biển khắc nghiệt nên trong những năm qua, anh Khánh cùng đội ngũ cán bộ, công nhân Điện lực Long Điền đã tìm cách khắc phục, thay thế các thiết bị cho phù hợp với điều kiện môi trường. Một trong những sáng kiến góp phần bảo đảm an toàn cho người công nhân khi thi công trên lưới điện và giảm thiểu các sự cố trên lưới khi mùa gió ở BR-VT là sử dụng bát inox để che chắn và đỡ phần đấu nối đầu thiết bị với sứ trên đường dây.

“Năm 2019, với kinh nghiệm và những trăn trở của mình, tôi đã sáng chế ra miếng bát inox che chắn ngay điểm nối đầu thiết bị trên lưới. Miếng bát nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả lớn bởi đã đỡ nơi phần tiếp xúc đấu nối đầu thiết bị nên giảm được tình trạng rung lắc, mỏi dây và đứt gãy, qua đó bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện và giảm chi phí đầu tư, sửa chữa”, anh Khánh chia sẻ.

Ngoài ra, sáng kiến đồng hồ ampe kế để đo tải dòng điện trên đường dây hạ thế mà không cần phải leo lên trụ điện cũng đã được anh Khánh đưa vào áp dụng cách đây khoảng 4-5 năm, đem lại sự an toàn cho công nhân ngành điện.

Kể về sáng kiến này, anh cho biết, trước đây, mỗi lần đo tải điện trên đường dây hạ thế, dù ngày hay đêm, người thợ phải leo lên trụ mới có thể đo. Đo ban ngày còn đỡ, nhưng vào ban đêm rất nguy hiểm vì điều kiện bị hạn chế. Tuy nhiên, từ khi nghiên cứu và sử dụng đồng hồ ampe kế gắn vào sào dài người thợ điện không cần phải leo lên trụ mà đứng dưới đất, đưa đồng hồ lên cặp vào đường dây là đo được chỉ số, vừa an toàn vừa giảm thời gian, nhất là vào đêm tối.

“Nghề nào cũng sẽ có cái khó, cái cực nhưng nếu thực sự yêu thích, đam mê thì sẽ làm tốt công việc được giao. Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện công việc, kiểm tra, khắc phục, xử lý triệt để sự cố để cấp điện lại cho người dân nhanh nhất nhưng vẫn bảo đảm an toàn trong công việc”, anh Khánh chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Giám đốc Điện lực Long Điền cho biết, anh Trần Quốc Khánh là một người tận tâm, nhiệt huyết với công việc. Trong 28 năm gắn bó với ngành điện, ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, anh còn tìm tòi và đưa ra nhiều sáng kiến góp phần bảo đảm an toàn lưới điện, an toàn cho anh em công nhân khi thực hiện sửa chữa trên lưới, tại trạm biến áp.

Những sáng kiến như tấm bát che chắn, chống rung lắc phần đấu nối đầu thiết bị, đồng hồ ampe kế đo tải điện không cần leo lên trụ, kéo cắt tỉa cành dưới đường dây mà không cần phải cắt điện… đã được Công ty Điện lực BR-VT ghi nhận và được áp dụng từ nhiều năm nay.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.