.

Chủ động ứng phó sự cố thiên tai, mưa bão

Cập nhật: 19:05, 19/05/2022 (GMT+7)

Các địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản trong mùa mưa bão 2022.

Tàu thuyền không đủ điều kiện theo quy định sẽ không được phép xuất bến. Trong ảnh: Các phương tiện neo đậu tại cảng cá Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
Tàu thuyền không đủ điều kiện theo quy định sẽ không được phép xuất bến. Trong ảnh: Các phương tiện neo đậu tại cảng cá Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).

Chỉ cho xuất bến khi bảo đảm an toàn

Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc có hơn 400 phương tiện với hơn 1.500 thuyền viên đánh bắt trên biển. Để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền và ngư dân trong mùa mưa bão, lực lượng biên phòng cùng địa phương thời gian qua đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định trong quá trình đánh bắt trên biển.

Hơn 20 năm bám biển mưu sinh, ngư dân Trần Minh Đức, ấp Bình Trung, xã Bình Châu đã trải qua không ít lần sinh tử trên biển khi mùa mưa bão kéo đến. Ông Đức cho biết, thời tiết ngày càng bất thường, có khi lúc ra khơi sóng yên biển lặng, nhưng qua hôm sau lại xuất hiện bão lớn, do đó không thể chủ quan, lơ là. Để phòng ngừa rủi ro, tàu của ông trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh cho các thuyền viên; các thiết bị máy liên lạc tầm xa, dự báo thời tiết. Trước mùa mưa bão, ông cũng chủ động tu sửa tàu, gia cố những chỗ hư hỏng, bảo đảm an toàn trong mỗi chuyến đi.

“Trong quá trình đánh bắt trên biển, thuyền viên thay nhau theo dõi dự báo thời tiết và nếu gặp mưa bão thì chủ động neo đậu vào các điểm tránh trú bão đã được hướng dẫn từ trước. Trường hợp có sự cố bất thường, chúng tôi sẽ nhanh chóng liên lạc với cơ quan chức năng để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời”, ông Đức chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Hữu Luân, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cảng cá Bình Châu cho biết, để các phương tiện ra khơi được an toàn, đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm ngư, thanh tra thủy sản thực hiện các công tác thanh tra, kiểm tra. Trước khi tàu xuất bến, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đầy đủ các thủ tục, giấy tờ theo quy định và chỉ cho phép phương tiện ra khơi khi đáp ứng các yêu cầu hoạt động trên biển.

Trực ban, ứng cứu 24/24

Để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất và mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây ra ngập lụt cục bộ tại các khu vực dân cư, vùng sản xuất, huyện Châu Đức đã xây dựng và triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cơ quan chức năng kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi trước mùa mưa bão.
Cơ quan chức năng kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi trước mùa mưa bão.

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, địa phương được bao bọc bởi 2 con sông lớn là Sông Xoài và Sông Ray, cùng với hệ thống suối rạch nhỏ và 22 công trình thủy lợi (gồm 11 hồ chứa nước và 11 đập dâng đang phục vụ nước cho sản xuất, sinh hoạt). Trong đó có các hồ chứa nước lớn gồm: hồ Sông Ray, hồ Đá Đen, hồ Suối Giàu, hồ Đá Bàng, hồ Tầm Bó.

Hàng  năm, trước mùa mưa bão, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai hiện có. Đặc biệt là hệ thống đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, các trạm bơm, cống ngăn triều. Bên cạnh đó, tổ chức tuần tra, xác định các trọng điểm xung yếu, phát hiện các sự cố và bố trí nguồn lực để xử lý kịp thời.

Năm 2022, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông dự báo từ 10-12 cơn, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ 4-6 cơn. Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới diễn ra với tuần suất nhiều hơn vào những tháng cuối năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Nam Bộ; triều cường kết hợp mưa lớn, mực nước có khả năng lên cao gây ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp.

Trước mùa mưa bão năm 2022 đang đến gần, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương cập nhật các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu để triển khai ứng phó hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập lụt sâu, kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán.

Đối với các công trình đê, kè, hồ đập, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng cần kiểm tra, kịp thời sửa chữa, khắc phục và có phương án bảo đảm an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng trực ban 24/24 khi có tin cảnh báo thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.