.

Giúp trẻ phòng ngừa xâm hại

Cập nhật: 20:08, 18/04/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, dù các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực ngăn chặn nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục (XHTD), ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ. Việc phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là trang bị kiến thức, tạo môi trường an toàn cho trẻ.

Ông Nguyễn Khắc Sỹ, chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ Trẻ em tỉnh chia sẻ kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho HS Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (xã Tam Phước, huyện Long Điền) chiều 7/4.
Ông Nguyễn Khắc Sỹ, chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ Trẻ em tỉnh chia sẻ kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho HS Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (xã Tam Phước, huyện Long Điền) chiều 7/4.

Bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất, tinh thần khi bị xâm hại

Theo UBND tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ XHTD với 54 trẻ em bị xâm hại. Năm 2021, cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện đã điều tra, xử lý 53 vụ với 53 đối tượng xâm hại, trong đó, đã khởi tố 44 vụ với 44 đối tượng. Các vụ việc khác đang tiếp tục điều tra, xác minh để làm rõ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ XHTD để lại hậu quả đau lòng, ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí, nhiều cháu gái dưới 16 đã phải mang thai, sinh con, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về tinh thần, thể chất, tương lai của trẻ.

Theo Sở LĐTBXH, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp hiện có 987 người, tuy nhiên chỉ có 1 cán bộ chuyên trách cấp tỉnh. Phụ cấp của cán bộ cấp xã và cộng tác viên trẻ em ở khu dân cư chưa tương xứng khối lượng công việc (chỉ từ 200 - 447 ngàn đồng/người/tháng) nên nhiều người không gắn bó lâu dài.

Đơn cử như cuối năm 2021, cơ quan CSĐT Công an TP. Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hiền (19 tuổi, phường 5, TP. Vũng Tàu) với hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Hiền quan hệ tình dục với cháu Q. (14 tuổi). Sự việc được phát hiện trong một lần cháu Q. được mẹ đưa đến Công an phường 5 xin giấy đi chích ngừa vắc xin COVID-19. Tại đây, cán bộ công an phường phát hiện cháu Q. đang mang thai (13 tuần), nên đã yêu cầu cháu Q. trình bày sự việc.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và trị liệu tâm lý Châu Á - ASIA MCC (TP. Vũng Tàu) phân tích, một trong những nguyên nhân tiêu biểu cho tình trạng xâm hại trẻ em là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ còn chưa nhận thức được các nguy cơ, các nguy hiểm xuất hiện ngay cạnh trẻ, thậm chí là từ những người rất thân quen.

Các bậc phụ huynh còn chưa nắm được việc giáo dục giới tính ở các độ tuổi phù hợp và phải bắt đầu từ rất sớm để trẻ có thể tự nhận thức về cơ thể của mình và biết cách tự bảo vệ mình vì đa phần bố mẹ và người lớn không ở cạnh trẻ 24/7 để bảo vệ trẻ mọi lúc mọi nơi. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Ngoài ra, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của trẻ còn non nớt.

Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng

Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống xâm hại TDTE. Điển hình như Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ Trẻ em tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, trang bị kiến thức về phòng, chống XHTD cho trẻ.

Chiều 7/4, ghi nhận tại buổi truyền thông về phòng, cho HS Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (xã Tam Phước, huyện Long Điền), các em đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống XHTD. Sau khi truyền thông, chia sẻ cho HS nhận biết về các hành vi xâm hại tình dục với trẻ em, hậu quả đối với trẻ bị xâm hại tình dục, những cách phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ.

Ông Nguyễn Khắc Sỹ, chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ Trẻ em tỉnh đặt câu hỏi: Theo các em, ai là thủ phạm thường gặp nhất trong các vụ XHTD? Rất nhiều cánh tay HS giơ lên. Em Lê Bảo Ngọc, HS lớp 7D nhanh nhảu trả lời: “Em bất ngờ vì biết đa phần thủ phạm các vụ XHTD đều là những người quen biết, thậm chí là những thành viên trong gia đình. Em sẽ chú ý giữ khoảng cách với người thân, người quen. Và không nghe lời người lạ dụ dỗ. Em sẽ nhắc nhở em gái những điều như vậy để bảo vệ bản thân”…

Thực tế cho thấy, qua các buổi truyền thông, HS đã được biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, giúp các em áp dụng được vào cuộc sống để bảo vệ bản thân và những người chung quanh.

“Nếu biết được bạn bè hoặc người quen không may bị XHTD, em sẽ an ủi, động viên, đồng thời sẽ báo cho thầy cô hoặc gọi điện báo cho Tổng đài bảo vệ trẻ em 111”, em Nguyễn Ngọc Ái Linh cho biết sau khi chăm chú lắng nghe buổi chia sẻ của cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ Trẻ em về cách phòng, chống XHTD.

Ông Nguyễn Khắc Sỹ, cho biết thêm, hằng năm, Trung tâm tổ chức khoảng 30 buổi truyền thông, trang bị kiến thức về cách phòng, tránh XHTD cho HS trên địa bàn tỉnh. Từ nay đến 27/4, Trung tâm tiếp tục tổ chức các buổi truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục cho HS tại 13 trường THCS trên địa bàn huyện Long Điền, huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu.

Đồng thời, Trung tâm đang xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông về phòng, chống XHTD cho phụ huynh, các cộng tác viên tuyên truyền về công tác xã hội là thành viên các tổ dân cư trên địa bàn tỉnh.

Tại các địa phương, các thành viên tổ dân cư cũng quan tâm, tuyên truyền về phòng, chống XHTD cho các hộ gia đình có trẻ em, đặc biệt là cho người dân ở các khu phòng trọ.

Bà Lê Thị Tư, Tổ Trưởng tổ dân cư kiêm Trưởng Chi hội phụ nữ 8, KP. Hải Lộc, TT. Long Hải, huyện Long Điền cho biết: “Trong các buổi họp tổ dân cư, sinh hoạt chi hội phụ nữ, tôi cũng lồng ghép tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống XHTD cho người dân. Ở đây có nhiều khu nhà trọ, các hộ gia đình sống san sát với nhau. Tôi thường nhắc các mẹ, các bà có con, cháu nhỏ ở các xóm trọ luôn để mắt đến trẻ để phòng những người khác có ý đồ xấu hoặc người lạ vào dụ dỗ trẻ. Tôi cho họ số điện thoại cá nhân để gặp những điều bất thường là báo ngay”.

Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 12 quyết định, kế hoạch, công văn chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Sở LĐTBXH và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã ban hành 59 văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, XHTD trẻ em. Hội LHPN tỉnh tiếp tục duy trì 31 “Tổ kết nối thông tin” và “Tổ phụ nữ can thiệp trẻ em bị xâm hại”, triển khai mô hình  “Nhóm cha mẹ” có con dưới 16 tuổi cho 8 xã, phường nhằm kịp thời cập nhật, chia sẻ kiến thức chăm sóc, nuôi dạy trẻ cho phụ huynh. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hơn 400 buổi tuyên truyền về phòng, chống XHTD, dạy kỹ năng sống cho gần 82.000 lượt trẻ em, phụ huynh và người dân.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương cho rằng, để ngăn ngừa việc xâm hại tình dục trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Đặc biệt, các em rất cần sự quan tâm, tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ để các em tin tưởng, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và cả những “điều khó nói”.

Về phía xã hội, các trường học cần tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền, trang bị kiến thức về kiến thức, kỹ năng giúp các em phòng, tránh xâm hại tình dục. Song song đó, các tổ chức, đoàn thể các cấp cũng linh hoạt lồng ghép, tuyên truyền về xâm hại tình dục cho phụ huynh, học sinh để nâng cao ý thức bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bị xâm hại.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.