Cẩn trọng để không tái nhiễm COVID-19
Dù đã tiêm vắc xin, thậm chí đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh, nhưng nhiều trường hợp vẫn tái nhiễm. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người, kể cả người đã khỏi bệnh cần tuân thủ tuyệt đối 5K để tránh tái nhiễm.
Trẻ em chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 là 1 trong những đối tượng dễ tái nhiễm COVID-19. Trong ảnh: Bác sĩ của Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhi nhiễm COVID-19. (Ảnh minh họa) |
Đã khỏi COVID-19 vẫn có thể bị lại
Sau khi tiếp xúc gần với F0, anh H.T.B. (33 tuổi, TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) xét nghiệm nhanh và phát hiện nhiễm COVID-19 lần đầu vào ngày 10/3. Lần nhiễm bệnh này anh không có triệu chứng và tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Khoảng 1 tuần sau đó, anh B. đã khỏi bệnh và đi làm trở lại.
Thế nhưng, gần 10 ngày sau khi lành bệnh, anh có các dấu hiệu sa sút về sức khỏe như: đau mỏi cơ, hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng… Anh B. tiếp tục xét nghiệm nhanh và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 lần 2. Khác với lần nhiễm đầu, lần tái nhiễm này anh đã phải sử dụng các loại thuốc điều trị do Trạm Y tế TT.Ngãi Giao cung cấp.
“Tôi đã nhiễm bệnh, tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19. Tôi luôn đeo khẩu trang mỗi khi đi ra khỏi nhà. Vì thế, tôi khá bất ngờ khi mình bị tái nhiễm COVID-19 và sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều hơn so với nhiễm lần đầu”, anh B nói.
Hay như trường hợp của chị N.T.T.H. (49 tuổi, đường Trần Văn Thới, TP.Vũng Tàu) cũng bị tái nhiễm COVID-19 và có dấu hiệu bệnh nặng hơn lần nhiễm đầu.
Chị H. chia sẻ, ngày 4/3 chị tự làm xét nghiệm nhanh và có kết quả dương tính sau khi có dấu hiện sốt, sổ mũi, đau họng, đau lưng. Trong thời gian cách ly tại nhà, chị có dùng thuốc đông y hỗ trợ điều trị bệnh. Đến 11/3, chị xét nghiệm nhanh lại thì âm tính với SARS-CoV-2 và vẫn tiếp tục ở nhà theo dõi sức khỏe thêm mấy ngày nữa.
Nhưng 1 tuần sau chị cảm thấy mệt mỏi, ho nhiều, tiêu chảy, khó thở, hụt hơi, đau nhức toàn thân. Chị lại xét nghiệm nhanh và tiếp tục bị nhiễm COVID-19. Do tái nhiễm bệnh bị mệt hơn nên chị H. phải uống thuốc điều trị COVID-19 trong 5 ngày theo đơn thuốc của bác sĩ. Đến nay, dù đã lành bệnh, nhưng chị H. vẫn còn ho, hụt hơi, vã mồ hôi, mỏi chân.
Chị H. thừa nhận: “Tôi cũng có phần chủ quan vì nghĩ mới nhiễm bệnh. Vì thế, khi tôi vừa lành bệnh, gia đình lại có người nhiễm nên trong thời gian chăm sóc F0, tôi đã không thực hiện triệt để các biện pháp 5K”.
Trên đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trên thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng vi rút SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn. Còn tại tỉnh BR-VT chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 nhưng các cơ sở điều trị đã tiếp nhận bệnh nhân bị nhiễm lần 2. Đối tượng tái nhiễm gồm có trẻ em, người trung niên và lớn tuổi.
Cần thực hiện nghiêm 5K
Theo các chuyên gia y tế định nghĩa, tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, sau đó nhiễm lại. Đối tượng tái nhiễm cao là những người tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm cao hơn; người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên (người thường xuyên tiếp xúc gần với nguồn bệnh).
Tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp trong trường hợp người từng mắc một biến chủng này (ví dụ như Detal), sau đó lại nhiễm biến chủng mới (như Omicron). Người tái nhiễm COVID-19 là một lần nhiễm vi rút mới và phát bệnh. Do đó, họ vẫn phát tán vi rút bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm 2 biến chủng khác nhau. Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc xin mà nhiễm bệnh lần đầu.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể diễn biến nặng, nhất là những người chưa tiêm vắc xin, hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu. Đặc biệt, các vấn đề hậu COVID-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm. Hiện nay, trong công tác điều trị bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 thì phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng trường hợp cụ thể.
Đối với những người có diễn biến bệnh nhẹ, chỉ cần cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà; bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng và điều trị các triệu chứng (nếu có). Những trường hợp tái nhiễm không may có diễn biến nặng nhất là ở người có bệnh nền và lớn tuổi cần phải nhập viện tại các cơ sở điều trị COVID-19 để các bác sĩ chuẩn đoán, đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp, hoặc áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Mai Thị Chinh, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết thêm: “Khi tái nhiễm, một số trường hợp vẫn có diễn biến bệnh trở nặng và nguy kịch. Người tái nhiễm vẫn phát tán vi rút ra môi trường, trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng. Vì thế, mỗi người dân dù đã nhiễm COVID-19 hay chưa cũng phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có quy định 5K, đồng thời tiêm vắc xin khi đến lượt, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người chung quanh”.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG