.

Người phụ nữ tảo tần với nghề "chịu nóng, phơi sương"

Cập nhật: 19:07, 15/04/2022 (GMT+7)

Giữa cái nắng nóng như đổ lửa ngày hè và khói bốc lên nghi ngút từ nồi bánh, bà Cao Thị Vạng (SN 1960, ngụ 2/6B, ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền) vẫn cặm cụi tráng từng chiếc bánh. Bà làm công việc này nhiều năm qua không chỉ vì miếng cơm, manh áo mà còn muốn lưu giữ nghề truyền thống của ông cha để lại.

 Chị Nguyễn Thị Phượng, con dâu bà Cao Thị Vạng phơi bánh tráng.
Chị Nguyễn Thị Phượng, con dâu bà Cao Thị Vạng phơi bánh tráng.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề bánh tráng, từ nhỏ bà Vạng đã quen với hình ảnh bếp lửa đun trấu; những chiếc vỉ nứa, chiếc bánh sau làn khói mỏng của bà và mẹ mình tỉ mỉ làm ra. Không biết từ lúc nào những hành động thoăn thoắt ấy đã in đậm trong tiềm thức, tạo ra cho bà Vạng cái hồn của người thợ tráng bánh.

Ngày nối ngày, bà làm ra hàng nghìn chiếc bánh. Một mình bà đảm đương tất cả công đoạn: từ mua nguyên liệu cho đến pha bột, tráng và phơi bánh. Bà đã quen với việc dậy sớm từ 3 giờ sáng bắt đầu với công việc làm bánh. Những mẻ bánh ra lò được bà phơi đủ mùi hương của nắng trời, luôn bảo đảm chất lượng và vẹn nguyên hương vị truyền thống, nhất là đặc trưng mùi thơm của gạo.

Bà Vạng tay vừa thoăn thoắt tráng bánh vừa tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề này đã hơn 45 năm nay. Nghề này được ngoại truyền lại cho mẹ, mẹ truyền lại cho tôi. Cứ thế đời nối đời. Bây giờ tôi lại truyền cho con trai và con dâu. Công việc này tuy cực mà vui. Nhờ nghề này tôi có đồng ra đồng vào. Rất nhiều người tìm đến nhà tôi mua bánh. Mỗi lần nghe một lời khen bánh ngon tôi lấy làm vui vì mình vẫn lưu giữ được vẹn nguyên hương vị bánh của ngoại và mẹ ngày xưa mà nhiều người ưa thích. Giữ được nghề tôi hạnh phúc lắm".

Để có được những mẻ bánh đạt chất lượng, quan trọng nhất phải kể đến là khâu chọn gạo. Gạo phải thật sạch, khô không phải loại dẻo. Khi xay thành bột phải thật mịn bánh mới dẻo dai. Bánh sau khi tráng xong được đem đi phơi dưới nắng. Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng to hay nhỏ, sau gần 2 tiếng phải lật bánh để bánh khô đều. Khi bánh tráng có độ khô vừa phải, bánh được thu lại vào chỗ mát để không bị cong. Thế nên khi làm bánh, người thợ cần "canh" qua từng công đoạn và đòi hỏi phải thật cẩn thận và tỉ mỉ.

Chị Nguyễn Thị Phượng, con dâu bà Vạng chia sẻ: "Công việc làm bánh tráng tuy có vất vả, thu nhập không cao, nhưng được cái ổn định và làm việc tại nhà nên có thời gian chăm sóc con cái. Tôi làm riết thành quen, giờ gắn bó không bỏ được".

Mỗi ngày chị Phượng và mẹ chồng làm được gần 2.000 chiếc bánh. Khách tới lấy bỏ mối cho toàn tỉnh. Ngày cao điểm có thể làm tới 3.000 chiếc. Mỗi bánh có đường kính 30cm. Thu nhập bình quân khoảng 3- 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra chị còn làm được thêm lúa và nuôi thêm gà, thu nhập đủ để trang trải chi phí cho gia đình 3-5 nhân khẩu. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng Ấp An Phước nói: "Nghề làm bánh tráng đem lại thu nhập tương đối và kết hợp được trong chăn nuôi từ các phế phẩm. Gia đình bà Vạng gắn bó với nghề này từ rất lâu. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ gia đình bà vốn mua thêm nguyên vật liệu và xây sân phục vụ việc làm bánh tráng thuận lợi hơn. Hy vọng trong thời gian tới gia đình bà cũng như các hộ làm bánh tráng trên địa bàn sẽ giữ "lửa" cho nghề truyền thống".

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

 

.
.
.