.

Yoga hỗ trợ "chữa lành" bệnh trầm cảm

Cập nhật: 19:10, 15/04/2022 (GMT+7)

Những câu chuyện về căn bệnh trầm cảm và phương pháp vượt qua căn bệnh này đã được chia sẻ bởi các học viên, giáo viên tại lớp học chuyên đề “Chiến lược Yoga cho bệnh trầm cảm” do Trung tâm Mermaid Yoga (3/15 Ngô Văn Huyền, phường 2, TP. Vũng Tàu) tổ chức vào tối 12/4 vừa qua.

Học viên chia sẻ câu chuyện của bản thân tại lớp học chuyên đề “Chiến lược Yoga cho bệnh trầm cảm”  do Trung tâm Mermaid Yoga (3/15 Ngô Văn Huyền, phường 2, TP. Vũng Tàu) tổ chức vào tối 12/4.
Học viên chia sẻ câu chuyện của bản thân tại lớp học chuyên đề “Chiến lược Yoga cho bệnh trầm cảm” do Trung tâm Mermaid Yoga (3/15 Ngô Văn Huyền, phường 2, TP. Vũng Tàu) tổ chức vào tối 12/4.

Vượt qua trầm cảm, lo âu và suy nghĩ tiêu cực

Trong chương trình, chị T.A (giáo viên dạy Yoga tại TP. Vũng Tàu) chia sẻ câu chuyện bị bệnh trầm cảm của chính mình và đã từng bước vượt qua nhờ tập luyện Yoga, tìm lại được sự cân bằng, niềm vui trong cuộc sống.

“Tôi từng làm chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng - chị T.A kể - do vậy công việc rất bận rộn và hầu như không có thời gian dành cho bản thân. Công việc rất áp lực, có thời điểm tôi bị căng thẳng, ngủ chập chờn; bị lệ thuộc cảm xúc vào người chung quanh; có nhiều biểu hiện tiêu cực như tự làm đau mình khi tức giận hoặc trút giận lên các con”.

Chị T.A lờ mờ nhận ra dấu hiệu bất ổn và bắt đầu đi khám, uống thuốc trong thời gian 2 năm tại BV Tâm thần tỉnh. Đỉnh điểm là vào lúc chị bị đột quỵ lần 2, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. “Lúc đó, tôi cảm thấy tiền bạc không còn giá trị nữa. Tôi nhìn các con và nội tâm thôi thúc phải vượt qua cảm xúc của mình để tìm lại chính mình. Qua giới thiệu, cơ duyên đã cho tôi biết và tập luyện Yoga nên dần tìm lại sự cân bằng, vượt qua được giai đoạn trầm cảm và trở thành giáo viên dạy Yoga để truyền lửa, giúp nhiều người cùng hoàn cảnh vượt qua được chính mình”, chị T.A tâm sự.

Còn chị M.B (ngụ TP. Vũng Tàu) bộc bạch: “Cách đây 7 năm, sau biến cố lớn, khi mất đi chỗ dựa, người luôn đem lại cảm giác an toàn cho mình đó là bố. Tôi mất phương hướng, không còn cảm xúc, mông lung, muốn trốn chạy thực tại và từng có ý định tự tử”. Và cơ duyên đến, chị M.B cũng bắt đầu làm quen và tập Yoga gần năm nay. Chị tập hít thở sâu và luyện các động tác Yoga. Sau đó, tinh thần trở nên phấn chấn hơn, tìm lại niềm vui và hạnh phúc bên người thân.

Các học viên trải nghiệm mở rộng trái tim với Satsang và Kirtan bao gồm thiền im lặng, hát Kirtan tại lớp học chuyên đề “Chiến lược Yoga cho bệnh trầm cảm”.
Các học viên trải nghiệm mở rộng trái tim với Satsang và Kirtan bao gồm thiền im lặng, hát Kirtan tại lớp học chuyên đề “Chiến lược Yoga cho bệnh trầm cảm”.

Tìm lại sự cân bằng từ Yoga

Tại lớp học chuyên đề, Tiến sĩ, giáo viên Yoga Swami Sitarramananda lý giải, hằng ngày, con người phải căng thẳng và mâu thuẫn. Cảm xúc là nguyên nhân chủ yếu gây ra đau khổ của mỗi người và là nguyên nhân gốc rễ của nhiều loại bệnh.

Những cảm xúc như: mất mát, thương tiếc, sợ hãi và buồn bã; thói quen ham muốn dẫn đến sự tức giận khi những ham muốn không được thỏa mãn; ký ức về những bất an trong quá khứ và bản năng sinh tồn gắn liền với chúng ta mang đến những lo lắng, cạnh tranh, tham lam và ghen tị… Lâu dần, những cảm xúc này bị dồn nén, lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến căn bệnh trầm cảm.

“Là một giáo viên Yoga và thiền định, tôi nhận thấy Yoga hướng chúng ta sống trong thế giới nhưng lại ở bên ngoài thế giới; như bông hoa sen mọc lên từ bùn lầy mà vẫn xinh đẹp ngát hương. Do vậy, tập Yoga và thiền định giúp con người cân bằng cuộc sống từ bên trong và hài hòa với nhịp điệu của tự nhiên từ bên ngoài. Kéo giãn cơ thể từ bên ngoài nhưng biết lắng nghe tiếng nói từ bên trong. Hát thật lớn nhưng giữ được sự tĩnh lặng từ bên trong. Hệ thần kinh và cảm xúc được chữa lành và dòng xoáy cuộc đời chỉ còn là một giấc mơ”, tiến sĩ Swami Sitarramananda chia sẻ.

Trong chương trình, tiến sĩ Swami Sitarramananda giới thiệu về Satsang và Kirtan - là một trải nghiệm mở rộng trái tim bao gồm thiền im lặng, hát Kirtan và lắng nghe bài giảng. Phương pháp này giúp cho các giáo viên, huấn luyện viên nâng cao kiến thức, kỹ năng và vận dụng liệu pháp Yoga hỗ trợ cải thiện sức khỏe, thể chất, tinh thần cho những người có triệu chứng trầm cảm.

Tiến sĩ Swami Sitarramananda cũng khuyên người có các triệu chứng trầm cảm cần tập các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền,... để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

“Chúng ta cần hít thở đúng để lấy năng lượng, để bình ổn nhịp tim… Lý do là người trầm cảm dễ tìm niềm vui bên ngoài, hoạt động liên tục, nên họ mất nhiều năng lượng dẫn đến mệt mỏi, chán nản, không thỏa mãn. Do vậy, tập thể dục đúng để trí óc và cơ thể đào thải nhanh sự lo âu, sợ hãi; tức là hoạt động để họ ngừng suy nghĩ miên man; máu huyết lưu thông, cân bằng tâm trí, giúp họ không có cảm giác cô đơn, đồng thời thư giãn đúng giúp họ hồi phục, bảo tồn năng lượng; có thời gian để các cơ quan nội tiết sản sinh ra các chất làm giảm cơn đau, mệt mỏi, uể oải và ý định muốn tự tử…”, tiến sĩ Swami Sitarramananda lý giải.

Bên cạnh đó, phương pháp ăn uống đúng, đủ chất bổ dưỡng để không bị béo phì, không bị còi xương; ngoại hình ưa nhìn cũng giúp mỗi người tự tin hơn, không làm tăng rối loạn và tăng dưỡng chất yêu thương… Cùng với đó là luyện tập thiền định để có tư duy tích cực; tin tưởng vào bản thân để tự chữa lành nội tâm.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
.
.
.