Trao sinh kế cho người nghèo

Thứ Sáu, 11/02/2022, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

 

Bà Đào Thị Ba bên đàn bò của gia đình.
Bà Đào Thị Ba bên đàn bò của gia đình.

Trao vốn giúp người nghèo mua con giống, tạo mô hình chăn nuôi phù hợp là những cách làm cụ thể của UBMTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội xã Bình Trung (huyện Châu Đức) nhằm giúp hộ khó khăn thoát nghèo bền vững. 

Khấm khá nhờ nuôi rẽ bò 

Theo chân ông Lý Văn Mai, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 1 (xã Bình Trung), chúng tôi tới thăm một số hộ gia đình đồng bào Châu Ro trong thôn, tham gia mô hình nuôi rẽ bò. Nuôi rẽ bò (hộ chăn nuôi trả công bằng bê con) - khi con bò sinh sản, cứ 2 con bê con thì người nuôi bò được trả 1 con.

Trong số những căn nhà tại tổ 7, chúng tôi ấn tượng với nhà của bà Đào Thị Ba (dân tộc Châu Ro), bởi căn nhà còn mới, khang trang, sạch sẽ. Bà Ba đang chuẩn bị lùa mấy con bò ra bãi đất trống gần nhà, thả rơm cho ăn, còn bà đi hái tiêu thuê.

Bà Ba có 4 người con (2 người đã lập gia đình), chồng mất sức lao động, bà lại không có việc làm ổn định nên trong nhiều năm liền, gia đình bà là hộ nghèo của xã. Nhờ nuôi rẽ bò giúp một hộ khá trong xã trong 2 năm, bà đã có 1 con bê con.“Tôi đang tiếp tục nuôi con bò mẹ, năm nay con bò sinh sản thì giao bê con cho chủ. Qua năm, tôi có thêm con bê nữa”, bà Ba khoe. 

Ngoài ra, nhờ nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ 1 con bò ban đầu, sau 5 năm, bà Ba đã có đàn bò 5 con. Năm 2021, bà đã sửa sang được căn nhà đại đoàn kết với tổng chi phí 140 triệu, trong đó Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng. “Nếu không có Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ về vốn, cách thức chăn nuôi, tôi không được như ngày hôm nay”, bà Ba nói thêm.

Tương tự, bà Đào Thị Xô, 54 tuổi (dân tộc Châu Ro) cũng tham gia mô hình nuôi rẽ bò. Suốt 10 năm, bà đã chăn bò cho hộ khá và được chia 10 con bê con. “Do sức khỏe tôi yếu, tôi bị bệnh thận, nên không giữ được đàn bò, đành bán dần để chữa bệnh. Hiện nay, tôi chỉ còn 1 con bê. Tôi vẫn tiếp tục chăm 5 con bò và hy vọng qua năm có thêm ít nhất 1 con bê nữa làm vốn”, bà Xô nói.

Thôn 1 có 249 hộ, trong đó 84 hộ là đồng bào Châu Ro. Người dân không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp nên cái nghèo cứ đeo đuổi. Ban MTTQ thôn phối hợp các đoàn thể, giới thiệu những hộ khá với hộ khó khăn, giúp hộ khá không phải đi chăn bò, còn hộ khó thì có bê con. “Qua 5 năm, đã có hơn 40 con bò được nuôi rẽ, sinh sản 35 con bê, chia cho hộ khó 17 con. Từ mô hình nuôi rẽ bò, 8 trong số 10 hộ đồng bào Châu Ro của thôn đã thoát nghèo, đời sống kinh tế tốt hơn”, ông Mai giới thiệu.

Ông Lê Văn Hanh bên những con dê béo mượt được phát triển từ cặp dê do UBMTTQVN xã cấp kinh phí mua.
Ông Lê Văn Hanh bên những con dê béo mượt được phát triển từ cặp dê do UBMTTQVN xã cấp kinh phí mua.

Trao vốn nuôi dê

Ngoài mô hình nuôi rẽ bò ở thôn 1, UBMTTQ xã Bình Trung còn trao vốn giúp các hộ có đất làm chuồng trại nhưng khó khăn về con giống có điều kiện sản xuất. Đó là mô hình giúp vốn nuôi dê.

Ông Lê Văn Hanh (thôn 5) được hỗ trợ vốn 7 triệu đồng để mua cặp dê vào năm 2020. Không có đất làm ăn, lại có tới 7 người con (con lớn vừa tốt nghiệp ĐH, con nhỏ nhất đang học lớp 4), vợ chồng làm thuê làm mướn, đi phụ hồ, nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Khi được cấp cặp dê, ông Hanh tìm tòi học hỏi từ những người xung quanh, làm chuồng cho dê.

“Nuôi dê không quá khó, thức ăn thì sẵn. Khi đi làm thuê, vợ chồng tôi xin rau, lá cây bông gòn, thân cây bắp về làm thức ăn cho dê. Mùa mưa chỉ cần giữ không để dê bị gió, nhiễm lạnh là dê khỏe mạnh, sinh sản tốt”, ông Hanh chia sẻ kinh nghiệm.

Từ 2 con dê ban đầu, ông mua thêm 3 con và đến nay, tổng đàn dê trong chuồng của gia đình ông là 13 con. Sẵn nghề phụ hồ, lại được bạn bè, người thân giúp đỡ, người cho ít tôn, người tặng mấy cái cửa sổ đã qua sử dụng, người giúp ngày công, vợ chồng ông tự xây căn nhà cấp 4 chắc chắn hơn cho các con. “Vợ chồng tôi vẫn tiếp tục làm thuê, cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Tôi mong muốn được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi dê để phát triển đàn dê tốt hơn, phát triển kinh tế gia đình”, ông Hanh nói.

Theo ông Lê Quang Danh, Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Trung, công tác chăm lo các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn luôn được chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội của xã quan tâm trong những năm qua. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của xã, trong năm 2020 và 2021, UBMTTQVN xã đã cấp kinh phí mua con giống với tổng số tiền 65 triệu đồng, giúp 10 hộ nghèo, hộ khó khăn chăn nuôi thoát nghèo bền vững, hỗ trợ sửa 1 căn nhà cho hộ nghèo với chi phí hơn 19,3 triệu đồng.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị-xã hội khác cũng triển khai mô hình hỗ trợ bò giống, gà giống... giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
;
.