Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan; thống nhất chỉ đạo và thực hiện trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn…, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VĂN ĐIỆP |
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, diễn ra vào sáng 17/2, tại Trụ sở Chính phủ.
Đánh giá chung về tình hình triển khai việc học tập, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, chủ trương đưa học sinh quay trở lại trường để học trực tiếp được xã hội, nhà trường, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá đúng lúc và kịp thời. Các địa phương thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022 (tính từ ngày 7/2 đến nay), theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ MN học trực tiếp; 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh TH học trực tiếp; 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp; 100% các cơ sở giáo dục Đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp chiếm 93,71% tổng số học sinh trên cả nước. |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ đến trường đảm bảo an toàn; quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đi học của trẻ em rất quan trọng, không chỉ khi có dịch bệnh; liên quan đến vấn đề bảo đảm nhân lực, lao động trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Bên cạnh đó, việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn…, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Các phương án phòng, chống dịch trong nhà trường phải chi tiết, liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông xuyên suốt.
DIỆP TRƯƠNG