Dốc sức cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng
Dịch bệnh COVID-19 đã tước đi sinh mạng của không ít người bệnh. Thấu hiểu những mất mát đau thương đó, các y, bác sĩ đã ngày đêm căng mình cứu chữa cho những bệnh nhân nặng. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lê, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. |
Vắt sức vì bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Văn Lê, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) Bệnh viện Vũng Tàu tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch từ những ngày đầu tiên ICU (cơ sở điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Vũng Tàu) được thành lập (khoảng tháng 7/2021). Khi đó, công tác điều trị các ca nặng còn khá mới mẻ, nhân viên y tế chưa có kinh nghiệm, nên lực lượng y, bác sĩ gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Lê nhớ lại: “Thời gian đầu, phòng điều trị bệnh nhân chưa được mở máy lạnh. Chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ cấp 5 nên rất nóng nực, khó thở, làm việc khoảng 3 tiếng. Một số đồng nghiệp của tôi bị ngất xỉu do quá ngột ngạt. Thời gian sau, được mở máy lạnh nên đỡ hơn rất nhiều, chúng tôi đã làm việc đến 5 tiếng/ca”.
Theo bác sĩ Lê, bệnh nhân COVID-19 có đặc thù là không có người thân bên cạnh chăm sóc. Nhân viên y tế phải quán xuyến tất cả công việc từ điều trị, đến ăn uống, vệ sinh cá nhân… cho người bệnh. Điều đó khiến khối lượng công việc của y, bác sĩ gia tăng, nhất là những thời điểm ICU có hơn 80 ca bệnh nặng. Hơn nữa, những ca bệnh nằm tại ICU đều bị suy hô hấp nặng, tình trạng rất nguy kịch giống như “ngọn đèn trước gió”. Các bệnh nhân được sử dụng các kỹ thuật cao như: Đặt ống nội khí quản, thở máy oxy dòng cao, thở máy xâm nhập, nhiều loại thuốc khác.
Mỗi ca trực chỉ có 5 bác sĩ và 12 điều dưỡng, nhưng đội ngũ y, bác sĩ ở ICU luôn động viên nhau, nỗ lực không ngừng để giành giật sự sống cho từng người bệnh. Bác sĩ Lê nói. “Bệnh nhân COVID-19 nặng có diễn biến xấu rất nhanh, chúng tôi phải theo dõi sát, không rời mắt khỏi bệnh nhân. Bác sĩ phải đánh giá liên tục tình trạng bệnh để điều chỉnh y lệch phù hợp và nhanh nhất. Mỗi lần tan ca cũng là lúc chúng tôi đã mệt rã rời”.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân, bác sĩ Lê cùng đồng nghiệp đã cứu chữa thành công, mạng lại sự sống cho nhiều trường hợp. Song bác sĩ Lê cũng rất đáng tiếc cho nhiều ca không qua khỏi. “Một số bệnh nhân, chúng tôi đã rất kỳ công điều trị, chăm sóc nhưng họ ra đi ngay trước mặt. Khi đó, tôi buồn và hụt hẫng lắm. Nhưng còn bao nhiêu bệnh nhân đang hôn mê, nằm thở máy nên tôi xốc lại tinh thần, tiếp tục điều trị cho các ca khác”, bác sĩ Lê cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên thăm khám cho 1 bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. |
Hồi sinh
Dù có con nhỏ nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Duyên (Bệnh viện Bà Rịa) vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại ICU (cơ sở điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Vũng Tàu). Bác sĩ Duyên nói: “Vào ICU, tôi mới thấm sự đau thương của một đời người. Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh”.
Là người mẹ nên bác sĩ Duyên không khỏi xót xa khi gặp những thai phụ nhiễm COVID-19 nặng, sự sống cả mẹ lẫn con bị đe dọa. Bác sĩ dẫn chứng, sản phụ N.K.T., 30 tuổi ở huyện Xuyên Mộc, nhiễm COVID-19 nặng khi đang mang thai tuần thứ 23. Khi vào ICU, sản phụ trong tình trạng khó thở, phổi bị tổn thương rất nặng. Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định đặt nội khí quản, thở oxy dòng cao, nhưng mấy ngày sau bệnh nặng hơn, sản phụ phải chuyển sang thở máy xâm nhập. Nhờ được đánh giá kỹ càng, chính xác và có biện pháp can thiệp kịp thời cũng như chăm sóc tích cực nên hơn một tuần sau đó sức khỏe bệnh nhân T. có cải thiện đáng kể. Bệnh nhân được chỉ định cai máy thở.
Thế nhưng, việc cai máy thở cho ca bệnh này đã thất bại, khiến nhân viên y tế càng bị áp lực hơn. “Chúng tôi tiếp tục đặt nội khí quản lần 2 cho bệnh nhân T. Lần này, chúng tôi không còn nhiều hy vọng để cứu sống hai mẹ con sản phụ nữa”, bác sĩ Duyên nhớ lại. Nhưng nghĩ “còn nước còn tát”, bác sĩ Duyên và các đồng nghiệp vẫn thường xuyên ở bên cạnh chăm sóc, theo dõi diễn tiến bệnh của bệnh nhân T. Và thật bất ngờ, sức khỏe của sản phụ này dần dần hồi phục, từng bước vượt qua được lưới hái tử thần do COVID-19. Ngày sản phụ được xuất viện, về nhà an toàn không chỉ là ngày hạnh phúc của gia đình bệnh nhân mà còn của bác sĩ Duyên và các nhân viên y tế đã từng dốc sức cứu chữa cho chị.
“Cường độ làm việc tại ICU rất cao, công việc nhiều nên chúng tôi không ngơi tay. Chúng tôi phải làm việc cẩn thận, tỉ mỉ trên người bệnh và thiết bị y tế, tránh sai sót, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Mỗi ca bệnh nặng được cứu chữa thành công giúp tinh thần tôi phấn khởi, nhẹ lòng hơn, để tiếp tục chung sức cùng đồng đội, giành lại sự sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Duyên cho hay.
Khó có thể đong đếm hết những hy sinh, vất vả của đội ngũ nhân viên y tế trong trận chiến với COVID-19. Nhưng nhờ sự nỗ lực bền bỉ, không quản ngại vất vả, gian lao, đội ngũ y, bác sĩ đã tìm lại cuộc đời mới cho bao bệnh nhân nguy kịch.
Khoảng 3 tháng trước, ông Lê Xuân Thảo, 63 tuổi, ở 176/10/5/7 Trương Công Định (TP. Vũng Tàu) nhiễm COVID-19 và rơi vào tình trạng nguy kịch. Ban đầu ông Thảo bị sốt, ho dữ dội, khó thở nên phải thở oxy bình ngay khi còn ở nhà. Khi chuyển vào ICU, sức khỏe ông chuyển biến xấu, lúc tỉnh lúc mê, SP02 còn dưới 70%, chỉ số đường huyết cao. Ngay lập tức, ông được bác sĩ cho thở oxy dòng cao, dịch truyền, Insulin… Có những lúc tưởng như ông đã không qua khỏi. Vậy nhưng, nhờ sự tận tình của các y, bác sĩ, ông đã thoát khỏi tử thần.
Lúc tỉnh dậy, ông Thảo thấy dây truyền chằng chịt hai tay, trên mũi có ống thở. Những bệnh nhân khác nằm bất động, khiến ông Thảo sợ hãi. “Tôi nằm tại ICU gần 3 tuần. Y, bác sĩ ở đây chăm sóc tôi tận tình, chu đáo từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, đến nâng đỡ, giúp tôi tự thở và tập vật lý trị liệu. Tôi rất cảm phục và quý trọng sự hy sinh, vất vả của nhân viên y tế tại ICU. Họ đã giúp tôi sống lại, cho tôi cuộc đời mới”, ông Thảo nói.
Bài, ảnh: HOÀNG HƯỜNG