.
MUA SẮM THIẾT BỊ DẠY HỌC LỚP 2 VÀ LỚP 6

Cần có sự thống nhất, cân đối giữa các địa phương

Cập nhật: 19:45, 21/12/2021 (GMT+7)

Thời điểm này, năm học 2021-2022 đã đi được nửa chặng đường nhưng hầu hết các địa phương vẫn chưa thực hiện xong việc mua sắm thiết bị dạy học cho các khối lớp 2 và 6. Mặt khác, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị giữa các địa phương trong tỉnh có sự chênh lệch khá cao.

Cô Lê Thị Thúy, GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa đang dạy trực tuyến cho HS lớp 2.
Cô Lê Thị Thúy, GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa đang dạy trực tuyến cho HS lớp 2.

Xuất phát sớm nhưng chưa “về đích”

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nhằm khắc phục tình trạng chậm mua sắm thiết bị giảng dạy, từ tháng 12/2020, Sở đã có văn bản yêu cầu các địa phương chuẩn bị mua sắm thiết bị lớp 2 và lớp 6 cho năm học 2021-2022. Đến tháng 3/2021, các địa phương đều báo cáo đang triển khai. Thế nhưng, đến thời điểm này mới có huyện Côn Đảo chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành việc mua sắm trong tháng 12. Huyện Châu Đức và TP. Vũng Tàu đã phê duyệt dự toán nhưng không kịp nghiệm thu và giải ngân trong năm 2021. Các địa phương còn lại đưa nội dung này vào danh mục đầu tư năm 2022.

Về kinh phí mua sắm, Sở GD-ĐT đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các địa phương để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu. Tuy nhiên, sau đó, kinh phí mua sắm được giao cho các huyện, thị xã, thành phố cân đối từ nguồn ngân sách địa phương đã phân bổ năm 2021.

Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị lớp 2 và lớp 6 của toàn tỉnh là hơn 200 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, kinh phí mua sắm của các địa phương có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, kinh phí mua sắm thiết bị của TP. Vũng Tàu là 6,8 tỷ đồng, huyện Đất Đỏ 5,5 tỷ đồng, TP. Bà Rịa gần 62,6 tỷ đồng, TX. Phú Mỹ 32,786 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Quý Phúc, Trưởng Phòng GD-ĐT TX. Phú Mỹ cho biết, trên cơ sở Thông tư 43, 44 của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Sở GD-ĐT, Phòng đã triển khai tới các nhà trường, rà soát danh mục theo hướng dẫn với danh mục thiết bị hiện có để lập danh mục mua sắm. HĐND thị xã đã ban hành Nghị quyết danh mục dự án đầu tư, kinh phí dự kiến là 32,786 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Hội đồng thẩm định đã họp thẩm định vào đầu tháng 12. Dự kiến, đầu năm 2022, thị xã sẽ bố trí 30 tỷ đồng, năm 2023 bố trí số tiền còn lại cho việc mua sắm thiết bị.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đất Đỏ cho hay, theo danh mục đã được Sở GD-ĐT đồng ý thì, kinh phí mua sắm trang thiết bị của huyện là 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 7/2021, Sở Tài chính có công văn đề nghị các địa phương tự cân đối kinh phí. Do nguồn kinh phí lớn, huyện đã yêu cầu các trường rà soát lại, chỉ mua sắm những thiết bị tối thiểu, thực sự cần thiết. Sau khi rà soát, tổng kinh phí mua sắm giảm còn 5,5 tỷ đồng và sử dụng nguồn đầu tư công.

Tại TP. Vũng Tàu, tổng kinh phí mua sắm thiết bị dự kiến chỉ khoảng 6,8 tỷ đồng, đã được UBND thành phố giao vào tháng 11 vừa qua. Đơn vị nào có giá trị mua sắm thiết bị dưới 100 triệu thì thực hiện ngay trong tháng 12, còn kinh phí mua sắm trên 100 triệu thì xin chuyển nguồn sang năm 2022 để thực hiện.

Rà soát kỹ, tránh lãng phí

Nói rõ hơn về vấn đề chênh lệch kinh phí mua sắm, bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết thêm, Thông tư 43, 44 của Bộ GD-ĐT quy định mức chung cho việc mua sắm. Các địa phương chỉ cần căn cứ vào quy mô HS, GV, có thể định lượng được số lượng thiết bị cần mua sắm. Việc xây dựng danh mục được giao cho từng trường thực hiện để phát huy vai trò của người sử dụng. “Sở đã so sánh và trao đổi với phòng GD-ĐT các địa phương khi nhận thấy có sự chênh lệch lớn về kinh phí giữa các địa phương. Các địa phương đều trả lời là đã rà soát kỹ lưỡng, xuất phát từ nhu cầu thực tế”, bà Châu nói. Song, bà Châu cũng cho biết thêm, dù đã có căn cứ để lập danh mục nhưng nếu các trường tận dụng thiết bị đã có, tối giản việc mua sắm thì kinh phí sẽ thấp hơn.

Theo đại diện Sở Tài chính, từ nguồn xổ số kiến thiết, năm 2021, UBND tỉnh đã bố trí thêm 150 tỷ đồng cho các địa phương, chủ yếu để chi cho giáo dục. Sở Tài chính đã hướng dẫn các huyện, thị, thành phố cân đối nguồn kinh phí bổ sung để mua sắm. Đại diện Sở Tài chính cũng chỉ ra tình trạng trước đây đã có nhiều đơn vị mua sắm thiết bị không cần thiết, hoặc mua sắm thiết bị không phù hợp nên hầu như không sử dụng đến. Do đó, các địa phương, đơn vị cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm sự hài hòa, tránh lãng phí.

Trong cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức đầu tháng 12 về vấn đề này, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp với các địa phương khảo sát việc lập danh mục, triển khai mua sắm thiết bị dạy học. “Ngành GD-ĐT cần khảo sát, đối chiếu danh mục để có sự thống nhất, cân đối trong toàn tỉnh. Mua sắm thiết bị để HS có điều kiện học hành tốt hơn nhưng phải phù hợp, phát huy được giá trị, hiệu quả. Các địa phương chủ động phối hợp, gửi danh mục mua sắm, báo cáo cụ thể, chi tiết của từng trường về Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch-Đầu tư thẩm định trước khi khảo sát thực tế báo cáo UBND tỉnh”, ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 138 trường TH và 92 trường THCS. Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục đã xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 để phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo danh mục của Bộ GD-ĐT, thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 sử dụng cho giảng dạy các môn học: Đạo đức, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), môn Tiếng Việt, môn Toán, môn Tự nhiên và Xã hội và thiết bị dùng chung. Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 được ban hành cho các môn học: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và thiết bị dùng chung.

 

.
.
.