Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã tạo tiện ích cho người dân và DN. Ở bất cứ nơi đâu, bất kể thời gian nào, người dân, DN cũng có thể nộp hồ sơ TTHC qua mạng. Đó là tiền đề để BR-VT thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian tới.
Chị Lưu Thị Hồng, chuyên viên Sở Công thương tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC qua mạng cho DN. |
Tiện ích khi nộp hồ sơ qua mạng
Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh và Chi nhánh Vũng Tàu tại 148, Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP. Vũng Tàu. Hiện nay, mỗi khi cần nộp hồ sơ TTHC, đại diện Công ty đều thực hiện qua mạng mà không mất thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh xuống BR-VT như những năm trước. Chị Mai Thị Ngọc Quyên, đại diện Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi cho hay, từ TP. Hồ Chí Minh, chị vẫn có thể nộp các loại hồ sơ chứng nhận an toàn thực phẩm, hồ sơ đăng ký khuyến mãi, hồ sơ thông báo khuyến mãi đến Sở Công thương qua Cổng Dịch vụ công BR-VT. “Việc nộp hồ sơ qua mạng giúp DN rút ngắn thời gian chờ đợi, không phải đi lại trực tiếp, vừa tiết giảm chi phí, vừa bảo đảm an toàn, lại thuận lợi hơn”, chị Quyên nhận xét.
Chị Lưu Thị Hồng, chuyên viên tiếp nhận và trả kết quả TTHC Sở Công thương cho biết: Những năm gần đây, sau khi được Sở tuyên truyền, hướng dẫn, phát tờ rơi, gửi thông báo về cách thức cũng như những tiện ích khi nộp hồ sơ trực tuyến, nhiều tổ chức, DN đã thay đổi thói quen làm TTHC từ trực tiếp sang trực tuyến. Giờ đây, không chỉ các DN trên toàn quốc có hoạt động tại BR-VT mà đa số DN tại địa phương cũng nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng. Từ ngày 1/1 đến 29/12/2021, trong số 14.198 hồ sơ Sở Công thương tiếp nhận, có đến 13.781 hồ sơ nộp và trả kết quả trực tuyến, đạt tỷ lệ 97%.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn liền với CCHC nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, DN và đã mang lại những kết quả ban đầu rất tích cực. BR-VT sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, bảo đảm mục tiêu phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân.
(Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của Sở Công thương trong công tác CCHC. Trong đó, Sở đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp để cung cấp và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Bà Ngô Thị Thanh Hương, Phó Chánh Văn phòng Sở Công thương cho biết, năm 2018, Sở chỉ giải quyết được 12% hồ sơ TTHC trực tuyến. Với sự quyết liệt, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, đến nay, 119/119 TTHC của Sở đều cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 98,6%. Do có nền tảng về cung cấp, giải quyết TTHC trực tuyến mà trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhất là trong thời gian BR-VT thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các tổ chức, DN không bị gián đoạn.
“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết hợp với dịch vụ bưu chính công ích để nhận và trả kết quả hồ sơ tại nhà, thanh toán tiền qua ngân hàng đã giúp rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ, giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC, tạo thuận lợi cho DN”, bà Ngô Thị Thanh Hương nói.
Công tác CCHC gắn với chuyển đổi số cũng được Sở Công thương chú trọng. Đến nay, 100% CBCCVC là lãnh đạo Sở, lãnh đạo phòng, đơn vị trực thuộc, bộ phận kế toán đã ứng dụng chứng thư số, chữ ký số. Sở cũng ứng dụng chữ ký số vào giao dịch điện tử với kho bạc, Bảo hiểm xã hội và ký văn bản điện tử để trao đổi công việc trên môi trường mạng.
Tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh cung cấp và giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, 4. Theo Sở TN-MT, hiện nay, Sở đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của 111 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở theo lộ trình UBND tỉnh ban hành. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, thời gian tới, Sở chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC; đẩy mạnh giải quyết TTHC công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường ứng dụng CNTT trong CCHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên hiện đại hóa nền hành chính nhằm tạo sự hài lòng cho người dân và DN.
Từ tháng 1/2020, UBND tỉnh đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh BR-VT và kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó công khai việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC của từng cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Mức độ 4 cho phép người sử dụng nộp hồ sơ, thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến, người dân ở đâu cũng thực hiện được dịch vụ, kết quả sẽ được trả tận nơi, không phải đến cơ quan chức năng.
Hiện nay, 18 sở, ngành, 8 đơn vị cấp huyện và 82 đơn vị cấp xã đã cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4 trên môi trường mạng, đạt tỷ lệ 97%, trong đó mức độ 3 có 352 thủ tục, mức độ 4 có 1.497 thủ tục. Người dân, DN có thể dễ dàng thao tác nộp hồ sơ trên không gian mạng đến các cơ quan chức năng qua Cổng Dịch vụ công BR-VT và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. |
Ông Lê Việt Trung, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thời gian qua, BR-VT đã nỗ lực, quyết liệt xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với CCHC. Năm 2021 được xem là năm có nhiều đột phá nhất trong hành trình chuyển đổi số của tỉnh với sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền, sự hưởng ứng của người dân và DN. Với nỗ lực đó, BR-VT đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Đến nay, 100% TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức 3; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ 4.
Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện CCHC, công khai, minh bạch thông tin, giúp người dân, DN tương tác với chính quyền thuận tiện. Ngoài tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, Trung tâm còn chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN thực hiện TTHC qua mạng. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC ở cấp huyện, cấp xã hoạt động ngày càng hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ CNTT để tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Chuyển đổi số được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là một trong những khâu đột phá của BR-VT. Trong năm 2022, BR-VT đặt mục tiêu chuyển đổi số gắn liền với CCHC và sử dụng dữ liệu, phân tích dữ liệu nhiều hơn trong việc ra quyết định; nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lên 50%. Để đạt mục tiêu này, BR-VT triển khai các giải pháp mới phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển chính quyền số như: Đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; tổng đài dịch vụ công tự động; trợ lý ảo; xây dựng kho dữ liệu số.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG