Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, tăng kết nối cung - cầu lao động… nhằm hướng tới tạo việc làm bền vững là những giải pháp được tỉnh tập trung triển khai hiệu quả. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ năm 1991-2021, BR-VT đã giải quyết việc làm cho 881.583 lượt lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 313.686 lượt lao động.
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại một phiên giao dịch việc làm được tổ chức năm 2020. |
Đẩy mạnh tạo việc làm
Để tạo đòn bẩy giúp người lao động (NLĐ) có việc làm bền vững, tăng thu nhập, BR-VT đã phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ năm 1991-2020, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là 1.421 tỷ đồng. Việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp hàng chục ngàn gia đình có điều kiện làm ăn, tạo kế sinh nhai. Thông qua chương trình vay vốn tạo việc làm, tỉnh đã hỗ trợ cho 119.391 lượt lao động tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này.
Trước đây, thu nhập của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích (ấp An Hòa, xã An Nhứt, huyện Long Điền) chỉ trông cậy vào 2 con bò sinh sản nên kinh tế rất eo hẹp. Năm 2018, gia đình ông được Ngân hàng CSXH Chi nhánh huyện Long Điền hỗ trợ vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Ông đầu tư thêm vốn, mua 3 con bò giống lai sind về nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên thành 10 con, có tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Để có thêm thu nhập, gia đình ông còn kết hợp chăn nuôi gà, vịt và trồng lúa… Xuất phát từ hộ khó khăn, gia đình ông Bích trở thành tấm gương sản xuất tiêu biểu của địa phương. “Không có sự đồng hành, tiếp sức từ nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi khó có thể tạo dựng cuộc sống như giờ”, ông Bích chia sẻ.
Cùng với đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi trong giải quyết việc làm, BR-VT còn tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, nhằm hướng tới giúp người dân vùng nông thôn tự tạo việc làm. Sau hơn 10 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình đào tạo nghề cho LĐNT đã mang lại hiệu quả rõ nét, mở ra cơ hội việc làm ổn định cho nhiều NLĐ.
Tỉnh đã triển khai linh hoạt theo hướng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Ngoài ra, tỉnh còn mở rộng danh mục đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế và đa dạng hình thức đào tạo nghề. Ngoài đào tạo chính quy tại cơ sở dạy nghề, việc đào tạo theo yêu cầu DN, chuyển giao công nghệ, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, đào tạo lưu động tại DN, đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi được tổ chức rộng rãi. Cách làm này đã từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của thanh niên và nông dân, từng bước gắn với tạo việc làm, chuyển đổi nghề, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng và nhu cầu của thị trường lao động. Qua đó góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Báo cáo của Sở LĐTBXH cho biết, sau 10 năm triển khai, Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đối với những nghề phi nông nghiệp, sau học nghề, 95% lao động được DN tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập khởi điểm từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như các ngành nghề: may công nghiệp, lái xe nâng, vận hành cẩu trục, nghiệp vụ bàn-buồng, nghiệp vụ buồng, kỹ thuật chế biến món ăn.
Anh Trương Phú Thọ, công nhân Công ty TNHH Thép tiền chế (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) vốn học nghề cơ khí, song lại được tuyển dụng và được bố trí tạm thời vào vị trí vận hành cẩu trục. Để đáp ứng yêu cầu công việc, anh Thọ tham gia khóa học vận hành cẩu trục cùng 25 học viên khác. Trong vòng 2 tháng, tranh thủ những ngày ra ca, anh Thọ đã hoàn thành khóa học nghề. Không chỉ yên tâm khi có chứng chỉ nghề, anh Thọ còn được công ty bố trí công việc lâu dài với mức lương 5 triệu đồng/tháng; chưa kể, anh còn được miễn học phí học nghề.
Tăng cường kết nối cung - cầu
Báo cáo của Sở LĐTBXH cho biết, từ năm 1991-2021, BR-VT đã giải quyết việc làm cho 881.583 lượt lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 313.686 lượt lao động. Từ năm 2011 đến nay, BR-VT đã tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 2.572 DN, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh.
Cùng với triển khai nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho NLĐ, BR-VT còn tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu giữa NLĐ và nhà tuyển dụng. Theo thống kê, từ năm 1991-2021, tại các phiên giao dịch việc do Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tổ chức có 103.053 lượt lao động tham gia, trong đó có 14.104 người được tuyển dụng trực tiếp.
Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, hàng năm, trung tâm thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng kết nối cung - cầu. Điển hình trung tâm cung cấp thông tin tổng thể về nhu cầu việc làm đến NLĐ. Trong đó, các dữ liệu, thông tin phục vụ cho sàn giao dịch việc làm được kết nối chặt chẽ với 82 xã, phường và các trung tâm trong cả nước.
Người lao động được tư vấn việc làm tại Phiên giao dịch việc làm năm 2020. |
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, chương trình giải quyết việc làm, đào tạo nghề đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia tích cực của NLĐ. Nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành và NLĐ về công tác giải quyết việc làm, tự tạo việc làm được nâng lên. Giải quyết việc làm được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.Trong khuôn khổ các phiên giao dịch việc làm diễn ra nhiều hoạt động như hỗ trợ tư vấn kỹ năng tìm việc cho NLĐ; tư vấn quản trị DN cho DN… Đồng thời, trung tâm dần chuyển sang mô hình tuyển dụng trực tuyến để kết nối cung - cầu. Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho NLĐ những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, mở ra cho NLĐ thêm nhiều cơ hội việc làm.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, BR-VT tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phấn đấu tạo việc làm tăng thêm cho 90.000 lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực quản lý, thực hiện đào tạo lao động có kỹ năng nghề nghiệp cho các ngành kinh tế hiện tại và tương lai của tỉnh. Tổ chức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, tiếp cận bao trùm, đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời, gắn đào tạo với sử dụng lao động, tạo việc làm. Quy mô tuyển sinh TC, CĐ của giáo dục nghề nghiệp đạt gấp đôi so với thời điểm năm 2020, bảo đảm về cơ cấu và chất lượng, chú trọng tuyển sinh các ngành, nghề đáp ứng các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển hệ thống cơ sở đào tạo tại DN để đào tạo, đào tạo lại cho lao động; đồng thời tăng cường sự tham gia toàn diện của DN trong các hoạt động đào tạo nghề nghiệp. (Nguồn: Sở LĐTBXH) |