Ngày 20/11, cả nước hân hoan kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021). Nhân dịp này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về những đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý, GV cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh và những định hướng phát triển đội ngũ trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT. |
* Phóng viên: Thưa bà, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã gặt gái nhiều thành tựu nổi bật. Để đạt được những thành tựu ấy, bà đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, GV trong sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh?
- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Các thầy cô đã không ngừng cố gắng nâng cao năng lực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Các thầy cô là người đã dạy dỗ, bồi dưỡng, dìu dắt các thế hệ HS, để các em có kiến thức, bản lĩnh và đạo đức chinh phục đỉnh cao tri thức, cống hiến cho quê hương, đất nước. Không chỉ vậy, mỗi thầy cô giáo còn là một tấm gương sáng về đạo đức và rèn luyện.
Năm học 2020-2021 vừa qua diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp và ngày một lan rộng trên phạm vi toàn quốc, trong đó tỉnh BR-VT là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV, người lao động toàn ngành đã nỗ lực không ngừng, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo, cùng với sự đồng hành của phụ huynh và toàn xã hội, đã hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa đảm bảo tổ chức hoạt động dạy và học để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Nhờ đó, ngành giáo dục tỉnh đã đạt được một số thành quả nổi bật như mọi hoạt động của ngành diễn ra an toàn, các cơ sở giáo dục đã hoàn thành chương trình và kết thúc năm học theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 kịp thời, đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, ngành cũng tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo Nghị quyết 123/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; thực hiện dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả cao trong thời gian học sinh phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh COVID-19…
* Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, HS trên địa bàn tỉnh chưa thể đến trường để học tập trực tiếp mà phải tham gia học tập bằng hình thức trực tuyến. Đội ngũ cán bộ, GV phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để có thể thích ứng với phương thức dạy học mới, thưa bà?
- Đúng vậy, trong bối cảnh HS phải tham gia học tập bằng hình thức trực tuyến thì những nỗ lực của thầy cô để vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng với phương thức dạy học mới mẻ này nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học càng đáng trân trọng, biểu dương và ghi nhận. Các thầy cô giáo đã thể hiện tâm huyết và trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, không ngừng học hỏi để có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, xây dựng những bài giảng chất lượng, hiệu quả cho HS.
Có thể nói, trước yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, đội ngũ GV của tỉnh, thậm chí cả những GV lớn tuổi đã thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không chỉ ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, các thầy cô còn “số hóa” cả trong kiểm tra, đánh giá HS thường xuyên và định kỳ theo hướng chú trọng năng lực và phẩm chất của HS. Tình yêu nghề, trách nhiệm của một nhà giáo đã giúp thầy cô vượt qua thử thách là thực hiện một cách tốt nhất công việc của mình.
Cô Đào Thị Phong, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh dạy học trực tuyến thông qua phần mềm Google Meet. |
* Thưa bà, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ làm gì để củng cố, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, phát triển đội ngũ?
- Ngành GD-ĐT tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ bằng cách lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn định kỳ, thường xuyên, khuyến khích đội ngũ có tinh thần tự học và bồi dưỡng. Trong đó, ngành chú trọng bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình phổ thông mới, củng cố “kỹ năng số” cho GV. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh và thực hiện tốt quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng về số lượng và chất lượng đội ngũ; thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển đúng quy định, đúng vị trí việc làm...
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thầy cô giáo phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa giảng dạy, vừa phòng chống dịch. Trong ảnh: GV Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu) nhắc nhở HS thực hiện quy định 5K trong thời gian các em được đến trường học tập trực tiếp năm học 2020-2021. |
Không chỉ vậy, ngành GD-ĐT còn chú trọng bồi dưỡng nâng chuẩn đội ngũ theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn cán bộ quản lý; đồng thời triển khai văn bản chỉ đạo các cấp về nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, tổ chức các chuyên đề, giao lưu gương điển hình tiên tiến, khích lệ các thầy cô tự phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng để thực hiện tốt hơn sứ mệnh cao cả của mình.
Ngành giáo dục cũng yêu cầu các thầy cô tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, thay thế phương pháp dạy học cũ theo hướng truyền thụ, áp đặt một chiều bằng phương pháp dạy học mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy “HS làm trung tâm”, phát huy năng lực, sự sáng tạo của người học.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
KHÁNH CHI
(Thực hiện)
Năm học vừa qua, HS của tỉnh đã tham gia và đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi với 37 giải HS giỏi Quốc gia, 1 dự án đạt giải Tư trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia… Và với sự nỗ lực của cán bộ, GV, nhân viên toàn ngành, tỉnh BR-VT đã tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 thành công, an toàn và đạt kết quả cao. Với tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,43%, BR-VT nằm trong top 20 tỉnh thành dẫn đầu cả nước về điểm trung bình tốt nghiệp; đồng thời tỉnh cũng tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình môn tiếng Anh và thứ 10 môn Toán. |