.

Những phụ nữ giàu nghị lực

Cập nhật: 18:11, 16/11/2021 (GMT+7)

Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng những người phụ nữ đó vẫn kiên cường vượt qua khó khăn để khẳng định giá trị bản thân và lan tỏa năng lượng tích cực cho người khác.

Bà Nguyễn Thị Hương Hà (tổ 8, ấp Láng Găng, xã Bình Châu) phụ chồng làm mộc tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Hương Hà (tổ 8, ấp Láng Găng, xã Bình Châu) phụ chồng làm mộc tại nhà.

Cùng bà Đỗ Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), chúng tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hương Hà (tổ 8, ấp Láng Găng, xã Bình Châu). Bà Hà đang phụ chồng đóng bàn, ghế. Đon đả mời khách vào nhà, bà Hà cho biết, gần 30 năm mắc bệnh thoái hóa cột sống khiến bà không thể đi lại bình thường như bao người khác. Lưng còng, đôi chân đi lại khó khăn và không mang vác được vật nặng nhưng chưa bao giờ bà thấy bế tắc trong cuộc sống. Bà làm đủ thứ nghề, từ làm thuê, làm mướn đến phụ chồng làm mộc. Bất cứ ai thuê gì bà cũng làm để lo cái ăn cái mặc cho con, san sẻ gánh nặng cùng chồng.

Vất vả nhiều năm, vợ chồng bà tích góp xây dựng được căn nhà khang trang. Cùng với 2ha đất trồng điều và nghề thợ mộc, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài làm kinh tế, bà Hà hăng hái tham gia vào các hoạt động của Hội phụ nữ xã. Những người con của bà đều trưởng thành, có việc làm ổn định.

Bà Hà tâm sự: “Mình khiếm khuyết về đôi chân và sức khỏe nhưng kiên trì thì làm gì cũng được. Cái chính nằm ở ý chí, quyết tâm thôi. Tôi luôn dạy con và cũng là nhắc chính mình: Khuyết cơ thể chứ nhất quyết không để khuyết trí óc. Hơn 3 tháng tham gia vào nhóm phụ nữ tự lực, tôi luôn truyền lửa và động viên những chị em khuyết tật khác để họ có thêm động lực vượt qua khiếm khuyết cơ thể, sống vui vẻ, hạnh phúc và phấn đấu vươn lên”.

Tương tự, chị Phan Thị Kim Dung (tổ 4, ấp Bình Trung, xã Bình Châu) bị bại liệt, đi lại khó khăn. Vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti, chị quyết tâm tìm cho mình một cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Nghĩ là làm, chị đi học may và làm bánh. Nhờ cần cù và có năng khiếu, sau thời gian học, chị có thể kiếm sống từ nghề.

Khoảng năm 2010, chị bàn với chồng dùng hết số tiền tích góp xây dựng dãy nhà trọ 11 phòng cho thuê. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị thu nhập hơn 150 triệu đồng. “Tôi may mắn nhận được sự thương yêu của gia đình, đồng cảm, sẻ chia của chồng và các con. Cùng với sự quan tâm của Hội LHPN xã, tôi có động lực vươn lên trong cuộc sống”.

Bà Phan Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Xuyên Mộc cho biết, đầu tháng 8/2021, Hội LHPN huyện thí điểm thành lập mô hình “Nhóm phụ nữ tự lực” gồm 25 thành viên là phụ nữ khuyết tật tại xã Bình Châu. Mô hình nhằm gắn kết, nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng cho người khuyết tật. Nhiều phụ nữ khuyết tật còn tự ti, mặc cảm nên những ngày đầu thành lập, việc vận động chị em  tham gia còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua thời gian thấy mô hình phát huy hiệu quả, chị em đã mạnh dạn tham gia nhiều hơn.

“Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mô hình nhằm tập hợp thêm nhiều phụ nữ khuyết tật hơn nữa. Hội sẽ giúp tập huấn kỹ năng, kiến thức về pháp luật, chế độ chính sách dành cho người khuyết tật; thăm hỏi động viên, tổ chức dạy nghề cho chị em và trao tặng học bổng cho con em các thành viên”, bà Phan Thị Mỹ Dung chia sẻ.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
.
.
.