.

Tháo gỡ khó khăn trong dạy học trực tuyến

Cập nhật: 21:17, 14/11/2021 (GMT+7)

Đoàn ĐBQH tỉnh vừa tổ chức giám sát việc triển khai công tác dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận không ít khó khăn, bất cập của việc học trực tuyến, đồng thời đã cùng ngành giáo dục nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc này.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tình hình học trực tuyến của học sinh TH, dân tộc Châu Ro,  thôn Tân Chấu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tình hình học trực tuyến của học sinh TH, dân tộc Châu Ro, thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức.

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Đoàn khảo sát tới nhà em N.T.T.N, HS lớp 9 của một trường THCS ở huyện Xuyên Mộc. Khi đó, N. đang học trực tuyến qua chiếc máy tính mượn của người bác ruột. T.N cho biết, em và em gái cùng phải học trực tuyến, nên phải mượn thêm máy tính. Theo thời khóa biểu, mỗi ngày, em học 7 tiết, mỗi tiết 45 phút. Buổi sáng, em học từ 7 giờ - 10 giờ 15 phút, buổi chiều từ 13 giờ - 16 giờ 15 phút, thời gian nghỉ giữa các tiết là 5 phút. “Hôm nay, em vào học trễ tầm 15 phút do đường truyền internet bị trục trặc. Việc này xảy ra khá thường xuyên khiến việc tiếp thu bài của em bị ảnh hưởng không nhỏ”, T.N cho hay. Bên cạnh đó, cô bé cũng chia sẻ, việc phải ngồi và tiếp xúc với máy vi tính trong khoảng thời gian dài, khiến em bị đau lưng và mỏi mắt. Vừa nhìn màn hình máy tính để chép bài, vừa nghe giảng nên em thường xuyên không chép kịp bài giảng của GV.

 

BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, 
TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH
Nhà trường và gia đình cùng chung tay trong tổ chức dạy học trực tuyến
Để nâng cao chất lượng dạy, học trực tuyến, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, để nhà trường, gia đình và toàn xã hội cùng vào cuộc, nâng cao chất lượng dạy và học. Trước mắt, Sở GD-ĐT phải linh hoạt xây dựng thời lượng học trực tuyến thống nhất cho toàn tỉnh, sao cho phù hợp với từng đối tượng HS, cũng như tình hình thực tế. Cùng với đó, các nhà trường và đội ngũ GV xây dựng bài giảng sinh động, tăng tương tác, giảm lý thuyết trên cơ sở thời lượng từng tiết dạy.
Để chuẩn bị các điều kiện cho HS đến trường học tập trực tiếp, cần đẩy nhanh việc tiêm vắc xin COVID-19 cho GV, HS lứa tuổi 12-17 tuổi và hạ dần độ tuổi. Các trường học được trưng dụng làm cơ sở cách ly phải được bàn giao lại để kịp thời sửa chữa, nâng cấp. Đồng thời, phải xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho HS và thầy cô khi đến trường học tập trực tiếp.

Chia sẻ với đoàn khảo sát, cô Nguyễn Thị Doan, GV lớp 1A, Trường TH Kim Đồng (huyện Xuyên Mộc) cho biết, dạy học trực tuyến cho các em lớp 1 có rất nhiều vướng mắc. Lớp học của cô Doan có 36 HS, nhưng chỉ có 33 em tham gia lúc đầu tiết học. Sau thời gian nghỉ giải lao, chỉ còn khoảng 25 em có mặt. Lớp cô Doan có 1 HS không thể tham gia học trực tuyến do gia đình ở sâu trong rẫy, mạng internet “không tới nơi”. Do đó, dù nhà trường đã hỗ trợ trang thiết bị nhưng em vẫn không thể tham gia lớp học. Ngoài ra, 2 HS khác phải “học ké” với bạn do phụ huynh bận đi làm, không có ai hướng dẫn. Để hỗ trợ những HS này, cô Doan phải viết mẫu các chữ cái trong 2 tháng đầu vào vở và gửi tới nhà cho các em. Đồng thời phải thường xuyên liên hệ để hướng dẫn, hỏi thăm tình hình học tập, phối hợp với phụ huynh nhắc nhở, theo sát các em.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, việc dạy - học trực tuyến còn rất nhiều khó khăn. “Các tiết học trực tuyến hạn chế trong tương tác giữa GV và HS, giữa HS và HS. GV không bao quát được HS, khó nắm bắt được biểu hiện lơ là, thiếu tập trung của HS nên không thể uốn nắn, nhắc nhở kịp thời. Bên cạnh đó, chất lượng đường truyền internet không ổn định nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Một số GV lớn tuổi còn hạn chế trong việc sử dụng các phần mềm dạy học, cũng như việc hướng dẫn phụ huynh, HS sử dụng các phần mềm. Đặc biệt, đối với HS TH nhất là HS lớp 1, lớp 2, các em còn nhỏ tuổi nên cần phải có sự hỗ trợ của phụ huynh. Khả năng tập trung của các em HS ở độ tuổi này còn hạn chế nên hiệu quả học tập chưa cao…”, bà Châu nói.

Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và ông Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bác sĩ BV.Bà Rịa khảo sát tình hình dạy trực tuyến tại nhà cô Nguyễn Thị Doan, GV lớp 1A, trường TH Kim Đồng, huyện Xuyên Mộc.
Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và ông Dương Tấn Quân, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bác sĩ BV.Bà Rịa khảo sát tình hình dạy trực tuyến tại nhà cô Nguyễn Thị Doan, GV lớp 1A, trường TH Kim Đồng, huyện Xuyên Mộc.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

Để việc dạy - học trực tuyến “đi xa” hơn nữa, không chỉ dừng lại là một giải pháp tình thế, thì bên cạnh sự tự nỗ lực, ngành giáo dục cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và của cả phụ huynh HS để thực hiện những giải pháp đồng bộ.

ĐBQH Dương Tấn Quân đề xuất, ngành giáo dục cần xây dựng thời khóa biểu, thời lượng học các bộ môn cho phù hợp. Đối với các môn năng khiếu như mỹ thuật, thể dục, việc giảng dạy trực tuyến không hiệu quả, GV có thể gửi bài hướng dẫn HS tự học để giảm số tiết học trực tuyến. Bên cạnh đó, cần sắp xếp thời gian nghỉ giữa các tiết đủ dài để HS nghỉ ngơi, sạc thiết bị, từ đó giảm căng thẳng và áp lực cho các em.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Ngọc Châu cho biết thêm, hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có quy định cụ thể về thời lượng tiết học trực tuyến. Sở GD-ĐT đã kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ ngành có liên quan quy định thống nhất thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp để bảo đảm sức khỏe cho HS. Đồng thời sớm có hướng dẫn quy đổi tiết dạy trực tiếp với tiết dạy trực tuyến. 

Các đại biểu QH tỉnh khảo sát việc dạy học trực tuyến tại nhà em Nguyễn Phúc Tâm An,  HS lớp 6, Trường THCS Võ Văn Kiệt.
Đại biểu QH tỉnh khảo sát việc dạy học trực tuyến tại nhà em Nguyễn Phúc Tâm An, HS lớp 6, Trường THCS Võ Văn Kiệt.

“Hiến kế” để tháo gỡ “nút thắt” trong dạy - học trực tuyến, ông Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng, hiện nay, việc dạy học trên truyền hình được tổ chức khá bài bản, nội dung bài giảng sinh động, chất lượng, được kiểm duyệt chặt chẽ nhưng sự đón nhận của phụ huynh, HS còn hạn chế. Thời gian tới, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về việc học trên truyền hình để phụ huynh, HS tiếp cận. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bảo Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh khẳng định, thúc đẩy chuyển đổi số chính là chìa khóa để tháo gỡ những khó khăn mà ngành giáo dục đang gặp phải trong dạy - học trực tuyến. Các bài giảng nên được đưa lên các nền tảng số để HS có thể theo dõi, tiếp cận ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Còn GV chỉ cần “lên lớp” trực tuyến để hỗ trợ, tương tác với HS và tạo điều kiện cho HS tương tác với nhau. Như vậy sẽ góp phần làm giảm thời lượng và áp lực học tập, nâng cao chất lượng học trực tuyến.

Theo thống kê của ngành giáo dục, có khoảng 1% HS chưa tham gia học trực tuyến hoặc tham gia nhưng không thường xuyên. Tại TP. Bà Rịa, đơn vị “về đích sớm” trong việc trang bị thiết bị học trực tuyến cho HS, đến đầu tháng 10, 100% HS trên địa bàn có đủ thiết bị. Tuy nhiên, tỷ lệ HS không tham gia học tập thường xuyên là 1,9% đối với bậc TH, còn đối với bậc THCS, con số này là 0,78 %. Hay tại huyện Long Điền, dù địa phương đã sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt và vận động phụ huynh phối hợp nhưng vẫn còn tới còn 1,5% HS TH, THCS không tham gia học trực tuyến đều đặn, xuyên suốt.

Ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết thêm, Sở sẽ làm việc với các nhà mạng, yêu cầu nâng cấp đường truyền nhằm khắc phục tình trạng mạng internet chập chờn gây khó khăn cho việc dạy và học trực tuyến.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI - NHUNG HOA 

.
.
.