NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN LỬA: Kỳ 1: Cháy mãi ngọn lửa nhiệt thành

Thứ Năm, 18/11/2021, 19:59 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Thạch Kim Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) luôn mang trong lòng “ngọn lửa” của niềm đam mê và sự tận tâm. Cô Phượng đã cùng tập thể nhà trường chung tay dựng xây ngôi trường hạnh phúc, nơi ngập tràn niềm vui và tiếng cười trẻ thơ.

Cô Thạch Kim Phượng được Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh là nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.
Cô Thạch Kim Phượng được Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh là nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.

“Người của công việc”

Khi nhắc đến cô Thạch Kim Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu), đồng nghiệp thường gọi cô là “người của công việc”. Không ngại khó, ngại khổ, cô Phượng luôn lăn xả vào công việc với cái tâm của một người thầy đầy nhiệt huyết. Trong hai năm thực hiện việc thay SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Phượng luôn là một trong những cán bộ quản lý cốt cán đi đầu trong việc tiếp cận chủ trương chung từ Bộ GD-ĐT và đồng hành cùng GV toàn tỉnh qua từng buổi tập huấn, từng các tiết dạy. Năm học 2021-2022 là một năm học hết sức đặc biệt đối với ngành giáo dục. Còn với cô Thạch Kim Phượng nó lại càng trở nên đặc biệt hơn khi cô vừa đảm đương nhiệm vụ của một nhà giáo, một cán bộ quản lý, vừa trở thành một chiến sĩ nơi tuyến đầu. Cô vừa tham gia tập huấn vừa dự giờ trực truyến để tư vấn, góp ý cho GV lớp 2 bất cứ khi nào có thời khóa biểu nhằm giúp các thầy cô có thêm kinh nghiệm và hiểu rõ hơn ý tưởng được truyền tải trong SGK mới. Không chỉ vậy, từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi buổi tối, cô lại cùng đồng hành cùng GV xây dựng các tiết dạy học trên truyền hình sao cho hấp dẫn và lôi cuốn HS. Những góp ý của cô Phượng đã giúp GV định hướng được nội dung trọng tâm của tiết dạy, giúp các thầy cô củng cố kỹ năng sư phạm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dạy.

Đặc biệt, trong thời gian TP. Vũng Tàu căng mình chống dịch, cô đã cùng GV nhà trường tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ địa phương trên tuyến đầu chống dịch. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của một cán bộ quản lý, cô còn trực tiếp tham gia các hoạt động như: nhập liệu phần mềm tiêm chủng, tham gia hỗ trợ xét nghiệm nhanh tách F0 ra khỏi cộng đồng… Có những hôm, cô Phượng trở về nhà lúc 1-2 giờ sáng. Thế nhưng, sáng sớm hôm sau, cô Hiệu phó có dáng người nhỏ nhắn với bước chân thoăn thoắt lại có mặt tại trường tham gia điều phối người dân đến trường tiêm vắc xin một cách an toàn và hiệu quả.

Dù bận rộn công việc, cô Phượng vẫn “ưu ái” dành thời gian cho các em HS. Tuy học trực tuyến nhưng HS Trường TH Lý Tự Trọng luôn có những hoạt động vui chơi bổ ích như làm lồng đèn trực tuyến, thi vẽ tranh online, thi kiếm tài năng… Thời điểm trường có HS phải đi cách ly tập trung, cô đã thức đêm thu âm những câu chuyện cổ tích, tạo các clip hoạt hình để gửi đến các em với lời nhắn nhủ: “Các cô luôn bên cạnh con bất cứ lúc nào”.

Tiếp xúc với cô Thạch Kim Phượng, những người xung quanh luôn cảm nhận được ngọn lửa nhiệt tình ẩn dấu đằng sau vóc dáng nhỏ bé. Cô Hồ Thị Vân, GV Trường TH Lý Tự Trọng cho hay: “Cô Thạch Kim Phượng là một cán bộ quản lý có năng lực, giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Cô cực kỳ năng động, luôn tràn đầy năng lượng, luôn hết mình trong mọi hoạt động. Trong công việc, cô góp ý cho GV một cách thẳng thắn, chân thành, có nhiều sáng kiến, ý tưởng để xây dựng ngôi trường hạnh phúc cho cả HS và GV”. Còn cô Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH (Sở GD-ĐT) nhận xét, cô Phượng là một nhà giáo, một cán bộ quản lý tràn đầy nhiệt huyết, tận tâm với công việc, tận tình với đồng nghiệp. Cô Phượng làm việc một cách khoa học, không ngại khó, ngại khổ khi tiếp cận cái mới, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới giảng dạy.

Với những thành quả gặt hái được sau gần 30 năm gắn bó với nghề, mới đây, cô Phượng là 1 trong 2 nhà giáo của tỉnh BR-VT được Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh là nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021. “Tôi cảm ơn nghề giáo đã tạo ra những người Thầy hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thời còn đi học, đã trau chuốt nhân cách cho tôi để tôi lại được làm Thầy. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cảm ơn xã hội đã xem nghề giáo của chúng tôi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý và trân trọng tôn vinh mỗi thầy cô giáo chúng tôi là một kỹ sư tâm hồn”, cô Phượng xúc động bày tỏ.

Gần 30 năm trưởng thành cùng nghề giáo

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Phượng quyết định thi vào Trường Trung học Sư phạm. Với học bổng hàng tháng dành cho giáo sinh có thành tích học tập xuất sắc, cô Phượng vừa gom góp tiền đóng học phí cho em trai đang học phổ thông, vừa chắt chiu để lo từng bữa ăn cho gia đình chỉ có ba cha con.

Sau khi tốt nghiệp, hai năm đầu, cô Phượng công tác tại xã đảo Long Sơn, nơi đầy khó khăn và gian khổ: không nước sạch, không điện, không phương tiện giao thông… “Tôi không sao quên được những ngày tháng ấy. Mỗi sáng, tôi phải dậy từ lúc 2-3 sáng, ra cánh đồng lúa “chắt” nước ở những hố trũng. Nước đục như nước vo gạo, phải đem về lóng phèn mới có thể sử dụng để nấu ăn và sinh hoạt”, cô Phượng nhớ lại. Và điều “giữ chân” cô trong hai năm đầy gian nan là tình cảm trong trẻo của những cô cậu học trò có thể trạng cao to hơn cô giáo. Cô Phượng kể: “Hai năm đó, tôi dạy lớp 5, mà HS của tôi toàn là những “sinh viên” học đến hai, ba năm một lớp do các em không có nhiều thời gian đầu tư cho việc học, phải ra đùng kiếm cá, kiếm tôm… phụ giúp gia đình. Không chỉ là cô trò, giữa chúng tôi còn là tình cảm của người chị với những đứa em. Ngoài việc dạy học, tôi giúp các em thắt bím tóc, thoa thuốc vào những vết thương do nô giỡn hay bị hàu cắt. Mỗi sáng, tôi đều nhận được quà của học trò để ngay cửa sổ. Lúc thì vài khoanh khoai mì luộc, lúc thì vài quả điều hay một nắm quả trâm rừng hoặc một túi quả hồng quân, cũng có lúc là những món hải sản như cua, ghẹ, tôm còn tươi rói…”.

Sau 2 năm gắn bó với xã đảo, cô Phượng được điều chuyển về công tác tại Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu), ngôi trường cô từng gắn bó trong nhưng năm tháng học TH, được đứng chung bục giảng với những người từng là thầy cô và giờ lại là những đồng nghiệp lớn. “Trong quá trình công tác, tuổi trẻ với cá tính mạnh mẽ, bộc trực và đôi lúc hiếu thắng, tôi đã làm không ít đồng nghiệp của mình buồn phiền, tổn thương. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại nhận được sự ân cần, nhẹ nhàng phân tích và khuyên nhủ của những người thầy đầy trải nghiệm. Tôi cũng có không ít lần vấp phải phản ứng tiêu cực của phụ huynh về phương pháp giáo dục cứng nhắc của mình. Đã không dưới một lần, tôi nghĩ đến việc chuyển nghề. Song chính tình đồng nghiệp cùng tình yêu của tôi đối với học trò đã đủ lớn để níu chân tôi lại”, cô Phượng tâm sự. Và sau những vấp ngã đó, cô Phượng nhận ra rằng, mình không chỉ dạy HS về kiến thức mà còn phải dạy các em làm người. Để làm được điều này, phải trở thành một “Người Thầy” đúng nghĩa. Từ đó, cô Phượng luôn cố gắng tự học, tự bồi dưỡng để hoàn thiện chuyên môn và nhân cách của một nhà giáo. Đền đáp lại những cố gắng ấy, từ 1997 đến 2012, cô Phượng liên tục đạt danh hiệu GV dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh. Năm 2012 cô là GV dạy giỏi tiêu biểu cấp Quốc gia, sau đó được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi.

Năm 2018, cô Phượng được điều động về Trường TH Lý Tự Trọng, một ngôi trường mới thành lập, với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cô Phượng đã cùng Ban Giám hiệu, GV, nhân viên nhà trường đặt ra mục tiêu xây dựng TH Lý Tự Trọng trở thành một “Ngôi trường hạnh phúc”. “Để xây dựng được Ngôi trường hạnh phúc, bản thân mỗi người phải hi sinh những lợi ích cá nhân để đạt mục tiêu to lớn hơn là uy tín của nhà trường đối với xã hội. Đây là điều không hề dễ dàng. Nhiều lúc, Ban Giám hiệu nhà trường gặp phải những vướng mắc, thậm chí phải đối đầu với với những thông tin tiêu cực. Nhưng rồi, sự đoàn kết, đồng lòng và nhiệt huyết của từng cá nhân và của cả tập thể đã “chuyển hóa” những khó khăn, gian nan, thách thức thành cơ hội để phát triển, giúp nhà trường gặt hái được những thành công bước đầu, nhận được sự tin yêu của phụ huynh, HS”, cô Phượng nói.  

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

;
.