.
NĂM HỌC 2021-2022 CÒN NẶNG NỖI LO THIẾU GV, TRƯỜNG LỚP

Kỳ 2: Trường lớp chưa bảo đảm

Cập nhật: 19:46, 05/11/2021 (GMT+7)

Năm học 2021-2022, bên cạnh bài toán thiếu nhân sự, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với thực trạng cơ sở vật chất tại nhiều trường còn thiếu thốn hoặc xuống cấp. Thực trạng này gây nhiều khó khăn cho việc giảng dạy và học tập trực tiếp khi trường học “mở cửa” đón HS trở lại.

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh do ông Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát tại Trường THCS Võ Văn Kiệt, TX. Phú Mỹ.
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh do ông Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát tại Trường THCS Võ Văn Kiệt, TX. Phú Mỹ.
ÔNG BÙI CHÍ TÌNH, PHÓ TRƯỞNG BAN
VĂN HÓA-XÃ HỘI HĐND TỈNH
Dự báo quy mô HS để quy hoạch trường lớp
Nguyên nhân sâu xa của việc cơ sở vật chất trường lớp không đáp ứng được nhu cầu, gây ra tình trạng thiếu phòng học là do các địa phương dự báo quy mô HS thiếu chính xác nên việc quy hoạch mạng lưới trường lớp không sát nhu cầu thực tiễn. Đơn cử, Trường THCS Võ Văn Kiệt (TX. Phú Mỹ) vừa khánh thành và đưa vào sử dụng được 1 năm học đã xảy ra tình trạng thiếu phòng học. Dù địa phương có chủ trương xây dựng giai đoạn 2 thì sớm nhất phải khoảng 3 năm nữa mới có thể hoàn thành. Như vậy, trong thời gian chờ đợi, nhà trường vẫn phải loay hoay với tình trạng thiếu phòng học, gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Do vậy, giải pháp căn cơ là phải dự báo chính xác quy mô để quy hoạch mạng lưới trường lớp cho phù hợp.

Trường lớp vừa thiếu, vừa xuống cấp

Trong tháng 10, hai đoàn công tác của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã khảo sát hơn 40 trường học trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho hay, qua khảo sát, Đoàn ghi nhận tình trạng thiếu phòng học, cơ sở vật chất xuống cấp tại nhiều cơ sở giáo dục. Một số trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung chưa được bàn giao để sửa chữa, tu bổ nên chưa thể đáp ứng yêu cầu dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, tại nhiều trường, nhà vệ sinh, sân trường, khu vui chơi cho HS xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích.

Qua khảo sát, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh ghi nhận tình trạng nhiều trường thiếu phòng học, phòng chức năng hoặc các phòng không tiêu chuẩn để sử dụng. Trong ảnh: Thư viện Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) quá nhỏ, không có chỗ cho HS đọc sách.
Qua khảo sát, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh ghi nhận tình trạng nhiều trường thiếu phòng học, phòng chức năng hoặc các phòng không tiêu chuẩn để sử dụng. Trong ảnh: Thư viện Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) quá nhỏ, không có chỗ cho HS đọc sách.

Năm học này, Trường TH Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) có 997 HS với 28 lớp nhưng chỉ có 22 phòng học, không có phòng chức năng, phòng thiết bị và thư viện phải gộp chung. Bà Đỗ Thị Yên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi HS đến trường học trực tiếp, nhà trường sẽ tận dụng phòng hội trường làm phòng học, đồng thời dồn sĩ số của lớp 2 để giảm từ 6 lớp còn 5 lớp. Các lớp 1 và 2 được học 8 buổi/tuần để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Còn lớp 3, 4, 5 trước mắt học 3-4 buổi trực tiếp ở trường, các buổi còn lại tiếp tục học trực tuyến”.

Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh khảo sát tại Trường MN Hướng Dương (huyện Châu Đức).
Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh khảo sát tại Trường MN Hướng Dương (huyện Châu Đức).

Trường TH Nguyễn Viết Xuân, TP. Vũng Tàu là một trong những cơ sở giáo dục có số lượng HS đông nhất tỉnh. Năm học này, trường có 60 lớp với quy mô hơn 2.700 HS. Tuy nhiên, trường chỉ có 52 phòng học, thiếu 8 phòng để tổ chức cho HS toàn trường học 2 buổi/ngày. “UBND TP. Vũng Tàu đã ban hành quyết định triển khai Dự án mở rộng và nâng cấp thêm 10 phòng, gồm 7 phòng học và 3 phòng chức năng cho nhà trường nhưng phải đến năm học 2022-2023, công trình này mới có thể đưa vào sử dụng. Trong thời gian chờ đợi, nhà trường phải tận dụng các phòng ngủ bán trú của HS làm phòng học, thư viện trường làm phòng thực hành Tin học”, bà Phạm Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Viết Xuân cho hay.

Thiếu phòng học cũng là thực trạng khiến Ban Giám hiệu Trường THCS Võ Văn Kiệt, TX. Phú Mỹ “đau đầu”. Mới được đưa vào sử dụng từ năm học 2020-2021 nhưng năm học này, Trường THCS Võ Văn Kiệt đã thiếu 4 phòng học so với nhu cầu thực tế. Ông Phạm Mạnh Cương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2021-2022, trường có 1.057 HS/24 lớp, tăng 240 HS so với năm học trước. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có 20 phòng học, sĩ số HS/lớp cũng vượt quá quy định, nhiều lớp lên tới 48 HS nên nhà trường chỉ còn cách tận dụng hội trường, phòng chức năng làm phòng học. Nhà trường đã đề xuất Phòng GD-ĐT thị xã cấp 125 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi nhưng do trường đang được trưng dụng làm khu cách ly nên số bàn ghế này chưa thể vận chuyển về trường.

Ông Cương cũng bày tỏ trăn trở, khi HS được đến trường học tập trực tiếp, nếu phải chia đôi sĩ số lớp để giảng dạy 2 ca nhằm bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 thì tình trạng thiếu phòng học, trang thiết bị càng thêm trầm trọng, khó có thể giải quyết được.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh vẫn còn hơn 40 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly nên chưa thể thực hiện việc sửa chữa để chuẩn bị cho năm học mới. Một số trường đã được bàn giao nhưng không tránh khỏi tình trạng hư hại. Đơn cử như tại huyện Long Điền, đến cuối tháng 10, có 14 trường học đã được bàn giao. Tuy nhiên theo phản ánh của Ban Giám hiệu các trường, một số vật dụng như quạt, bóng đèn, ghế ngồi bị mất mát hoặc hư hỏng. Ngoài ra, nhiều trường sửa chữa, chống xuống cấp theo kế hoạch của địa phương nhưng do thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài nên bị chậm tiến độ.

Nỗ lực khắc phục

 Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh khảo sát tại Trường MN liên xã Phước Hội-Long Mỹ (huyện Đất Đỏ).
Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh khảo sát tại Trường MN liên xã Phước Hội-Long Mỹ (huyện Đất Đỏ).

Theo thông tin từ Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu, năm học 2021-2022, thành phố thiếu gần 100 phòng học. Trong đó, cấp TH thiếu khoảng 70 phòng học, tập trung chủ yếu ở các trường TH Hải Nam, TH Nguyễn Viết Xuân, TH Thắng Nhất, TH Chí Linh…. Cấp THCS thiếu khoảng 29 phòng học, tập trung ở các trường: THCS Thắng Nhất, THCS Phước Thắng, THCS Duy Tân. Phòng GD-ĐT thành phố đã rà soát và phối hợp với các phòng ban tiến hành sửa chữa, mở rộng các trường. Các trường cũng tận dụng phòng chức năng, hội trường, phòng bán trú để bố trí phòng học ưu tiên các lớp đầu cấp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Riêng Trường THCS Thắng Nhất phải mượn 10 phòng học của Trường TH Nguyễn Hữu Cảnh và sắp xếp các phòng chức năng để có phòng học triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trường THCS Phước Thắng phải sắp xếp cho HS khối 8 và khối 9 học buổi sáng, khối 6 và khối 7 học buổi chiều để có đủ phòng học. Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài nên việc sửa chữa 32 trường học trên địa bàn, trong đó có mở rộng, cải tạo phòng học, nâng cấp nhà vệ sinh, sân trường, cổng trường mái che… cũng bị kéo dài thời gian, chưa thể hoàn tất trước khi bắt đầu năm học mới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho hay, nguyên nhân của tình trạng thiếu phòng học trên địa bàn là do gia tăng dân số cơ học, diện tích đất của thành phố hạn chế. Ngoài những giải pháp tình thế nêu trên, thành phố đã có phương án dài hơi hơn, đó là quy hoạch hệ thống trường lớp, giao cho Phòng GD-ĐT và các phòng ban liên quan khảo sát vị trí xây dựng trường lớp cho phù hợp với quy mô phát triển HS các cấp học trên địa bàn.

Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, tổng kinh phí sửa chữa các cơ sở trường học ước khoảng 394 tỷ đồng, chủ yếu là sửa chữa nhỏ, cải tạo, chống xuống cấp, sửa chữa nhà vệ sinh trường học. Kinh phí đầu tư cho bổ sung cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị khoảng 31,5 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trước khai giảng năm học khoảng 744,5 tỷ đồng.
(Nguồn: Sở GD-ĐT)

 

Năm học 2022-2023, thành phố sẽ khởi công, hoàn thiện và đưa vào sử dụng 6 dự án, gồm các trường: TH Bến Nôm, TH phường 10, TH Phước An, TH Thắng Nhì, MN phường 5, MN Hàng Điều. Mặt khác, thành phố sẽ mở rộng Trường TH Hải Nam, TH Nguyễn Viết Xuân, TH Võ Nguyên Giáp, TH Thắng Nhất và xem xét mở rộng, nâng cấp Trường TH Hạ Long, TH Quang Trung, TH Thắng Tam, TH Long Sơn 1 để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quý Phúc, Trưởng Phòng GD-ĐT TX. Phú Mỹ cũng chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất là do tốc độ tăng dân số cơ học khiến quy mô HS tăng “chóng mặt”. Theo ông Phúc, những năm gần đây, trung bình mỗi năm địa phương tăng 1.800 HS, riêng năm học này tăng hơn 1.400 HS. Bên cạnh việc tận dụng phòng chức năng làm phòng học, địa phương còn đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng phòng học bổ sung, cải tạo, sửa chữa trường lớp để chuẩn bị các điều kiện dạy-học trực tiếp.

Tại huyện Xuyên Mộc, cả 3 cấp học thiếu khoảng 27 phòng học. Hầu hết số phòng học thiếu đều đang thi công nên huyện đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để không ảnh hưởng đến hoạt động dạy học khi HS được trở lại trường học trực tiếp. 

KHÁNH CHI-HUYỀN TRANG

.
.
.