Cựu chiến binh vượt khó làm giàu trên quê hương
Phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, các cựu chiến binh (CCB) huyện Châu Đức luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào: hiến đất làm đường, xây dựng NTM, giúp nhau làm kinh tế, thi đua sản xuất giỏi, xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội… Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Hội CCB xã Kim Long thăm hỏi gia đình bà Đặng Thị Gái (SN 1957, tổ 23, thôn Tân Long). |
CCB Phạm Văn Thắng (thôn Phước Trung, xã Đá Bạc) là một trong những tấm gương CCB vượt khó, vươn lên làm giàu trên quê hương như vậy.
Một ngày cuối tháng 10, đến thôn Phước Trung, hỏi thăm về nhà CCB Phạm Văn Thắng, chúng tôi được người dân chỉ dẫn nhiệt tình và ca ngợi ý chí vượt khó, tư duy làm kinh tế của ông.
Nhìn vào ngôi nhà khang trang và cuộc sống hiện nay của ông Thắng, ít ai biết trước đây gia đình ông là hộ nghèo nhiều năm. Niềm nở mời khách vào nhà, ông Thắng kể, năm 1986, khi vừa tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông gác ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp, lên đường nhập ngũ, tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Đến năm 1989, ông rời quân ngũ trở về địa phương, lập gia đình và tập trung phát triển kinh tế.
Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, hàng ngày ông chật vật bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thu nhập chỉ trông chờ vào vài sào đất bạc màu trồng bắp, mì nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Năm 2002, ông Thắng được Hội CCB huyện và xã hỗ trợ nguồn vốn 10 triệu đồng, 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng số tiền dành dụm được, ông mua 2 con bò sinh sản về nuôi để phát triển kinh tế.
Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đàn bò phát triển tốt và sinh sản đều đặn 2 con/năm. Song song đó, với diện tích 2.700m2 đất trồng bắp và mì hiệu quả kinh tế thấp, cuối năm 2018, ông chuyển sang trồng đu đủ Thái và hơn 100 gốc xoài keo. Nhận thấy mô hình nuôi thỏ cho thu nhập cao, thịt thỏ là món ăn ngon được nhiều người ưa chuộng, địa phương ít người nuôi nên ông mạnh dạn đầu tư hơn 15 triệu đồng làm chuồng và 3 triệu đồng mua 10 con thỏ giống về nuôi. Sau 1 năm chăm sóc, đến nay đàn thỏ của gia đình ông phát triển lên hơn 200 con. Hàng năm, mô hình kinh tế của gia đình ông đã mang lại nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng. Có vốn tích lũy, ông Thắng đầu tư, kinh doanh thêm thức ăn gia súc bán cho người dân trong vùng.
Ông Thắng còn được bầu chọn là người có uy tín tại địa phương và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông được Hội CCB xã Đá Bạc tin tưởng giao quản lý nguồn quỹ giúp hội viên phát triển kinh tế. Hàng năm, những hội viên khó khăn trong hội đều được xét vay vốn từ Quỹ tiết kiệm để đầu tư sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mua phân bón, vật tư nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ.
Ông Bùi Cửu Hải, Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Đức cho biết, ngoài ông Thắng, thời gian qua, hội viên CCB trên địa bàn huyện đã có những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy làm kinh tế, giúp nhau cải thiện cuộc sống. Hội CCB huyện đã xây dựng Quỹ “Tình thương đồng đội” với tổng số vốn hơn 1,8 tỷ đồng cho 92 hội viên khó khăn vay không lấy lãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội còn tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giúp cây, con giống cho hội viên. Nhờ đó, Hội CCB huyện Châu Đức không còn hội viên nghèo, trên 85% hội viên giàu và khá giả. Đây là động lực để các hội viên CCB tiếp tục lao động sản xuất, xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”.
Bài, ảnh: MAI NGỌC