Tại các cơ sở điều trị COVID-19, bên cạnh phác đồ điều trị cùng thuốc men, vật tư y tế, thì tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sĩ cũng là một phương thuốc diệu kỳ với người bệnh.
Các y bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Long Điền. Ảnh: KHÁNH CHI |
Đưa bệnh nhân trở về với sự sống
Trong “cơn bão” COVID-19, những bệnh nhân COVID-19 nặng, từng đứng giữa lằn ranh sinh tử có lẽ là người cảm nhận được sâu sắc nhất ý nghĩa của sự sống và sức mạnh của tình yêu thương. Bà Hoàng Thị Sợi (44 tuổi, trú tại phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) là một trong số những trường hợp như thế.
Hồi tưởng lại quãng thời gian đầy thử thách ấy, bà Sợi vẫn có cảm giác như vừa mới hôm qua... Ngày 10/9, bà Hoàng Thị Sợi được chuyển đến điều trị ở “tầng 2” (theo phân tầng điều trị COVID-19) tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền với triệu chứng sốt cao, ho dữ dội, khó thở, ô xy máu xuống thấp. 5 thành viên còn lại trong gia đình bà cũng phải nhập viện ở những cơ sở điều trị khác nhau.
“Khi nhập viện, các bác sĩ, điều dưỡng tiếp nhận và chăm sóc tôi rất chu đáo. Tôi được truyền dịch và thở ô xy. Lần nào tới thăm khám, các bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên cũng động viên: “Cố gắng lên cô Sợi nhé! Cô phải thật lạc quan lên để chiến thắng bệnh tật!”, khiến tôi rất xúc động. Thấy tôi không có điện thoại, các bác sĩ cho tôi mượn luôn 1 chiếc điện thoại để liên lạc với bác sĩ và gia đình trong suốt thời gian điều trị”. Trong những ngày đầu, bà Sợi phải thở ô xy liên tục. Thậm chí, chỉ cần “cai ô xy” vài phút, nồng độ ô xy máu lập tức tụt xuống rất thấp.
“Đêm 13/9, nửa đêm, bình ô xy bị trục trặc. Không thở nổi, cả người tôi như bị rút kiệt, không còn một chút sức lực. Tôi gắng gượng bấm máy gọi điện cho BS rồi chỉ biết nằm sấp, hai tay bấu chặt vào tấm đệm để lấy sức hít thở. Tôi thấy cả người mình chới với. Và trong đầu tôi khi ấy đã nghĩ về cái chết, bởi tôi biết bệnh nhân COVID có thể chuyển biến xấu rất nhanh…”, bà Sợi nghẹn lời.
Dù khi ấy mới khoảng 2 giờ sáng nhưng chỉ ít phút sau, bác sĩ đã có mặt, kịp thời cấp cứu, đưa bà Sợi vượt qua ranh giới mong manh để trở về với sự sống. “Chỉ cần chậm một vài phút nữa, có lẽ tôi đã không qua khỏi. Tôi cảm thấy mình thật sự may mắn khi được các y bác sĩ điều trị, chăm sóc tận tình. Đứng giữa ranh giới sống-chết, tôi càng cảm thấy cuộc sống đáng quý. Tôi thực sự biết ơn các y bác sĩ, những người đã giúp tôi được tiếp tục sống để trở về đoàn tụ với người thân”, bà Sợi xúc động nói.
Chăm sóc người bệnh như người thân
“Ở Bệnh viện mà thấy người khỏe hơn cả lúc ở nhà”, ông Ngô Duy Tuấn (59 tuổi, trú tại phường Long Toàn, TP. Bà Rịa), bệnh nhân COVID-19 vừa trở về đoàn tụ với gia đình vào cuối tháng 9 vừa qua hồ hởi chia sẻ.
Đêm 4/9, ông Tuấn nhận được kết quả dương tính với COVID-19 trong sự bàng hoàng. Bởi từ khi giãn cách xã hội, hai vợ chồng ông cũng nghỉ bán vé số dạo, chỉ quanh quẩn trong nhà, “trông cho qua ngày” với những bữa ăn đạm bạc từ gạo, mì, nước tương được địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ.
Ngay trong đêm hôm đó, vợ và con ông được đưa đi cách ly tại Trường TH Kim Dinh (TP. Bà Rịa), còn ông Tuấn được đưa đến Bệnh viện dã chiến tại Ký túc xá Trường CĐ Sư phạm BR-VT. “Đến nơi, tôi rất bất ngờ vì điều kiện ở đây quá tốt, khác xa với những gì tôi tưởng tượng về “bệnh viện dã chiến””, ông Tuấn nói.
Cũng như nhiều bệnh nhân nhập viện một mình khác, ông Tuấn được bố trí ở riêng một căn phòng thoáng đãng, sạch sẽ trên lầu 4. Dù là bệnh nhân không có triệu chứng nhưng hàng ngày, ông vẫn được nhân viên y tế tới kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, nồng độ oxy. Ông Tuấn nhớ lại: “Mỗi lần thăm khám, bác sĩ, điều dưỡng không quên động viên bệnh nhân chúng tôi giữ tinh thần thoải mái, chịu khó vận động để tăng cường sức khỏe và ân cần dặn dò: “Bác cần gì cứ gọi cho chúng cháu”.
“Tôi nhập viện chỉ có một chiếc ba lô với 2 bộ quần áo. Nhưng những ngày điều trị ở bệnh viên vẫn hết sức thoải mái vì những đồ dùng cần thiết khác đều được bệnh viện lo đầy đủ. Bệnh nhân cần mùng mền, nước uống cho tới củ gừng hay thậm chí cuộn giấy vệ sinh…nhân viên y tế cũng vui vẻ mang tới. Hằng ngày, khẩu phần ăn của bệnh nhân đầy đủ dinh dưỡng, liên tục được đổi món với thịt gà, thịt heo, thịt bò, cá... và có thêm sữa dinh dưỡng, sữa đậu nành, trái cây. Bệnh nhân nào có người nhà gửi quà, các anh công an trực ngoài cổng cũng nhận giúp, đưa đến tận khu vực tiếp nhận…”, ông Tuấn kể.
Cũng như ông Tuấn, trở về từ cơ sở điều trị COVID-19, đọng lại trong ký ức của ông Lê Thanh Đạo (62 tuổi, trú tại TP. Vũng Tàu) không còn là những chuỗi ngày kinh hoàng chống chọi với bệnh tật, mà là sự ấm áp của tình người trong đại dịch. Ban đầu, vợ chồng ông Đạo và con trai cùng điều trị tại BV dã chiến KTX CĐ Sư phạm BR-VT. Sau đó, bệnh trở nặng, ông và con trai được chuyển tới Trung tâm Y tế huyện Long Điền. “Những ngày điều trị, tôi được chứng kiến những những hình ảnh “những thiên thần áo trắng” tận tụy chăm sóc cho bệnh nhân, nhất là những người không có thân nhân bên cạnh. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà cụ gần 90 tuổi được các tình nguyện viên, điều dưỡng giặt cho từ bộ quần áo, giúp bấm móng chân, móng tay… như chăm sóc cho một người thân. Sự tận tụy, nhẹ nhàng của các y bác sĩ, các tình nguyện viên, nhân viên ở đây khiến chúng tôi cảm thấy rất ấm áp, không còn mặc cảm khi là bệnh nhân COVID”, ông Đạo xúc động nói.
Tận lực với “cuộc chiến” giành sự sống cho bệnh nhân
Là một trong những bác sĩ có kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Nguyễn Cảnh Tú, công tác tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bà Rịa cho hay, từ tháng 6/2020 đội ngũ y bác sĩ của BR-VT đã bắt đầu điều trị cho bệnh nhân nhập cảnh. Việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 căng thẳng hơn rất nhiều do tình trạng bệnh thường diễn tiến nhanh. Cùng với đó, nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề bảo hộ để phòng, chống lây nhiễm. Tại các cơ sở điều trị, bệnh nhân được thăm khám ít nhất 1 lần/ngày. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng của bệnh nhân, tần suất thăm khám có thể dày đặc hơn. Bệnh viện cũng luôn luôn bố trí đội ngũ trực 24/24, đồng thời theo dõi bệnh nhân qua camera để kịp thời xử lý khi tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu.
Nhân viên y tế tại cơ sở điều trị COVID-19 Trung tâm y tế huyện Long Điền phát cơm cho bệnh nhân. |
Bác sĩ Tú cũng cho biết thêm: “Bệnh nhân COVID-19 thường có tâm lý hoang mang, lo lắng cho bệnh tình của bản thân và cho gia đình. Do đặc thù của căn bệnh này, họ thường nhập viện một mình, không có người thân bên cạnh. Nhiều khi, người thân của họ cũng đang phải đi cách ly hoặc điều trị tại cơ sở khác. Hiểu được điều đó, ngoài điều trị bệnh, chúng tôi còn chú trọng chăm sóc thể chất, tinh thần cho bệnh nhân, bằng cách động viên, khích lệ để bệnh nhân lạc quan, vui vẻ, chịu khó ăn uống, tập luyện để rút ngắn thời gian điều trị”.
Niềm vui của những chiến sĩ ở tuyến đầu như bác sĩ Tú là mỗi ngày được chứng kiến bệnh nhân chiến thắng bệnh tật: “Mới đây, khi vừa trở về nhà sau đợt làm việc tại cơ sở điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tôi bất ngờ nhận được lá thư cảm ơn của một bệnh nhân COVID-19 do tôi phụ trách viết trong ngày xuất viện. Dù không được trực tiếp cầm trên tay lá thư, mà chỉ được nhìn thấy qua hình ảnh một điều dưỡng chụp lại nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng xúc động. Bởi mình đã góp một phần nhỏ bé giúp bệnh nhân hồi phục để trở về với gia đình”.
HẢI BÌNH
“Những ngày thiện nguyện vừa qua, tôi phần nào cảm nhận được trách nhiệm lớn lao, nặng nề mà các y bác sĩ đang gánh vác. Tôi được chứng kiến những bệnh nhân vừa khỏi bệnh được xuất viện. Dù sự vui mừng làm họ cuống quýt bước chân nhưng tôi vẫn cảm nhận được nơi họ sự tri ân vô bờ bến với những người đã tận tâm, tận lực chăm sóc, điều trị cho họ. Các y bác sĩ đã bằng nhiều hành động để chứng minh rằng: Yêu thương là một phương thuốc” cùng với thuốc men và điều trị y tế để chữa lành cho bệnh nhân COVID-19…” (Trích thư gửi Ban Giám đốc BV Bà Rịa và các y bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở điều trị COVID-19, tình nguyện viên Nguyễn Khắc Đình Lộc) |