Từ trước đến nay, nhiều người thường nghĩ công trường xây dựng là nơi làm việc của đàn ông. Nhưng không phải vậy, trên những công trường đó, hàng ngày vẫn có những người phụ nữ xuất hiện giữa những ngổn ngang sắt, thép, bê tông…
Chị Huỳnh Thị Chi, Chỉ huy trưởng công trình xây dựng Trường MN Lộc An (huyện Đất Đỏ) báo cáo công tác phòng dịch với Thanh tra Sở Xây dựng. |
Nữ chỉ huy trưởng xinh đẹp
Công trình Trường MN Lộc An (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là một trong 26 công trình đầu tư công do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đất Đỏ làm chủ đầu tư, đã khởi động trở lại khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 15.
Chị Huỳnh Thị Chi, Chỉ huy trưởng công trình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất Tân Thuận có mặt tại công trình từ sớm để chuẩn bị sắp xếp, điều hành các bộ phận làm việc. Trong khuôn viên rộng gần 2.000m2 ngổn ngang sắt đá, bê tông, xà gồ, cốt pha… chị Chi vẫn băng băng qua các tầng lầu, các phòng, khối học của trường để kiểm tra tiến độ thi công. Đa số người lao động, trưởng các bộ phận đều là nam nhưng chỉ huy trưởng công trình, người đứng đầu và chịu mọi trách nhiệm trong suốt quá trình 2 năm thi công công trình lại là một nữ kỹ sư 37 tuổi mạnh mẽ và giỏi chuyên môn.
Mặc dù bận trên mình bộ đồ bảo hộ xây dựng kín mít nhưng ở chị Chi vẫn toát ra vẻ nữ tính qua dáng đi, ánh mắt và chất giọng ngọt ngào. Chị Chi kể, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Bình Dương chuyên ngành xây dựng dân dụng, năm 2009, chị về làm nhân viên tư vấn tổng hợp cho Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng tỉnh BR-VT. Hai năm sau, chị về làm việc cho Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất Tân Thuận (huyện Đất Đỏ) với vị trí nhân viên kỹ thuật.
Nhận thấy năng lực của chị, công ty đã cân nhắc chị lên vị trí Chỉ huy trưởng và là Phó Giám đốc công ty. Theo chị Chi, chỉ huy trưởng cần phải có kiến thức tổng hợp về ngành xây dựng để có thể đọc được bản vẽ kiến trúc, bản vẽ kết cấu và cả bản vẽ thi công điện, nước. Sau đó phân chia công việc cho anh em tại các bộ phận. Chị Chi chia sẻ, công việc của một chỉ huy trưởng đòi hỏi phải quán xuyến hết tất cả mọi việc diễn ra tại công trường, từ chuyện vật tư, kỹ thuật đến những chuyện nhỏ nhặt nhất như bữa ăn, giấc ngủ cho công nhân trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khi hoạt động trở lại công trình phải đẩy nhanh tiến độ nên cường độ làm việc phải bằng hai ngày thường. Có khi những vướng mắc về kỹ thuật phải xử lý tức thời, thay đổi thiết kế trong quá trình thi công bản thân chị cũng phải chờ bản vẽ mới nhưng tuyệt đối không được nóng vội dù rất áp lực. “Gần 8 năm gắn bó với vai trò chỉ huy trưởng các công trình xây dựng, vất vả nhiều, áp lực lớn nhưng tôi vẫn rất yêu công việc này. Mỗi một công trình xây xong, một ngôi trường mới hoàn thành, lòng tôi lại rộn ràng, vui tươi khi nhìn những em nhỏ tung tăng bước đến ngôi trường mới sạch đẹp, khang trang. Rời công trường này, tôi lại mơ ước tiếp tục đi xây những công trường khác cao hơn, đẹp hơn”, chị Chi tâm sự.
5 giờ chiều, hết giờ làm việc trên công trường, cởi bỏ bộ trang phục bảo hộ, chị Chi nhanh chóng về nhà chuẩn bị cơm tối cho chồng và 2 con. Chị Chi nói vui: “Trừ khi làm mẹ, làm vợ ra, trên công trường tôi cảm tưởng mình như một người đàn ông thật sự, sẵn sàng làm việc nặng, mỗi ngày leo lên leo xuống bao tầng lầu mà vẫn nhẹ như không”.
Công nhân nữ trên công trình xây dựng trường Mầm non Lộc An, huyện Đất Đỏ. |
Thầm lặng ở công trường
Trên những công trường xây dựng rộn rã tiếng công nhân, ồn ào tiếng máy móc nhưng đâu đó vẫn có những người phụ nữ thầm lặng làm việc suốt cả ngày. Những người thầm lặng đó đã góp phần vào thành công của các công trình xây dựng. Dạo một vòng quanh các công trình xây dựng, không khó để bắt gặp hình ảnh những “bóng hồng” làm phụ hồ, gia công, nhân viên y tế...
Có dịp đến một số công trình xây dựng, tận mắt chứng kiến công việc của người phụ nữ ở đây, chúng tôi thấu hiểu thêm những vất vả của họ. Trên công trình mù mịt bụi, những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhanh nhẹn vác gạch, xúc cát, trộn bê tông... không thua kém đàn ông.
7 giờ sáng mỗi ngày, chị Đặng Thị Xuân Hương (38 tuổi) đã có mặt tại công trình xây dựng Trung tâm dịch vụ công tỉnh và trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND (TP. Bà Rịa). Tóc búi cao, gọn gàng, chị Hương nhanh chóng khoác áo bảo hộ, đội nón, đi ủng… để vào công trường bắt đầu một ngày làm việc mới.
Chị Lý Thị Lành buộc sắt chuẩn bị đổ bê tông cột tại công trình Trường Tiểu học phường 11 (TP. Vũng Tàu). |
Chị Mai Thị Bích Ngọc làm việc trên công trường Trường TH Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu). |
Công việc hàng ngày của chị là uốn những thanh sắt dài thành hình vuông, hình chữ nhật, bẻ đai để làm cột. Dù đã có máy móc hỗ trợ, nhưng đây vẫn là một công việc nặng nhọc, đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe mới đủ sức bẻ, uốn những cây thép dài, cứng thành những hình thù cần thiết. Chị Hương tâm sự, khi còn trẻ chị học Trung cấp an ninh TP. Hồ Chí Minh nhưng không may, chị gặp tai nạn nên một bên mắt bị tật. Chị bỏ lỡ việc học và trở về xã Long Phước (TP. Bà Rịa) chọn nghề xây dựng, rong ruổi trên những công trường xây dựng, để được nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng được xây lên mỗi ngày từ sự đóng góp công sức của mình. Theo chị Hương, môi trường làm việc ở công trường xây dựng không khô khan như mọi người nghĩ. Thấy chị là phụ nữ nên nhiều nam đồng nghiệp thường giúp đỡ khi có việc nặng.
Một “bóng hồng” khác trên công trình xây dựng là chị Mai Thị Bích Ngọc. Chị Ngọc cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh), chị về làm nhân viên y tế cho Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh. Hàng ngày, chị phải đo thân nhiệt, kiểm tra huyết áp, kiểm tra công tác phòng chống dịch cho hàng trăm người lao động trước khi đến công trường làm việc. Sau đó, chị leo lên từng tầng lầu, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn của người lao động tại các khu vực thi công. Khi người lao động có vấn đề về sức khỏe như đứt tay, chảy máu, đau đầu, đau bụng… chị lại thăm khám, sơ cứu ban đầu.
Nhà ở TT. Long Hải (huyện Long Điền), hàng ngày chị đi xe máy theo hướng dẫn “một cung đường hai điểm đến” để đến nơi làm việc. Hôm nay là công trình trường tiểu học Thắng Nhì, nhưng ngày mai chị có thể làm việc tại công trình Hóa dầu Long Sơn. Chị Ngọc chia sẻ, một ngày có 24 giờ, trong đó đã có hơn 8 giờ làm việc ở công trường. Công việc ở công trường khá vất vả nhưng chị vẫn chọn gắn bó bởi yêu thích không khí làm việc nhộn nhịp nơi đây.
Bài, ảnh: QUANG VŨ