Nguy cơ lớn từ đường vận chuyển hàng hóa

Thứ Ba, 05/10/2021, 22:01 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 2 vấn đề chính nêu ra tại cuộc họp của Trung tâm Chỉ huy phòng chống COVID-19 tỉnh (chiều 5/10), việc kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh từ đường vận chuyển hàng hóa được các địa phương, ban ngành đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng chống COVID-19 tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: SA HUỲNH

Phải kiểm soát đồng bộ, nhiều lớp

Tại cuộc họp trực tuyến, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra thông tin đầy lo lắng, trong ngày 5/10, có 46 ca dương tính, đều liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp đến hoạt động vận chuyển hàng hóa. Đã có ca F0 trong các nhà máy, KCN cho thấy sự lơ là trong công tác phòng chống dịch. 

Nói thêm về nội dung này, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu quan ngại: Qua kiểm tra, việc chấp hành phòng chống dịch tại các điểm lên xuống hàng vẫn chưa nghiêm túc, vẫn còn trường hợp tài xế rời cabin xe các điểm xuống hàng. TP. Vũng Tàu cũng đã yêu cầu các chủ điểm xuống hàng phải ký cam kết không để để xảy ra sai phạm trong công tác phòng dịch. Việc kiểm soát tài xế vận chuyển hàng ra ngoài tỉnh rồi quay về vẫn chưa thực hiện tốt. Chưa có khu ở riêng cho tài xế.

CSGT Công an tỉnh kiểm soát phương tiện và người vào BR-VT tại chốt kiểm dịch QL51. Ảnh: MINH HIỀN
CSGT Công an tỉnh kiểm soát phương tiện và người vào BR-VT tại chốt kiểm dịch QL51. Ảnh: MINH HIỀN

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, có tài xế xe vận tải hàng hóa về tại các chốt của huyện test nhanh thì phát hiện dương tính, vì vậy đề nghị các chốt ở tuyến Quốc lộ kiểm soát chặt hơn về xe luồng xanh. Cùng quan điểm, ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền nói, nguy cơ từ việc lợi dụng xe luồng xanh vận tải hàng hóa đưa người về từ vùng dịch. Việc quản lý tài xế xe vận chuyển hàng hóa có ngồi trong cabin tại điểm xuống hàng hay không cũng rất khó, cần sự ý thức của lái xe.

“Hiện nay, việc quản lý lái xe, phụ xe đã có quy định và triển khai cụ thể đến từng địa phương. Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các chốt, công tác quản lý lái xe, phụ xe tại các địa phương cơ bản quản lý tốt nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong việc tổ chức điểm lưu trú cho lái xe. Hầu hết các lái xe, phụ xe khi kết thúc chuyến đều về nhà. Đề nghị các địa phương bố trí khu lưu trú tạm thời và yêu cầu lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa về nơi này để ở để bảo đảm công tác phòng dịch”, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT nêu giải pháp.

Lý giải về việc vì sao các tài xế dương tính vẫn lọt qua các điểm kiểm dịch ở cửa ngõ,  đại diện CDC tỉnh, bác sĩ Nguyễn Văn Lên cho biết: Dù giấy xét nghiệm còn hiệu lực trong 72 giờ nhưng người được xét nghiệm âm tính chỉ an toàn tại thời điểm có kết quả. Sau đó vẫn có nguy cơ nếu không bảo đảm phòng dịch. Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, các địa phương nên ưu tiên tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng lực lượng vận tải hàng hóa kể cả các lái xe ngoại tỉnh thường xuyên ra vào tỉnh BR-VT.

Cần sớm tiêm phòng vắc xin cho đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cần sớm tiêm phòng vắc xin cho đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: SA HUỲNH

5.778 người đăng ký về quê tại 57 tỉnh, thành

Tại cuộc họp, các địa phương cho biết cũng đã có nhiều người dân trong tỉnh đăng ký ra ngoài tỉnh với số lượng lên đến hàng ngàn người. Theo thống kê từ Sở LĐ-TB-XH, toàn tỉnh hiện có  hơn 5.778 người đăng ký về quê tại 57 tỉnh, thành trong cả nước. Đa số công dân xin về các tỉnh trong đợt này là lao động phổ thông, lao động tự do, bị mất việc làm, mất thu nhập, cuộc sống khó khăn, một số trường hợp khác là phụ nữ mang thai, người chữa bệnh nan y... do đó họ có nhu cầu muốn trở về quê hương để sinh sống.

“Sở LĐ-TB-XH cũng đã liên hệ với các địa phương và một số tỉnh và thống nhất sắp xếp thời gian đưa người của địa phương mình về như: Nghệ An, Bình Định, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An… Đến nay, chúng tôi đã lên phương án đưa 335 người về Long An, Bạc Liêu, Kiên Giang vào ngày 7/10 tới và đã liên hệ với các tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng chờ thống nhất thời gian đưa công dân của họ về quê”, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thông tin.

Tăng cường kiểm soát xe vận tải hàng hóa qua các chốt kiểm dịch.  Trong ảnh: Kiểm tra xe vận tải hàng hóa vào địa bàn TP. Vũng Tàu tại chốt cầu Cỏ May.
Tăng cường kiểm soát xe vận tải hàng hóa qua các chốt kiểm dịch. Trong ảnh: Kiểm tra xe vận tải hàng hóa vào địa bàn TP. Vũng Tàu tại chốt cầu Cỏ May. Ảnh: SA HUỲNH

Cũng theo thông tin tại cuộc họp, thời gian qua, BR-VT đã giải quyết cho 620 trường hợp từ tỉnh BR-VT về các địa phương an toàn, có tổ chức. Ngoài ra, việc đón công dân từ các tỉnh khác về BR-VT cũng đang được gấp rút triển khai. Hiện nay, có 4 huyện đã trình phương án đưa khoảng 500 người từ các tỉnh, thành về BR-VT.

SA HUỲNH

ÔNG NGUYỄN VĂN THỌ, CHỦ TỊCH UBND TỈNH, CHỈ HUY TRƯỞNG TRUNG TÂM CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG COVID-19 TỈNH

Chưa thích ứng kịp thời trước nguy cơ đã được dự báo

Khi áp dụng Chỉ thị 15 thì nguy cơ lây lan dịch sẽ tăng. Mặc dù đã nhìn nhận vấn đề từ trước, nhưng có thể thấy, khả năng thích ứng là chưa kịp thời. Các địa phương phải kiểm soát chặt đội ngũ lái xe vận chuyển hàng hóa, cả nơi ở, lịch trình di chuyển và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong phòng dịch. Trong thời gian tới việc đón công dân về tỉnh sẽ gia tăng vì vậy các cơ sở cách ly vẫn giữ nguyên tình trạng hiện có. Việc đưa đón công dân về tiếp tục thực hiện theo phương án chu đáo, an toàn và có chế độ chăm sóc tốt. Vì vậy các địa phương phải động viên những người dân đã đăng ký chưa được đưa về hãy an tâm. Việc đưa người dân từ trong tỉnh ra ngoài cũng phải làm đúng quy trình, vừa bảo đảm an ninh trật tự và an toàn phòng chống dịch bệnh.

 

 

;
.