Nâng cấp hệ thống Internet phục vụ dạy và học trực tuyến

Thứ Sáu, 10/09/2021, 20:20 [GMT+7]
In bài này
.

Từ cuối tháng 8/2021 đến nay, BR-VT đã tổ chức dạy và học trực tuyến, dẫn tới nhu cầu sử dụng Internet của các gia đình tăng đáng kể. Trong khi đó, nhiều phụ huynh đã than phiền về tình trạng rớt mạng, tốc độ đường truyền chậm, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã thực hiện giải pháp tăng cường kết nối nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ việc dạy và học trực tuyến.

Học sinh lớp 5 trường TH Hạ Long sử dụng ứng dụng Google Meet  để học trực tuyến tại nhà.
Học sinh lớp 5 trường TH Hạ Long sử dụng ứng dụng Google Meet để học trực tuyến tại nhà.

Mạng internet chập chờn

Các ứng dụng học tập và làm việc như Google Meet, Zoom, Microsoft Teams… những ngày qua luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người thường xuyên bị rớt mạng, không vào được ứng dụng để học tập, làm việc. Anh Vũ Văn Quang (1/2/18 Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cho hay, nhà anh dùng gói cước của VNPT với cước phí 209 ngàn đồng/tháng. Cách đây mấy hôm, khi thấy mạng Internet chập chờn, anh đã gọi điện phản ánh đến nhà mạng yêu cầu kiểm tra từ hệ thống nguồn. Tuy nhiên, từ hôm các con chính thức học trực tuyến (online) vào buổi tối (từ 19 giờ trở đi) thì mạng lại thường xuyên chập chờn. Nhiều giáo viên cũng cho hay, đường truyền thường xuyên không ổn định, học sinh bị out ra khỏi lớp nhiều.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo cho biết, vào khung giờ cao điểm (18 - 21 giờ) khi vào các ứng dụng học trực tuyến thường bị quá tải nên người học không truy cập được vào trang, vào các lớp cần học. Trong khi đó, những khung giờ khác ít người vào học hơn nhưng theo phản ánh của phụ huynh, ở cấp tiểu học, thường sau giờ làm việc, phụ huynh mới có thể hướng dẫn con vào học. Bên cạnh đó, những ngày gần đây mạng Internet cũng rất yếu nên việc học trên các ứng dụng trực tuyến gặp trở ngại.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, một cán bộ kỹ thuật của VNPT BR-VT cho biết, 2 sự cố cáp quang biển diễn ra cùng lúc trên 2 tuyến cáp AAG và AAE-1, trong bối cảnh nhiều địa phương vừa tổ chức khai giảng và học trực tuyến năm học mới khiến cho tình trạng mạng không ổn định như người dân phản ảnh. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như: thời gian này người dân sử dụng Internet để làm việc, học tập, giải trí trên môi trường mạng rất nhiều dẫn đến tình trạng quá tải. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như gói cước có tốc độ quá thấp trong khi các gia đình sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc; chất lượng thiết bị phát wifi không tốt hoặc vị trí đặt thiết bị wifi quá xa so với nơi học tập, làm việc.

Đại diện nhà mạng Viettel cũng xác nhận, hiện nay kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đang bị ảnh hưởng bởi 2 sự cố cáp quang biển diễn ra cùng lúc trên 2 tuyến cáp đã ảnh hưởng tới chất lượng truy cập của khách hàng đến các trang web quốc tế.

Nâng cấp để đáp ứng nhu cầu

Để khắc phục, Viettel đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để bảo đảm lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến (Microsoft Team, Google Meet, Zoom...). Đến thời điểm hiện nay, hiện tượng chập chờn khi truy cập vào các ứng dụng học tập đã được khắc phục nhưng do vào các khung giờ cao điểm, tỷ lệ người sử dụng Internet quá cao khiến mạng bị chậm hơn so với bình thường.

Trong khi đó, nhà mạng VNPT đã triển khai tối ưu, căn chỉnh lưu lượng để bảo đảm dịch vụ cho khách hàng. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ số đông người dùng truy cập vào hệ thống cùng lúc, tránh tình trạng nghẽn mạng, VNPT đang tiếp tục nâng cấp hệ thống, mở rộng băng thông. Tuy nhiên, để giảm tải trên ứng dụng học trực tuyến, VNPT khuyến khích thuê bao sử dụng dịch vụ Internet FiberVNN và di động VinaPhone truy cập hệ thống bởi VNPT đang áp dụng chính sách ưu tiên đường truyền tốc độ cao dành cho những thuê bao đăng ký sử dụng gói cước tích hợp của VNPT - Vinaphone.

VNPT BR-VT cũng khuyến nghị nhà trường, giáo viên đẩy mạnh hình thức học trực tuyến bằng cách học theo giáo án do giáo viên cập nhật trên hệ thống giáo dục trực tuyến để HS-SV có thể vào học bất cứ khung giờ nào, tránh tình trạng quá tải vào “khung giờ vàng” tầm 6-9 giờ tối như hiện nay. Song song đó, để tránh tình trạng nghẽn mạng, khách hàng nên hạn chế sử dụng thiết bị không cần thiết cùng một thời điểm, kiểm tra lại vị trí đặt và chất lượng thiết bị thu phát wifi hoặc nâng cấp lên gói cước có tốc độ cao hơn nếu có điều kiện.

Khi có vấn đề mạng yếu, mất sóng, rớt mạng, không có tín hiệu, VNPT khuyến nghị người dân hãy gọi ngay cho đội hỗ trợ học trực tuyến (link: facebook.com/VNPT-VinaPhone-Vũng-Tàu-106331805036881/) theo từng địa bàn để được nhân viên hỗ trợ ngay.

Bài, ảnh: QUANG VŨ
;
.