Làm thế nào phân biệt được tái dương tính và tái nhiễm COVID-19?

Thứ Sáu, 10/09/2021, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp tái dương tính sau khi điều trị khỏi COVID-19. Nhiều bạn đọc thắc mắc ca tái dương tính có thể là tái nhiễm COVID-19 hay không?

Theo Bộ Y tế, trên thế giới có khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy F0 sau khỏi bệnh có khả năng tự bảo vệ cơ thể cao hơn rất nhiều lần so với một người chưa bị bệnh (dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin). Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên tại Trung tâm GDTX TP.Bà Rịa. Ảnh MINH THIÊN
Theo Bộ Y tế, trên thế giới có khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy F0 sau khỏi bệnh có khả năng tự bảo vệ cơ thể cao hơn rất nhiều lần so với một người chưa bị bệnh (dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin). Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên tại Trung tâm GDTX TP.Bà Rịa. Ảnh MINH THIÊN

Tái dương tính không đáng lo ngại

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy ít nhất trong vòng 6 tháng sau khi hồi phục, rất hiếm trường hợp F0 tái nhiễm. Trong khi tái dương tính vẫn xảy ra, chiếm tỷ lệ khoảng 0,5%-0,7% tổng số ca mắc, thường phát hiện qua xét nghiệm trong thời gian theo dõi sau xuất viện. Có nhiều nguyên nhân khiến người đã chữa khỏi bệnh tái dương tính. Tuy nhiên, đa số các ca tái dương đều không có khả năng lây nhiễm, nên chỉ theo dõi cách ly tại nhà.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn, Trưởng Đoàn công tác Bộ Y tế tại BR-VT, đa số các trường hợp tái dương tính đều không đáng lo ngại và trên thế giới cũng đã ghi nhận các trường hợp tái dương tính. WHO không chú trọng đến những trường hợp này. Trên thực tế qua đánh giá các ca tái dương tính trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở huyện Xuyên Mộc cũng cho thấy đa số các trường hợp có tải lượng vi rút rất thấp, nên chỉ cách ly theo dõi tại nhà. Một số ít trường hợp có tải lượng vi rút cao (CT nhỏ hơn 30) thì vẫn cần đưa đi điều trị.

Theo quy định của Bộ Y tế, để phòng ngừa tất cả các nguy cơ có thể phát sinh, người cách ly y tế tại nhà do tái dương tính (trong thời gian theo dõi sau xuất viện) phải tuân thủ chặt chẽ cách ly tại nhà. Người cách ly phải chấp hành việc tự cách ly tại nhà đúng thời gian quy định, cách ly ở một phòng riêng. Người bệnh phải tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) mỗi ngày. Hằng ngày, hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình cũng như những người khác; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; không được tự động rời khỏi nhà; không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình.

Tái nhiễm rất hiếm gặp nhưng nguy hiểm

Theo Bộ Y tế, trên thế giới có khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy F0 sau khỏi bệnh có khả năng tự bảo vệ cơ thể cao hơn rất nhiều lần so với một người chưa bị bệnh (dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin).

Điều này có nghĩa một người khỏe mạnh tiêm đủ hai mũi vắc xin vẫn có thể bị nhiễm, còn người đã từng nhiễm bệnh thì khả năng tái nhiễm trở lại rất thấp. Như vậy, những người từng mắc bệnh, ít nhất trong vòng 6 tháng, hiếm có khả năng bị bệnh trở lại.

Những kết quả của nghiên cứu về “Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 – SIREN” tại Anh cho thấy người đã từng nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nhiễm lại vi rút này giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.

Một nghiên cứu khác tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 là 0,7% với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vắc xin.

Tuy nhiên, khi đã tái nhiễm, mức độ nguy hiểm so với nhiễm lần đầu không có sự khác biệt, thậm chí có thể biến chứng nặng hơn. Theo công trình nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Maastricht University (Hà Lan) cho biết về trường hợp một người 89 tuổi tử vong sau gần 3 tuần mắc COVID-19 lần thứ 2. Kết quả phân tích cho thấy vi rút gây bệnh lần thứ 2 của người này có sự khác biệt về gen, có khả năng bà bị tái nhiễm SARS-CoV-2.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân COVID-19 tái nhiễm sau một thời gian; một số trường hợp có thể gặp phải biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.

ANH ĐÀO

;
.