Bài 3: Cứu cánh của mọi người lúc khó khăn
Gói an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (26 ngàn tỷ đồng) và những chính sách riêng của BR-VT đã giúp được rất nhiều đối tượng tạm vượt qua khó khăn.
Đại diện UBMTTQ VN tỉnh và Phòng LĐTBXH TP.Bà Rịa kiểm tra công tác chi trả hỗ trợ cho NLĐ. Ành: TUYẾT MAI |
Bảo đảm ai cũng ấm lòng
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, có 12 chính sách và nhóm đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 26 ngàn tỷ đồng. Cụ thể như các nhóm đối tượng: NLĐ bị mất việc, hộ kinh doanh, lao động tự do bị ảnh hưởng, trẻ em, người mắc COVID-19, người trong khu vực cách ly... sẽ được hỗ trợ từ 1-3,7 triệu đồng/người.
Suốt nhiều tháng qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc chi trả để hỗ trợ kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng. Nhiều người dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách này rất phấn khởi, nhất là những lao động tự do. Anh Trần Văn Dư (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) chia sẻ, anh là lao động tự do, vợ ở nhà nội trợ. Hơn 2 tháng nay, dịch diễn biến phức tạp, anh ở nhà chấp hành quy định chống dịch. Anh Dư cho biết: “Nghe tin trường hợp của mình là đối tượng được hỗ trợ trong đợt này, tôi rất mừng. Số tiền 1,5 triệu đồng này giúp tôi có thêm chi phí lo cho cuộc sống trong những ngày mất việc và giãn cách xã hội”.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, TP.Bà Rịa đã chi hỗ trợ cho 20.756 lao động tự do với tổng số tiền gần 32 tỷ đồng (đạt 77,06%). Hiện tại, các xã, phường trên địa bàn thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh chi hỗ trợ cho 6.179 lao động còn lại. Tương tự, TX.Phú Mỹ cũng đã chi hỗ trợ cho 20.762 lao động với tổng số tiền hơn 29,4 tỷ đồng, trong đó nhóm lao động tự do là 20.361 người.
Bà Phương Mỹ Lương, công chức phụ trách LĐTBXH phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ chi trả trợ cấp thất nghiệp cho ông Dương Văn Nghĩa. Ành: MỸ LƯƠNG |
Bên cạnh chi hỗ trợ cho 12 đối tượng theo Nghị quyết 68, BR-VT còn mở rộng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cụ thể như hỗ trợ đối tượng gia đình chính sách, NLĐ trong lĩnh vực phi nông nghiệp gặp khó khăn, trẻ em phải cách ly tập trung… Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành, bổ sung thêm hỗ trợ NLĐ tự do, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo… Đến nay, có hơn 5,6 ngàn DN được giảm đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp; gần 500 lao động được tạm dừng đóng BHXH; hỗ trợ DN vay vốn với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng để trả lương cho NLĐ.
Chi trả đúng đối tượng
Xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức chủ yếu làm nông, một số ít làm công nhân song dịch bệnh cũng khiến công việc bị gián đoạn, nhiều gia đình lâm cảnh túng thiếu. Ngay khi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7 của Chính phủ có hiệu lực, xã Suối Nghệ đã triển khai xuống các thôn, tổ rà soát, thống kê số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Đến ngày 3/9 xã Suối Nghệ đã trình thẩm định 2.707 hồ sơ đề nghị trợ cấp và tiến hành chi trả cho 1.393 lao động với số tiền 975 triệu đồng. Ông Trần Bá Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Nghệ cho biết, xã đang tiếp tục rà soát, lập danh sách các hộ dân gặp khó khăn từ đợt giãn cách thứ 4 (từ ngày 25/8) gửi về huyện để có sự hỗ trợ kịp thời.
Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện các chính sách an sinh tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức. Ành: MỸ LƯƠNG |
Mục tiêu xuyên suốt của việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho NLĐ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19 là phải bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, không trùng lặp và tránh bỏ sót. Do vậy, để bảo đảm gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng như các gói hỗ trợ của tỉnh, huyện đem lại hiệu quả tích cực, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, hạn chế đẩy lùi tác động tiêu cực của dịch bệnh, Sở LĐTBXH đang tập hợp những vướng mắc để kiến nghị tháo gỡ.
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, BR-VT đã trải qua 4 kỳ giãn cách và số lượt người được hưởng hỗ trợ đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho đối tượng gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm hoàn thiện hồ sơ cũng như chi trả tiền cho đối tượng được thụ hưởng do họ thuộc trường hợp cách ly y tế hoặc trong khu vực phong tỏa. Hơn nữa, việc phân cấp ủy quyền chuyển giao về cho UBND các huyện, thị, thành phố giải quyết thủ tục cho người thụ hưởng theo Nghị quyết 68 cũng làm gián đoạn quá trình giải quyết cho đối tượng trong 2 ngày. Trong khi 1 ngày số lượt người được giải quyết lên tới hàng ngàn người. Vì thế, việc dừng lại do gián đoạn 2 ngày cũng làm chậm đi rất nhiều. Đồng thời, hầu hết NLĐ ngừng việc do thực hiện giãn cách xã hội hoặc DN không thực hiện được phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Vấn đề này Sở LĐTBXH đã có nhiều văn bản báo cáo Bộ LĐTBXH và UBND tỉnh, đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP theo hướng giảm bớt các điều kiện để được hỗ trợ.
Công chức văn hóa xã hội ấp Phước Hiệp (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chi trả tiền trợ cấp cho người dân. Ảnh: NGUYỄN TUYỀN |