Ngăn dịch xâm nhập từ đường biển
Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu tiếp tục chủ động, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn dịch xâm nhập từ đường biển.
Tính từ thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 đến nay, đã có 540 tàu Việt Nam và nước ngoài từ nước ngoài về Vũng Tàu để thay đổi 3.633 thuyền viên tại cảng biển Vũng Tàu. |
NGUY CƠ LÂY NHIỄM TỪ THUYỀN VIÊN
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu (CVHHVT), trong 6 tháng đầu năm 2021 số lượng tàu thuyền đến/rời cảng biển Vũng Tàu là 47.866 lượt tàu (trong đó có 3.622 lượt tàu biển nhập và xuất cảnh; 7.119 lượt tàu biển hoạt động tuyến nội địa và 37.145 lượt phương tiện thủy nội địa) tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh tín hiệu tích cực về mức tăng trưởng của hoạt động hàng hải, hoạt động kinh doanh khai thác cảng đối với kinh tế địa phương luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 phát sinh từ đối tượng là thuyền viên nhập cảnh, từ tàu biển và thuyền viên đến từ vùng có dịch hay từ hoạt động thay đổi thuyền viên, gây áp lực lớn đối với công tác phòng, chống dịch. Tính từ 1/1 đến 8/7 có 243 tàu Việt Nam và nước ngoài từ nước ngoài về Vũng Tàu để thay đổi 1.661 thuyền viên.
“Ngoài đối tượng có nguy cơ lây nhiễm là cán bộ tuyến đầu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng (y tế kiểm dịch quốc tế; cảng vụ hàng hải; biên phòng cửa khẩu cảng; hải quan; y tế kiểm dịch động vật/thực vật) luôn tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao từ tàu, thuyền viên nước ngoài hay tàu thuyền đến từ vùng có dịch cho các đối tượng là hoa tiêu dẫn tàu, đại lý hàng hải của chủ tàu, giám định hàng hóa, nhân viên điều độ cảng, công nhân lên tàu để bốc/dỡ hàng hóa”, ông Lê Văn Thức, Giám đốc CVHHVT cho biết.
KHÔNG CHO THUYỀN VIÊN VÀO BỜ
Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 phát sinh từ hoạt động cung cấp dịch vụ hàng hải, CVHHVT đã đề nghị Biên phòng cửa khẩu không cho thuyền viên vào bờ, đặc biệt là thuyền viên nước ngoài hoặc thuyền viên đến từ vùng dịch. CVHHVT cũng yêu cầu chủ tàu nhập cảnh hoặc tàu đến từ vùng có dịch phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp cảng xây dựng, triển khai “Phương án phòng chống dịch” cho mỗi tàu trước khi tàu vào cảng. Hoa tiêu dẫn tàu hoặc những người khác lên tàu mà tiếp xúc gần dưới 3m với thuyền viên trên tàu, ngoài việc đeo khẩu trang, găng tay còn phải mặc quần áo bảo hộ để phòng dịch. Chủ tàu, doanh nghiệp cảng, tổ chức hoa tiêu phải xây dựng và triển khai quy trình phòng, chống dịch COVID-19; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền, trao đổi hồ sơ, tài liệu hay hội họp… và thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các tổ chức, cá nhân hoạt động hàng hải tại cảng biển.
Ông Nguyễn Khắc Du, Tổng Giám đốc Vungtau Ship cho biết, do thực hiện nhiệm vụ dẫn tàu, tiếp xúc với các thuyền viên của tàu nước ngoài và tàu từ vùng dịch về nên nguy cơ lây nhiễm cho hoa tiêu khá cao. Vì vậy, ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, Vungtau Ship đã triển khai các biện pháp phòng dịch cho hoa tiêu làm nhiệm vụ dẫn tàu, như: trang bị đồ bảo hộ sử dụng 1 lần; hoa tiêu sau khi hoàn thành công việc sẽ được xe chở ngay về nhà và số người trên xe cũng giảm còn 1-2 người, phun xịt khử khuẩn tàu, xe đưa hoa tiêu. “Hiện nay hơn 60 hoa tiêu và 200 người lao động của Vungtau Ship đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và đang mong được tiêm mũi thứ 2 để họ an tâm hơn khi làm nhiệm vụ dẫn tàu”, ông Nguyễn Khắc Du đề xuất.
Hoa tiêu Nguyễn Đức Thịnh thuộc Vungtau Ship cho biết: “Mỗi lần nhận nhiệm vụ dẫn tàu, hoa tiêu phải có mặt thường xuyên trên tàu từ 3-4 tiếng và 2 chuyến/ngày. Mùa này thời tiết nóng bức, lại phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch nên việc di chuyển rất khó khăn, nhất là khi leo thang để lên những con tàu lớn. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn nên chúng tôi luôn nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định “5K” của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch khác”.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, CVHHVT tiếp tục chủ động, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cảng biển Vũng Tàu. Đối với các đại lý hàng hải, doanh nghiệp cảng, chủ tàu, CVHHVT yêu cầu rà soát, đánh giá xác định nguồn cũng như nguy cơ lây nhiễm COVID-19 giữa thuyền viên với những người lên tàu để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp. Đồng thời khi có tàu nhập cảnh hay tàu từ vùng dịch vào neo đậu, làm hàng tại cảng, chủ tàu/đại lý của chủ tàu phối hợp với doanh nghiệp cảng nghiên cứu, xây dựng, trình “Phương án phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình tàu neo đậu, làm hàng tại cảng” cho từng tàu theo yêu cầu của CVHHVT.
Bên cạnh đó, CVHHVT cũng đề xuất xem xét, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả các hoa tiêu dẫn tàu, đại lý hàng hải, điều độ cảng, giám định hàng hóa, công nhân xếp/dỡ hàng hóa tại cảng… Đây là các đối tượng phải tiếp xúc trực tiếp với tàu, thuyền viên trên tàu và có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.
CHƯƠNG NGUYỄN