Vợ chồng có cần... tranh luận?
Nhiều người vẫn thích câu “gọi dạ, bảo vâng”. Hễ những gì mình nói ra ắt “nửa kia” không gân cổ cãi xoèn xoẹt; không cắc cớ hỏi lại bằng những câu lý sự lằng nhằng; không tìm cớ thoái thác, chối từ mà nghiêm chỉnh chấp hành. Vâng, dứt khoát là không phản đối, không phản ứng, không “phản biện” mà phải gật đầu cái rụp. Thông thường, lúc đang “thả thính”, đang yêu nhau nồng nàn thì chuyện này dễ dàng lắm. Đôi lúc thấy vô lý đùng đùng, nhưng vì đang yêu nên họ không nghĩ ngợi lăn tăn mà im lặng làm ngay. Tính cách ngoan ngoãn, dễ bảo này, một khi đã nên đôi nên đũa sẽ giúp cả hai hạnh phúc hơn chăng?
Minh họa: MINH SƠN |
Tôi nghĩ rằng, họ sẽ… chán nhau thì đúng hơn.
Không chán sao được khi có những việc cần vợ có ý kiến ý cò, nàng lại câm như thóc. Cần nghe nàng “phản biện” vụ xin nhập trường nào cho con là hợp lý, dễ đưa đón mỗi ngày thì nàng vẫn ngậm như hến. Chuyện khác nữa, thái độ này vẫn không khác. Chàng gặng hỏi: “Ý của em thế nào?”. Hỏi, là do người chồng chưa tự tin, tin tưởng lắm vào quyết định của mình. Thế nhưng, nàng chỉ dễ dãi: “Tùy anh, em sao cũng được”.
Khác hẳn trước kia, lúc mới cưới, người đàn ông nào cũng thích nghe câu ấy, bởi trong nhà này “quyền lực” chỉ tập trung trong tay một người. Anh chồng phởn phơ ra chiều đắc ý lắm. Tuy nhiên càng về sau, tất tần tật câu hỏi nào, cũng chỉ nghe, đại loại, “tùy anh thôi” khiến anh chồng ngán ngẫm thở dài. Nỗi buồn này cũng tựa như lúc vừa nốc luôn mấy viên viagra rồi hứng chí cấp tốc phóng xe về nhà, nhưng than ôi… vợ lại đi vắng!
Chán ơi là chán! Do vợ chẳng nói gì, anh chồng ngao ngán, leo lên facebook ném luôn câu status: “Ước gì được nghe vợ cãi lại một câu cho đời thêm tươi”. Hàng loạt comment tỏ ý ngạc nhiên tại sao trên đời này còn có loại ông chồng “té giếng” đến thế? Nhầm tất. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu nỗi niềm thầm kín này. Đàn ông dù độc đoán, độc quyền nhưng cũng có lúc họ cần nghe ý kiến của người khác, chứ không thể độc diễn mãi.
Thì đây, dù đã hai mặt con nhưng anh chồng vẫn giữ thói quen thời độc thân, mỗi chiều chủ nhật đàn đúm với bạn nhậu, nại lý do “hưng phấn cho ngày mai đi làm”. Lý lẽ cùi bắp do chồng phán ra và dù biết chẳng hợp lý chút tẹo nào nhưng cô vợ vẫn không cãi! Nếu cãi, anh ta đã ở nhà với vợ con rồi.
Lại nữa, nhân sinh nhật nàng, chàng lại quên béng và chiều đó, tan sở lại bù khú với bạn bè đến “ngất trên cành quất”. Lúc nhớ ra, chàng vội vội vàng vàng quay về nhà. Lúc đó, không ít đàn ông có cảm giác vừa hối hận, vừa lo sợ vợ mắng té tát nên bèn lanh trí bịa luôn: “Hôm nay, phía đối tác mời ăn tối em à”. Nghe là biết xạo rồi, quần áo lếch thếch như mọi ngày thì họp với hành gì? Thế mà, cô nàng cũng chỉ gật gù: “Ủa? Vậy hả anh”. Rồi không nói gì thêm. Thái độ “dịu dàng”, “cả tin” ấy vô hình trung khiến anh chồng đâm ra chán. Biết vậy, ở lại nhậu luôn với bạn bè cho xong! Nếu nàng cãi, ắt chàng sẽ vồn vã có thái độ chuộc lỗi ngay lập tức. Âu cũng là một cách biểu lộ tình cảm dành cho vợ.
Tính cách im lặng, chẳng thắc mắc, chẳng ý kiến ỳ cò này, giải thích ra làm sao? Do chìu theo người bạn đời, do tin tưởng tuyệt đối hay do nhu nhược? Tôi có chị bạn vốn là tay giỏi giang, “miệng bằng tay, tay bằng miệng”, với cương vị của mình, chị điều binh khiển tướng cả hàng trăm người. Thế nhưng vẫn có lúc chị cũng cần hỏi đến ý kiến của chồng, rồi chị có được “bảo ban” gì không?
Sau khi chị tâm tình: “Sắp tới em phải ra nước ngoài ký hợp đồng nhập khẩu mà hiện nay, thị trường đang có nhu cầu. Ý anh thế nào?”. Một khi đã hỏi, ắt người đó đang phân vân, chần chừ, cần nghe một lời khuyên nào đó thậm chí phản bác, ngăn cản cũng chẳng sao - miễn hợp lý. Nào ngờ, anh chồng vừa lướt web vừa trả lời: “Chuyện mua mua bán bán, anh đâu có rành”. Cô vợ dò hỏi: “Anh có thể đi chung với em?”. Anh ta lại đáp: “Ờ, sao cũng được”. Cách trả lời này, tưởng rằng chìu theo ý vợ nhưng có lẽ tên gọi đúng của nó vẫn là vô trách nhiệm.
Nhiều người chồng/vợ đã chán ngấy cách trả lời xuôi xị như trên. Họ cần nghe một tiếng nói khác, thậm chí cãi lại cũng chẳng sao. Một khi cãi, tranh cãi lúc lúc “một nửa” thể hiện bản lĩnh, tri thức chứ không có nghĩa ngoác mồm ra “ăn tươi nuốt sống” mà phải biết lý luận, biết phải trái, biết phát ngôn có lý có tình để phản biện lại ý kiến người khác.
Nếu trong cuộc sống gia đình, một khi “nửa kia” không biết cãi, chỉ lẳng lặng, răm rắp làm theo “chỉ đạo” thì riết rồi “nửa này” cũng xem thường. Chuyện gì cũng tự mình “quyết” thì hỏi ý kiến làm gì nữa? “Đồng sàng dị mộng” cũng từ đây mà ra.
Thế mới thấy, cãi thậm chí không đồng thuận theo ý kiến của “một nửa” cũng là thứ “gia vị” trong đời sống - miễn là vấn đề đang bàn được sáng tỏ hơn để cả hai cùng cân nhắc.
LÊ MINH QUỐC