Những hạt gạo nghĩa tình
Trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, những cây “ATM gạo” đã kịp thời tiếp sức giúp người lao động nghèo có được bữa no, tiếp tục vươn lên.
Bà con nghèo nhận gạo từ máy “ATM gạo” ở số 51 Nguyễn Du (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa). |
Cầm trên tay 5kg gạo vừa được nhận, bà Lê Thị Ngọc (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) xúc động cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công việc bán vé số của bà gặp nhiều khó khăn khi lượng tiêu thụ giảm sút. Thu nhập từ bán vé số không đủ trang trải cuộc sống. Trong lúc khó khăn, bà đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền và nhà hảo tâm nên vui lắm.
Ông Lê Văn Tám, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TX. Phú Mỹ cho biết, từ năm 2020, “ATM gạo” đã liên tục hoạt động tại các xã, phường trên địa bàn TX. Phú Mỹ. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nguồn gạo đưa vào ATM được UBMTTQ các cấp của địa phương chủ trì vận động. Chỉ tính từ đầu tháng 6/2021 đến nay, UBMTTQVN TX. Phú Mỹ đã vận động được 25 tấn gạo. Trong đó, 10 tấn gạo do Hội Doanh nhân trẻ TX. Phú Mỹ tài trợ, được chia sẻ qua hình thức “ATM gạo” tại xã Tóc Tiên; 15 tấn còn lại được trao trực tiếp đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở các xã, phường khác trong tháng 6. “Mỗi người dân được nhận 5kg gạo từ “ATM gạo”. Phần quà tuy không nhiều nhưng cũng giúp những gia đình khó khăn, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh vơi bớt phần nào”, ông Lê Văn Tám cho biết.
Hơn 10 ngày qua, tại số nhà 51 Nguyễn Du (phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa) có 1 máy “ATM gạo” do chị Trần Huỳnh Nhi, chủ phòng trà Kendy Lee cùng gia đình tài trợ. “ATM gạo” hoạt động mỗi ngày, buổi sáng từ 9-11 giờ, chiều từ 14-16 giờ. Người đến đa phần là người nghèo, người bán vé số, chạy xe ôm… Mỗi người được nhận 2kg gạo.
Nói về ý tưởng tổ chức “ATM gạo”, chị Nhi cho biết, hàng ngày chị chứng kiến nhiều người đã lớn tuổi vẫn đi bán vé số, nhặt ve chai, hàng rong mưu sinh rất vất vả. Khi đại dịch bùng phát, chính quyền thực hiện các quy định phòng chống dịch nên cuộc sống của những người lao động nghèo càng khó khăn hơn. Chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn ấy, gia đình đã hỗ trợ thông qua máy “ATM gạo”. Khi có người tới nhận gạo, qua màn hình camera, người bên trong sẽ bấm nút để gạo chảy ra. Dưới sự hỗ trợ của Hội LHPN phường Phước Hiệp, người đến nhận gạo được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và hướng dẫn giữ khoảng cách an toàn.
“Những ngày đầu chưa có người phụ giúp nên “ATM gạo” hoạt động tương đối khó khăn. Nay nhận được sự chia sẻ của một số nhà hảo tâm, khách quen của phòng trà và chính quyền địa phương nên “ATM gạo” đã dần đi vào ổn định, có thêm nguồn gạo dự trữ. Tôi mong có nhiều tấm lòng hảo tâm chung tay để duy trì máy “ATM gạo”, chia sẻ khó khăn với nhiều người nghèo khó hơn nữa”, chị Nhi cho biết.
Chị Bùi Thị Nhung thuê trọ ở phường Long Hương (TP. Bà Rịa) đi bán vé số nhiều năm qua. Khi đại dịch bùng phát, thu nhập từ công việc bán vé số không đủ trang trải cuộc sống. Từ khi “ATM gạo” của gia đình chị Nhi hoạt động, mỗi ngày chị Nhung đều ghé nhận gạo về ăn. Chị Nhung nói: “Nhờ có “ATM gạo”, gia đình tôi tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Đây là sự hỗ trợ thiết thực nhất với chúng tôi trước khó khăn đang gặp phải”.
Đồng hành với “ATM gạo” của gia đình chị Nhi từ những ngày đầu thực hiện và đóng góp hơn 250kg gạo, ông Nguyễn Tấn Sang (TP. Bà Rịa) cho biết, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, ông còn vận động bạn bè cùng đóng góp. “Một người không giúp được nhiều nhưng nhiều người cùng nhau góp sức, tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Sang nói.
Sau hơn 10 ngày hoạt động, “ATM gạo” ở số 51 Nguyễn Du (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) đã phát được khoảng 5 tấn gạo cho hơn 2.000 lượt người. Trong đó, 4 tấn gạo của gia đình chị Nhi, số còn lại do Hội Người cao tuổi phường Phước Hưng vận động (250kg), Hội LHPN phường Phước Hiệp (250kg) và các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Bài, ảnh: NGỌC BÍCH