.
TP.VŨNG TÀU

Tạo sinh kế, giúp giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 19:34, 18/03/2021 (GMT+7)

Tạo sinh kế, giúp hộ khó khăn tăng thu nhập, cải thiện đời sống bằng cách hỗ trợ con giống, phân bón, phương tiện sản xuất… là cách MTTQVN các xã, phường của TP.Vũng Tàu triển khai thực hiện để giảm nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Hoài (trái), Chủ tịch UBMTTQVN phường 11 trao máy may cho bà Nguyễn Thị Vân.
Bà Nguyễn Thị Hoài (trái), Chủ tịch UBMTTQVN phường 11 trao máy may cho bà Nguyễn Thị Vân.

Buổi sáng, sau khi đi chợ, bà Trương Thị Ba (66 tuổi, 6/13, Bắc Sơn, phường 11) tranh thủ băm rau. Số rau già này được mấy tiểu thương cho hoặc bán với giá rẻ, bà đem về băm và trộn cám cho gà ăn. Hơn 20 con gà trưởng thành được bà nhốt cẩn thận trong chuồng, chuẩn bị xuất nốt trước khi nuôi bầy gà mới. Chồng mất đã lâu, bà Ba có 2 người con thì cậu con trai có gia đình, ở riêng, hai vợ chồng đều làm công nhân nên không dư giả gì, cô con gái sau bị khuyết tật, ở chung với bà. “Trước đây ai kêu gì tôi làm nấy, sau này có tuổi, đau khớp nên chỉ ở nhà, mượn đất trồng vài luống rau, nuôi vài con gà. Cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau…”, bà Ba nói.

Tháng 10/2020, bà Ba được hỗ trợ 160 con gà giống và cám (tổng trị giá 5 triệu đồng). Bà mừng lắm, chăm chút đàn gà mỗi ngày và đã xuất chuồng 140 con vào dịp Tết Nguyên đán. 20 con “còi” hơn được bà giữ lại, chăm cho béo tốt, mượt mà để bán dần. “Trừ 5 triệu đồng tiền vốn ban đầu tôi cũng lại được gần 4 triệu đồng tiền lãi. Mừng lắm. Tôi để dành cả vốn và gốc, mai mốt tiếp tục làm vốn chuẩn bị tái đàn. Sau này đường phía trước nhà mở rộng, tôi có thể mua ít đồ, mở tiệm tạp hóa nhỏ, túc tắc bán qua ngày”, bà Ba nhẩm tính.

Cũng được MTTQ phường 11 hỗ trợ 5 triệu đồng vào cuối tháng 10/2020, bà Nguyễn Thị Vân (69 tuổi, 988/34/5B, đường 30/4) đã góp thêm 1 triệu đồng để mua chiếc máy may mới. Bà Vân là hộ nghèo chuẩn tỉnh, hiện ở với hai vợ chồng người con trai và 2 cháu nội. Anh Phạm Hữu Trí, con bà Vân bị tật ở chân, khó khăn trong đi lại, nhưng được mẹ truyền cho nghề may. Hai mẹ con ở nhà nhận may mới hoặc sửa chữa quần áo cho khách. “Cái máy may cũ đã mấy chục năm, mỗi lần may vất vả lắm vì hiệu quả thấp. Giờ được địa phương hỗ trợ máy mới, mẹ con tôi làm khỏe re. Trong hẻm sâu, ít khách, tôi nhận thêm hàng ráp đồ cho các tiệm may lớn. Dịp lễ, Tết, hai mẹ con cũng kiếm được vài trăm ngàn/ngày”, bà Vân chia sẻ.

Đối với gia đình bà Phạm Thị Xem (1658/4, đường 30/4, phường 12) thì số tiền 3 triệu đồng được MTTQ phường hỗ trợ đã được “chuyển đổi” thành 12 cặp ếch giống. Vợ chồng bà Xem ở Gò Công, Tiền Giang dắt díu nhau tới TP.Vũng Tàu hơn 20 năm trước, từng được xem là hộ “nghèo bền vững” khi nghề nghiệp không có, lại nuôi 4 người con. Chồng làm thợ hồ, vợ làm thuê mướn, ai kêu gì cũng làm, chăm chỉ, chịu khó nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Bà được Hội LHPN phường giới thiệu vay vốn nuôi gà, vịt, nuôi tôm và lo cho con ăn học. Vài năm trước, các con trưởng thành, ra riêng, hai vợ chồng bà mới đỡ vất vả. Năm 2017, cậu con út tốt nghiệp ĐH Nông-Lâm TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn mẹ nuôi ếch. Sau vài lần thất bại, bà Xem đã thành thạo với mô hình nuôi ếch giống và ếch thành phẩm. Hiện chuồng của bà có 40 cặp ếch trưởng thành giữ lại làm ếch giống. Không chỉ cung cấp ếch giống, bà còn nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho những người muốn nuôi ếch. Bà Xem còn nuôi thêm đàn gà, vịt khoảng 60 con các loại, cung cấp lẻ ra thị trường. Nhờ siêng năng, hay lam hay làm, hai vợ chồng bà Xem đã trả hết nợ, đồng thời dành dụm cất được căn nhà rộng rãi. Năm 2020, bà Xem thoát nghèo.

Chỉ tính riêng năm 2020, MTTQ các cấp của thành phố đã hỗ trợ con giống, dụng cụ sản xuất cho 4 hộ nghèo phát triển kinh tế, với tổng số tiền 18 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ cho 8 hộ với tổng số tiền 82,5 triệu đồng; giới thiệu việc làm tham gia tổ bóc hàu cho 10 phụ nữ nghèo. Đồng thời, trên địa bàn thành phố có 43 tổ tiết kiệm xoay vòng không tính lãi với 496 thành viên và tổng số tiền xoay vòng là 931 triệu đồng...

Theo bà Nguyễn Thị Mai Diễm, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, các mô hình trồng trọt triển khai trên địa bàn thành phố không còn phù hợp. Vì vậy, nhiều năm qua, các xã, phường đã linh động hỗ trợ người nghèo, hộ khó khăn (nhất là những gia đình có người khuyết tật, yếu thế) chuyển đổi phương thức sản xuất, như: tặng máy may, tặng con giống, hỗ trợ mở tiệm tạp hóa hoặc tiệm bánh cuốn, xe nước mía... phù hợp nhu cầu thực tế của từng hoàn cảnh. Điều này tạo sự phấn khởi cho các hộ khó khăn, đồng thời là động lực để họ vươn lên, có sinh kế tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.