.

Không để học sinh lớp 1 bị bỏ lại phía sau

Cập nhật: 16:08, 08/03/2021 (GMT+7)

Với mục tiêu không để HS nào bị bỏ lại phía sau, ngay khi HS được tiếp tục đến trường, các trường TH trên địa bàn tỉnh đã gấp rút triển khai dạy học phụ đạo cho HS lớp 1 chưa thành thạo các kỹ năng đọc, viết, tính toán.

Một tiết học của HS lớp 1C, Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) do cô Từ Thị Lan Anh giảng dạy.
Một tiết học của HS lớp 1C, Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) do cô Từ Thị Lan Anh giảng dạy.

10% HS LỚP 1 ĐƯỢC HỌC PHỤ ĐẠO

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 cho HS lớp 1. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên một số HS chưa được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. Kết quả khảo sát chất lượng học kỳ 1 năm học 2020-2021 cho thấy còn nhiều HS chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các em HS lớp 1 tiếp tục dừng đến trường vì dịch bệnh COVID-19 và phải chuyển sang học trực tuyến tới hết tháng 2/2021. Việc triển khai học trực tuyến với HS lớp 1 còn nhiều khó khăn dẫn đến những em HS chưa thành thạo các kỹ năng đọc, viết, tính toán có nguy cơ bị tụt lại phía sau. 

Vì lý do đó, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường TH phải tổ chức dạy phụ đạo cho nhóm HS này khi HS trên địa bàn tỉnh được đi học trở lại. “Theo thống kê, khoảng 9-10% HS lớp 1 (khoảng trên 2 ngàn em) được học phụ đạo. Sở GD-ĐT giao các trường chủ động xây dựng giải pháp thực hiện nhằm cải thiện tình trạng trên một cách phù hợp, thiết thực và chất lượng”, bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết thêm.

Phòng GD-ĐT các địa phương cũng đã khẩn trương yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng, triển khai kế hoạch dạy phụ đạo cho học sinh. Ông Nguyễn Quý Phúc, Trưởng Phòng GD-ĐT TX. Phú Mỹ cho biết, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu các trường TH tập trung tất cả những HS chưa đạt về kỹ năng đọc, viết, tính toán tổ chức thành lớp riêng và dạy phụ đạo cho các em ngoài giờ học chính khóa. Nhà trường phải trao đổi, thống nhất với phụ huynh về khung giờ giảng dạy, để phụ huynh đồng thuận và phối hợp. Các trường phân công GV có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng phụ trách dạy phụ đạo, cán bộ quản lý phải theo dõi, thường xuyên kiểm tra và đánh giá kết quả dạy phụ đạo.

Tương tự, tại huyện Châu Đức, bên cạnh việc yêu cầu các trường tổ chức dạy phụ đạo cho HS lớp 1 chưa thông thạo đọc, viết, tính toán theo chỉ đạo chung của ngành, Phòng GD-ĐT huyện còn lưu ý các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học ở lớp 1 phù hợp với tình hình của trường; yêu cầu nhà trường tăng cường phối hợp với gia đình để giáo dục HS, nhất là những em gặp khó khăn trong học tập.

TẤT CẢ VÌ HS

Ngay sau khi HS đi học trở lại, tất cả các trường TH trên địa bàn tỉnh đã bắt tay ngay vào việc triển khai dạy phụ đạo cho HS chưa thành thao các kỹ năng đọc, viết, tính toán. Việc giảng dạy hầu hết được thực hiện ngoài giờ chính khóa và hoàn toàn miễn phí.

Cô Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) cho biết, hiện nay, trường có 18 HS trên tổng số 231 HS khối lớp 1 tham gia học phụ đạo. Trong đó, 12 em chưa thành thạo kỹ năng đọc, viết môn Tiếng Việt và 6 em chưa thành thạo kỹ năng tính toán. Theo cô Thủy, giờ học chính khóa, các em vẫn tham gia học tập với các bạn trong lớp để bản thân các em không cảm thấy mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, trước khi vào lớp và sau khi tan học các ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu hàng tuần, nhà trường phân công GV chủ nhiệm kèm cặp, hướng dẫn thêm cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức 2 lớp riêng để dạy phụ đạo cho các em vào thứ Bảy hàng tuần. HS chưa thành thạo kỹ năng nào sẽ được phụ đạo kỹ năng đó. Ngoài ra, trường tổ chức thêm lớp phụ đạo cuối tuần, do 6 GV chủ nhiệm khối lớp 1 luân phiên giảng dạy. Bên cạnh đó, GV chủ nhiệm các lớp còn hướng dẫn phụ huynh kèm các em tự học tại nhà và xây dựng mô hình “Đôi bạn cùng tiến” để các em HS giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Sau mỗi tuần, nhà trường sẽ tổ chức đánh giá kết quả học tập của các em để điều chỉnh kế hoạch phụ đạo cho tuần kế tiếp.

Còn tại Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (TX. Phú Mỹ), năm học này, toàn trường có tổng số 195 HS lớp 1. Qua kết quả kiểm tra cuối học kỳ 1, chỉ có 11 HS đạt kết quả học tập chưa cao. Song, để không bỏ sót HS còn yếu các kỹ năng đọc, viết, tính toán và hỗ trợ các em một cách kịp thời, hiệu quả, nhà trường tiếp tục khảo sát riêng từng kỹ năng đối với toàn bộ HS lớp 1. Kết quả, có 22 em cần được phụ đạo, trong đó phần lớn là HS gặp khó khăn ở môn Tiếng Việt do chương trình năm nay đặt ra yêu cầu cao hơn cho HS. Sau khi HS đi học trở lại, nhà trường tổ chức cho các em học phụ đạo tập trung vào các buổi chiều thứ Sáu hàng tuần. Trong quá trình dạy phụ đạo, nhà trường chia nhóm HS để việc giảng dạy hiệu quả hơn. Cụ thể, nhóm 5 HS chưa nắm vững âm, vần, bảng chữ cái được tách riêng, giao cho 1 GV có kinh nghiệm lâu năm phụ trách. Nhóm còn lại, nhà trường phân công mỗi buổi 2 GV trong khối phụ đạo cho các em. “Trước khi triển khai dạy phụ đạo, GV chủ nhiệm các lớp đã trao đổi với phụ huynh HS về nội dung, thời gian giảng dạy và nhận được sự đồng thuận từ tất cả phụ huynh. Về phía đội ngũ, cả 5 GV chủ nhiệm khối lớp 1 đều tình nguyện tham gia giảng dạy. Hàng tháng, nhà trường sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả dạy phụ đạo cho HS để có sự điều chỉnh nếu cần nhằm đạt được hiệu quả cao nhất”, cô Trần Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.