.

Sẵn sàng đợi lệnh ra tuyến đầu chống dịch

Cập nhật: 19:54, 05/02/2021 (GMT+7)

Gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, dịch COVID-19 lại bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chống dịch. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

NHỮNG CHIẾN SĨ NƠI TUYẾN ĐẦU

Đến bây giờ, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hùng (SN 1992) vẫn chưa quên được cảm giác hồi hộp khi nhận nhiệm vụ điều trị các ca nhiễm bệnh COVID-19. “Khi nhận lệnh đến khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân, tôi rất hồi hộp vì lúc đó tôi còn ít kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm phòng chống dịch”.

Cảm giác lo lắng sớm tan biến khi anh nhập cuộc. Lần lượt những ca nhiễm COVID-19 do anh trực tiếp điều trị đã được chữa lành. “Tôi cảm thấy mình may mắn vì được ở tuyến đầu. Đó là trải nghiệm quý giá”, bác sĩ Hùng chia sẻ. Bác sĩ Hùng được huy động tham gia 2 đợt điều trị bệnh nhân COVID-19. Đợt 1 vào tháng 7/2020, anh điều trị cho 2 bệnh nhân người Ấn Độ tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa). Đợt 2 (tháng 11/2020), anh điều trị cho 4 bệnh nhân người Nga tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền. “Mỗi đợt điều trị và cách ly kéo dài tới 28 ngày. Trong thời gian này, tôi không được về thăm nhà, không được gặp mặt người thân mà chỉ thỉnh thoảng gọi điện về hỏi thăm cho ba mẹ yên tâm”, bác sĩ Hùng kể.

Điều dưỡng Nguyễn Anh Tuấn hướng dẫn người dân khai báo y tế khi vào khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền.
Điều dưỡng Nguyễn Anh Tuấn hướng dẫn người dân khai báo y tế khi vào khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền.

Trong suốt thời gian điều trị, mỗi ngày, bác sĩ Hùng gặp bệnh nhân 2 lần để khám, kiểm tra sức khỏe. Thời gian còn lại trong ngày, anh phải làm hồ sơ bệnh án, cập nhật thông tin, phác đồ điều trị và khám cho những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. May mắn là bệnh nhân rất hợp tác, nên dù bất đồng về ngôn ngữ, việc điều trị vẫn diễn ra thuận lợi. 

“Khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về nhà và nhận nhiều lời động viên của người quen, đồng nghiệp. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi góp một phần công sức vào công tác phòng, chống dịch”, bác sĩ Hùng nói.

TẠM GÁC HẠNH PHÚC RIÊNG TƯ

Nhắc đến điều dưỡng Nguyễn Anh Tuấn (SN 1992), Khoa Hồi sức cấp cứu, các đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế huyện Long Điền đều dành sự thán phục. Điều dưỡng Nguyễn Anh Tuấn là người 2 lần tình nguyện vào các khu cách ly tham gia chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. 

Mỗi đợt anh rời nhà, vào làm việc dài ngày trong khu cách ly đều chất chứa những nỗi niềm. Đợt đầu, anh nhận nhiệm vụ tại khu cách ly ở khách sạn Hoa Phượng Đỏ, TP. Vũng Tàu (cuối tháng 7/2020). Lúc đó, vợ anh đang mang thai tháng thứ 7 đứa con đầu lòng. 3 tháng sau, khi con trai hơn 1 tháng tuổi, anh lại tình nguyện vào khu cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền nhận nhiệm vụ. “Những ngày tôi đi làm nhiệm vụ, vợ tôi buồn lắm. Nhưng biết làm sao được, khi tình hình đang nóng bỏng, nhiều người cần mình, đành phải gác lại hạnh phúc riêng tư”, anh Tuấn nói. 

Tại khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Long Điền, anh Tuấn trực tiếp chăm sóc 9 bệnh nhân COVID là người Việt Nam từ nước ngoài về. Công việc trong khu cách ly tương đối bận rộn. Anh thường tranh thủ thời gian rảnh vào buổi tối, gọi điện về hỏi thăm sức khỏe vợ con và người thân. Vợ anh cũng thường xuyên gửi cho anh hình ảnh con ở nhà khỏe mạnh để tiếp thêm sức mạnh và cổ vũ tinh thần anh.

BỆNH VIỆN LÀ “NHÀ”, BỆNH NHÂN LÀ NGƯỜI THÂN

Bác sĩ Dương Văn Muôn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Điền chia sẻ: “Từ lúc nhận lệnh tổ chức khu cách ly tập trung, đến khi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 48 giờ. Tất cả bệnh nhân đang điều trị phải dời đến Bệnh viện Bà Rịa. Toàn bộ nhân viên Trung tâm được huy động, để biến cơ sở vật chất của 6 khoa thành mô hình khép kín một chiều, với 68 phòng điều trị bệnh nhân COVID-19. Mọi việc được tiến hành khẩn trương và đến ngày hôm sau thì tất cả đã sẵn sàng”.

Trong suốt thời gian sau đó, Trung tâm với vỏn vẹn 18 bác sĩ, 15 điều dưỡng đã căng mình thực hiện 3 nhiệm vụ, vừa tổ chức khám ngoại trú, tham gia công tác phòng, chống dịch ở khu cách ly tại Trung đoàn Minh Đạm, vừa điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Trong số các ca nhiễm COVID-19 điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, có 2 bệnh nhân là trẻ em. Do ba mẹ các em không thể ở chung nên việc chăm sóc các em gặp nhiều khó khăn. Trung tâm đã phải bố trí cho các bé ở chung phòng với người bệnh đi cùng chuyến bay. Các nhân viên y tế cũng nỗ lực tiếp cận, gần gũi chăm sóc các bé. Với tinh thần quyết tâm cao, coi bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân, đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm đã hoàn thành nhiệm vụ, điều trị khỏi cho 38 bệnh nhân nhiễm COVID-19. 

Tết cổ truyền đang cận kề, cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp. Tạm gác lại những niềm vui cá nhân, đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh luôn trong tâm thế sẵn sàng cho cuộc chiến chống COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, góp phần mang lại cái Tết đầm ấm, bình yên cho cộng đồng. 

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.