.

"Nghỉ Tết không áp lực bài tập": Lan tỏa thông điệp nhân văn

Cập nhật: 19:07, 05/02/2021 (GMT+7)

Trong mấy ngày qua, chỉ đạo “Nghỉ Tết không áp lực bài tập” của Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của phụ huynh, HS và dư luận xã hội. Đây được đánh giá là một thông điệp nhân văn, đã và đang nhận được những phản hồi tích cực.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT thăm, chúc Tết  Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị (TX. Phú Mỹ).
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT thăm, chúc Tết Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị (TX. Phú Mỹ).

ĐỂ HỌC SINH CÓ KỲ NGHỈ TRỌN VẸN

“Nghỉ Tết không áp lực bài tập” được cho là một quyết định táo bạo và chưa từng có “tiền lệ”. Ngay sau khi Sở GD-ĐT công bố, quyết định trên đã nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ nhà giáo, phụ huynh, HS và dư luận xã hội. 

Ông Nguyễn Văn Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Đức (huyện Châu Đức) cho rằng, đây là một quyết định nhân văn, được ban hành trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu và mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho HS. “Thời gian nghỉ Tết 2 tuần không phải quá dài nên thầy cô, cha mẹ không cần lo lắng HS quên kiến thức. Đây là một kỳ nghỉ ý nghĩa để các em được vui chơi, giúp đỡ cha mẹ và sum họp, quây quần cùng gia đình”, ông Đạt phân tích. Theo ông Đạt, một kỳ nghỉ Tết không bài tập là điều bản thân ông và nhiều GV mong đợi từ lâu nhưng chưa dám thực hiện do chưa có tiền lệ. Tại Trường THCS Châu Đức, những năm trước đây, nhà trường mới chỉ quán triệt GV giao ít bài tập cho HS trong kỳ nghỉ Tết. Việc Sở GD-ĐT ban hành công văn chính thức chính là cơ sở để các trường thực hiện.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) cho rằng, việc GV giao nhiều bài tập cho HS trong kỳ nghỉ xuất phát từ bệnh thành tích. Bởi GV lo ngại sau kỳ nghỉ, HS quên kiến thức sẽ dẫn tới kết quả học tập, kiểm tra, đánh giá của các em nói riêng và của trường, lớp nói chung, thậm chí là “thương hiệu” của GV bị ảnh hưởng. Vì vậy, “nghỉ Tết không áp lực bài tập” chính là phương thuốc chữa bệnh thành tích một cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần hiệu quả. Nó giúp cho HS được tận hưởng niềm vui đón năm mới trọn vẹn bên gia đình, đồng thời cũng giúp GV nhận ra ý nghĩa thực sự của giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là cho HS cơ hội được trải nghiệm, phát triển kỹ năng mềm.

Có 2 con đang theo học tại Trường TH Hạ Long và THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), bà Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ: “Việc giao bài tập cho HS trong kỳ nghỉ Tết tạo nhiều áp lực, khiến các con không thể thoải mái vui chơi, nghỉ ngơi khi lúc nào cũng canh cánh chuyện bài vở. Với HS bậc TH và THCS, ý thức tự giác học tập chưa cao nên phần lớn phụ huynh vẫn phải theo dõi, kèm cặp. Do đó, việc giao bài tập về nhà dịp Tết không những gây áp lực cho các con mà còn gây cả áp lực cho ba mẹ. “Tôi và các con rất hào hứng với chủ trương nghỉ Tết không bài tập”, bà Hải Yến bày tỏ.

GV cần lắng nghe trẻ nhiều hơn và chú trọng hơn nữa tới sự phát triển toàn diện của HS chứ không chỉ là truyền thụ kiến thức sách vở.  Trong ảnh: Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) tổ chức Ngày hội bánh chưng, bánh tét.
GV cần lắng nghe trẻ nhiều hơn và chú trọng hơn nữa tới sự phát triển toàn diện của HS chứ không chỉ là truyền thụ kiến thức sách vở. Trong ảnh: Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) tổ chức Ngày hội bánh chưng, bánh tét.

HIỆU ỨNG TÍCH CỰC

Ngay sau khi ban hành, chủ trương “Nghỉ Tết không áp lực bài tập” của Sở GD-ĐT tỉnh đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và nhận được phản hồi tích cực của dư luận cả trong và ngoài tỉnh. Một người dùng Facebook bình luận: “Văn bản với căn cứ ban hành dựa trên sự sâu sắc, thấu hiểu, tình thương yêu của nhà giáo dành cho HS”. Người khác thì khẳng định: “Tôi đánh giá rất cao về tính nhân văn trong văn bản này của ngành GD-ĐT tỉnh BR-VT và khâm phục cá nhân Giám đốc Sở đã ban hành một văn bản mang tính giáo dục rất sâu sắc. Mong rằng ngành giáo dục các địa phương trên cả nước không nên tạo áp lực bài vở cho HS trong dịp Tết để các em có thời gian bên gia đình, trải nghiệm vui tết, đón xuân như nội dung văn bản đề cập”.

Cô giáo Hồ Thị Hoài Thu và các em HS lớp 2A6, Trường TH Trường Sơn (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) trong tiết đọc sách. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN.
Cô giáo Hồ Thị Hoài Thu và các em HS lớp 2A6, Trường TH Trường Sơn (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) trong tiết đọc sách. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ, bản thân bà rất bất ngờ trước sự lan tỏa của công văn trên. “Tôi nghĩ rằng đây là một việc làm nhỏ bé, với mong muốn giúp các em HS có được một cái Tết trọn vẹn”, bà Châu nói. Theo bà Châu, nhiều GV giao bài tập về nhà vì lo lắng HS mải chơi mà quên bài vở. Do vậy, cả GV, HS và phụ huynh đều cần nhìn nhận lại việc học tập và vui chơi của trẻ. Hãy để các con vui chơi thoải mái, trải nghiệm những ngày Tết cổ truyền bên gia đình và học những bài học bên ngoài cuộc sống. 

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản gửi Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc với thông điệp “Nghỉ Tết không áp lực bài tập”. Văn bản này viết: “Trong những năm qua, nhiều phụ huynh phàn nàn về số lượng bài tập thầy cô yêu cầu HS phải hoàn thành trong thời gian nghỉ Tết quá nhiều. Để HS không suy nghĩ với số bài tập trong thời gian nghỉ Tết, Sở GD-ĐT yêu cầu các Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý một số nội dung như sau: Bắt đầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trở đi, GV không giao bài tập cho HS trong thời gian nghỉ Tết”. 
Bên cạnh đó, văn bản cũng nêu rõ: “Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để HS có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết, hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ Tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, đảm bảo an toàn sức khỏe. GV dặn dò HS và phối hợp với phụ huynh, đến khi chuẩn bị hết kỳ nghỉ Tết (còn khoảng 1-2 ngày) hãy cùng con ôn lại công thức, quy tắc trong SGK và chuẩn bị bài kỹ trước khi đến lớp sau thời gian nghỉ Tết”.

Trước khi ban hành văn bản này, Sở đã trao đổi, bàn bạc với phòng chuyên môn và quyết định ra văn bản chính thức để các nhà trường có căn cứ triển khai. Đồng thời, văn bản cũng đưa ra giải pháp để cân đối hài hòa giữa tâm lý đội ngũ và mong muốn của phụ huynh, HS. Khi kỳ nghỉ sắp kết thúc, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, GV có thể nhắc nhở, hệ thống lại kiến thức để HS sẵn sàng đi học trở lại. Sở GD-ĐT cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các nhà trường trong việc kiểm tra, đánh giá HS sau kỳ nghỉ Tết. 

Bà Châu cho biết thêm, ngành sẽ lắng nghe phản hồi của dư luận để kịp thời điều chỉnh trong việc thực hiện chủ trương này. “Điều ngành GD-ĐT mong muốn là GV lắng nghe trẻ nhiều hơn và chú trọng hơn nữa tới sự phát triển toàn diện của HS chứ không đơn giản là truyền thụ kiến thức sách vở”, bà Châu nói thêm.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.