Gặp gỡ cô học trò nhiều ý tưởng sáng tạo
Bắt đầu tham gia sáng tạo khoa học - kỹ thuật (KH-KT) khi đang là HS lớp 9, Đinh Thị Giàu, HS lớp 11A2, trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ đã cùng bạn đồng hành sáng chế ra 5 dự án KH-KT, và đều đạt giải từ cấp huyện đến cấp tỉnh, thậm chí lọt vào vòng chung kết chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 của Trung ương Đoàn. Đinh Thị Giàu là đại diện duy nhất của tỉnh BR-VT trong số 154 bạn trẻ toàn quốc được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.
Đinh Thị Giàu và Lữ Xuân Minh lọt vào vòng chung kết chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức với thiết kế “Bàn học chữ nổi đa năng dành cho HS khiếm thị”. |
NHỮNG Ý TƯỞNG HAY…
Kể về “mối duyên” đến với việc tham gia thực hiện các sáng kiến kỹ thuật, Giàu cho biết, khi đang học lớp 9, GV dạy Lý đã hướng dẫn em và một HS khác thực hiện sản phẩm đầu tiên “máy rửa xe mini”.
Chiếc máy này được cấu tạo khá đơn giản, gồm: ắc quy; mô tơ (tái chế từ xe máy điện, xe đạp điện), công tắc nguồn, van chỉnh áp, súng phun, ống áp lực, van khóa, bộ phận lọc nước có chức năng ngăn chặn rác, cặn bẩn. Ngoài tác dụng rửa xe, máy còn có thể dùng tưới cây, lau sàn nhà hoặc tắm cho động vật…
Giàu chia sẻ: Lúc đó em chưa biết nhiều về sáng kiến kỹ thuật, nhưng cũng háo hức tham gia để học hỏi. Sản phẩm đó đã đạt giải nhì Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp huyện. Đó là “chất xúc tác” để em tiếp tục phát triển các ý tưởng sáng tạo sau này.
Các năm học tiếp theo, Giàu đều tích cực tham gia các hội thi sáng tạo KH-KT. Năm học lớp 10, Giàu đạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi sáng tạo KH-KT dành cho HS trung học năm 2019 - 2020 do Sở GD&ĐT tổ chức với sản phẩm “Hệ thống an ninh ngụy trang”. Hệ thống gồm cảm biến vân tay, còi chống trộm, cảm biến rung... Qua cuộc thi, sản phẩm nhận được những nhận xét, đóng góp của ban giám khảo về những hạn chế, Giàu đã cùng Lữ Xuân Minh (bạn cùng lớp) tiếp tục phát triển hoàn thiện sản phẩm và tham gia hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2019 - 2020 với tên gọi “Hệ thống an ninh ngụy trang đa cấp - “Your system - Your design” (tạm dịch: Hệ thống của bạn-Thiết kế của bạn).
Giàu giải thích: Ngụy trang là lắp đặt các thiết bị an ninh ở vị trí mà trộm khó phát hiện. Đa cấp: lắp đặt thiết bị an ninh theo nhu cầu và mục đích sử dụng, không quan ngại về điều kiện kinh tế. Còn your design là người chủ được tự do thiết kế theo mục đích sử dụng qua tư vấn của chuyên gia là nhà sản xuất. Bằng cách tích hợp các thiết bị ngoại vi trên cùng một hệ thống, các em đã tạo ra bộ khóa thông minh, có thể mở được bằng 3 cách: thẻ từ, vân tay hoặc smart phone (điện thoại thông minh trên ứng dụng BLYNK). Trong trường hợp thẻ từ bị mất có thể khóa thẻ trên điện thoại, người sử dụng có thể dùng smartphone để khóa thẻ, tránh tình trạng bị đột nhập. Hệ thống báo động được cài đặt 3 mức độ để nâng cao tính bảo mật... Qua đó, giúp tăng hiệu quả của hệ thống an ninh ngụy trang đa cấp này.
…VÀ NHỮNG SÁNG KIẾN NHÂN VĂN
Năm học lớp 11, mặc dù việc học bận rộn nhưng Giàu đã phối hợp với Lữ Xuân Minh thiết kế “Bàn học chữ nổi đa năng dành cho HS khiếm thị”. Dự án gồm một bàn chữ nổi có 18 ô ký tự, hoạt động dựa trên nguyên lý đóng ngắt của rơ-le có khả năng hiển thị các nội dung GV viết và truyền đạt, chỉ cần có dữ liệu dạng văn bản gửi từ bộ phận quản lý của người dạy. Hệ thống quan sát bằng camera được lắp ở mỗi bàn học để quản lý HS tiện hơn. GV có thể nhắc nhở HS và dạy cho từng em ở xa bằng loa - Mic bluetooth. Hơn nữa, bàn học còn có nút báo gọi GV để nhờ giúp đỡ khi cần thiết. Với việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy cho HS khiếm thị, sáng kiến “Bàn học chữ nổi đa năng dành cho HS khiếm thị” đã khắc phục những hạn chế của việc dùng sách chữ nổi, mang lại hiệu quả cao hơn trong giảng dạy và học tập; rút ngắn khoảng cách giữa GV và HS.
Dự án này đã đưa 2 em lọt vào vòng chung kết chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức và là thí sinh trẻ tuổi nhất trong cuộc thi. Nói về dự án này, Giàu cho hay, sau một vài hoạt động thiện nguyện đến các trường cho HS khiếm thị, em muốn chia sẻ với các bạn, để các bạn đỡ thiệt thòi. Sau thành công của “Bàn học chữ nổi”, Giàu và Minh tiếp tục viết “Phần mềm tự học tiếng Anh dành cho người khiếm thị - efoB ”. Mặc dù chưa hề được học viết phần mềm, hai em đã lên mạng để tự học, nhờ thầy cô hỗ trợ giải đáp những vướng mắc trong quá trình viết. Sau hơn nửa năm vừa mày mò học vừa thực hiện, phần mềm hoàn thành với giải 3 hội thi sáng tạo KH-KT do Sở GD-ĐT tổ chức.
Chia sẻ về dự định tương lai, Giàu cho biết muốn học ngành Kinh tế đối ngoại hoặc Quan hệ công chúng, trước mắt, em tiếp tục thực hiện những dự định của mình, đặc biệt là tiếp tục phát triển các sáng tạo liên quan đến người khiếm thị.
Cô Trần Thị Thảo Trang, GVCN lớp 11A2 đã giành những lời nhận xét “có cánh” về cô học trò của mình: Đinh Thị Giàu là một cô học trò thông minh và năng động. Ngoài thành tích học tập đáng nể 11 năm học sinh giỏi, em còn chịu khó nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích, mang tính ứng dụng cao. Em học giỏi đều các môn, luôn năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào của trường, của lớp.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH