.

Lặng thầm trên tuyến đầu chống dịch

Cập nhật: 19:00, 26/02/2021 (GMT+7)

Những ngày ròng rã làm nhiệm vụ trong khu điều trị cách ly cảm giác như dài đằng đẵng, bởi nỗi nhớ gia đình da diết, khao khát mong chờ ngày gặp lại vợ con. Rồi những đêm thức trắng mất ăn, mất ngủ bởi biết bao lo lắng khi lần đầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đó là những nỗi niềm của các y, bác sĩ “tuyến đầu” trực tiếp tham gia vào công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phi (ngoài cùng bên trái), Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phi (ngoài cùng bên trái), Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

GÁC NỖI NIỀM RIÊNG

Trong số 57 bệnh nhân COVID-19 được cách ly, chữa khỏi bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền thì có tới 50 trường hợp do bác sĩ Nguyễn Văn Định, Trưởng Khoa Cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Long Điền) trực tiếp chăm sóc và điều trị. Từ tháng 8/2020 đến cuối tháng 1/2021, anh đã có tới 4 đợt tham gia điều trị cho bệnh nhân trong cơ sở cách ly điều trị. Mỗi đợt vào làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 anh Định phải xa gia đình, vợ con cả tháng trời. Nỗi nhớ nhà da diết, biết bao muộn phiền vì lo cho vợ phải một mình xoay xở việc nhà, chăm sóc cho con nhỏ, nhưng anh phải đành gác lại niềm riêng để dồn tâm, sức cho công việc ở đây. “Chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng các trang bị bảo hộ, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chống nhiễm khuẩn chéo trong khu cách ly, bởi chỉ cần một chút sơ sểnh thì hậu quả khôn lường”, bác sĩ Định bày tỏ.

Kể về những vất vả của đội ngũ bác sĩ khi trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Định cho hay, trong những đợt điều trị cho bệnh nhân COVID-19, thì đợt 3 (khoảng tháng 3/2020) là đợt điều trị khiến anh lo âu nhiều nhất. Đến bây giờ kể lại, trên gương mặt anh vẫn còn lộ rõ những lo lắng, hồi hộp khi chữa trị cho những bệnh nhân này. Bởi thời điểm đó, Trung tâm Y tế huyện Long Điền tiếp nhận 15 bệnh nhân COVID-19 là những công dân Việt Nam từ Pháp trở về nước. Trong đó, nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh phổi, tim mạch, ung thư…Vì vậy, công tác chăm sóc, điều trị của bác sĩ gặp nhiều áp lực, vất vả gấp nhiều lần so với những bệnh nhân khác. Thậm chí có một bệnh nhân 72 tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và tăng huyết áp phải điều trị tới 40 ngày mới lành bệnh.

BÁC SĨ NGUYỄN VĂN PHI,
TRƯỞNG KHOA TRUYỀN NHIỄM BV BÀ RỊA
Bác sĩ đầu tiên của bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Phi, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Bà Rịa) là một trong những nhân viên y tế đi đầu trong công tác phòng, chống bệnh COVID-19 tỉnh. Ngay từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán, cho đến khi có ca nhiễm xâm nhập vào nước ta, bác sĩ Phi được BV Bà Rịa giao nhiệm vụ phụ trách công tác phòng, chống dịch cho đơn vị. Vì vậy, anh đã chủ động tham mưu cho BV Bà Rịa xây dựng phương án phân luồng, đo thân nhiệt, bố trí dung dịch sát khuẩn… cho bệnh nhân đến khám tại BV. Anh đề xuất với lãnh đạo BV sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất của Khoa Truyền nhiễm làm nơi khám bệnh cho những trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, cách ly và điều trị cho những bệnh nhân. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo nên khi có bệnh nhân COVID-19 đầu tiên (giữa tháng 6/2020), BV Bà Rịa không bất ngờ và lúng túng trong sắp xếp khu cách ly, điều trị cho người bệnh. Bác sĩ Phi còn lên kế hoạch phân công nhân lực thực hiện công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Đặc biệt trong tháng 6/2020, khi vừa tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên thì mấy ngày sau Khoa Truyền nhiễm còn có thêm 9 bệnh nhân khác chuyển đến điều trị. Đây cũng những bệnh nhân đầu tiên được bác sĩ Phi điều trị. Trong 10 bệnh nhân COVID-19 do anh điều trị thì có tới 5 người có tổn thương phổi. Vì vậy, anh thường xuyên chỉ định chụp XQ phổi cho người bệnh để theo dõi tình hình sức khỏe và điều trị dự phòng kháng sinh, phòng bội nhiễm vi rút khác.
Sau khi hết đợt điều trị bệnh nhân COVID-19, anh còn đến các cơ sở y tế các địa phương trong tỉnh để hỗ trợ, tư vấn các biện pháp phòng chống dịch; hỗ trợ đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế huyện Long Điền chữa trị các ca COVID-19 sau này; khám sàng lọc cho những trường hợp trong khu cách ly tập trung nghi ngờ nhiễm bệnh.
Với những công lao đóng góp nói trên, đầu năm 2021, bác sĩ Phi đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 năm 2020.

Biết bao nỗi lo chất chứa, nhưng bác sĩ Định vẫn phải luôn giữ tinh thần, cứng cỏi trong mọi tình huống để làm “chỗ dựa” cho những bệnh nhân COVID-19. “Bản thân mình phải đồng cảm, thấu hiểu được những lo lắng của bệnh nhân, từ đó mới có thể giúp họ ổn định tư tưởng và tâm lý để chữa bệnh”, bác sĩ Định nói.

Phải xa nhà, sống tách biệt với môi trường sống xung quanh cả tháng trời, khiến cô điều dưỡng trẻ Nguyễn Phan Phương Linh, Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Long Điền) không khỏi mong chờ giây phút được trở về nhà; mặc dù ban đầu cô tình nguyện xung phong làm nhiệm vụ trong khu cách ly. Nhưng rồi công việc cứ cuốn lấy cô, khỏa lấp hết nỗi trống vắng, nhớ mong gia đình. “Những lúc nhớ bố mẹ, tôi tranh thủ gọi điện, nhắn tin vào buổi tối, sau 21 giờ khi đã làm xong các công việc. Mỗi lần gọi điện về nhà tôi lại phải động viên ngược người nhà để ba mẹ hiểu công việc của tôi trong này và đừng quá lo lắng”, Điều dưỡng Linh bộc bạch.

Trong đợt cao điểm điều trị bệnh COVID-19, vất vả, áp lực là vậy nhưng đối với những y bác sĩ “tuyến đầu” niềm vui hạnh phúc vẫn đong đầy, đó là khi chứng kiến những bệnh nhân COVID-19 lần lượt được điều trị và xuất viện. “Hạnh phúc nhất là sau đợt điều trị nhận được trong tay kết quả xét nghiệm âm tính SARS-Cov-2 của bệnh nhân”, bác sĩ Định chia sẻ.

PHÍA SAU CÁNH CỬA PHÒNG XÉT NGHIỆM

Trong “tuyến đầu” chống dịch COVID-19, phải kể những nhân viên y tế lặng thầm làm công việc phía sau cánh cửa phòng xét nghiệm COVID-19. Họ cũng sẵn sàng “trực chiến” dù đêm khuya hay sáng sớm, để lấy mẫu xét nghiệm ngay khi có trường hợp nghi ngờ COVID-19 được phát hiện. Công việc của họ đòi hỏi tỉ mỉ, thận trọng và cũng không kém vất vả, cực nhọc. Mỗi lần phải ở trong phòng xét nghiệm khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ với bộ quần áo bảo hộ kín mít và luôn phải tập trung cao độ để có kết quả chính xác. Công việc luôn đòi hỏi họ không được phép nhầm lẫn. Bởi việc sớm có kết quả xét nghiệm chính xác có vai trò rất quan trọng để có thể nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly đặc biệt ngay từ những giờ đầu và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn là căn cứ xác định ổ dịch để khoanh vùng, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm…

Từ đầu năm 2020 cho đến nay, ngành y tế tỉnh đã huy động khoảng 200 nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài làm công tác khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại 2 cơ sở điều trị ở BV Bà Rịa và Trung tâm Y tế huyện Long Điền, nhân viên y tế của ngành còn thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID, giám sát và truy vết ở cộng đồng các trường hợp trở về từ vùng có dịch...

Chia sẻ những vất vả, nỗi niềm của những người làm công tác phòng chống dịch, chị Nguyễn Liêm Hiếu, trực xét nghiệm COVID-19, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (CDC) cho hay, trong những ngày “trực chiến” COVID-19, chị em trong đội đa phần là phụ nữ đã có gia đình, nhưng ai cũng hết mình với công việc, không để chậm trễ giây phút nào, bởi chống dịch như chống giặc, nhất là công tác xét nghiệm càng phải nhanh và chính xác. “Những ngày làm xét nghiệm sàng lọc là vất vả nhất; cả đội xét nghiệm của tôi gồm 8 người phải có mặt ở CDC từ 6 giờ sáng và làm xuyên trưa cho đến 4 giờ chiều chúng tôi mới ngơi nghỉ một chút để ăn cơm. Thời gian cao điểm của dịch bệnh, chúng tôi phải “trực chiến” liên tục, gần như không có thời gian để chăm lo cho gia đình. Các con tôi, một bé lớp 7, bé lớp 4 đều trông vào ông xã chăm lo. Hạnh phúc là tôi có được chồng và các con thấu hiểu, thông cảm cho công việc của mình”, chị Hiếu trải lòng.

MINH THIÊN-HOÀNG HƯỜNG

.
.
.