.
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27/2

Nếu ngại thì không làm được bác sĩ tâm thần

Cập nhật: 10:46, 27/02/2021 (GMT+7)

Không giống như ở các bệnh viện khác, các y, bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh phải đảm nhiệm nhiều vai trò. Vừa là người điều trị bệnh, đội ngũ nhân viên ở đây còn là người thân, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ bệnh nhân trong cuộc sống khi đa phần bệnh nhân phải điều trị dài ngày.

Bác sĩ Võ Quốc, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) khám bệnh cho một trường hợp mắc bệnh trầm cảm.
Bác sĩ Võ Quốc, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) khám bệnh cho một trường hợp mắc bệnh trầm cảm.

LÀM BÁC SĨ TÂM THẦN PHẢI… DŨNG CẢM

Cách đây 3 tuần, một bệnh nhân (BN) nam 18 tuổi, bị bệnh tâm thần phân liệt, được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Tâm thần tỉnh trong trạng thái hoảng loạn và kích động. BN không chịu nằm yên trên giường bệnh để bác sĩ Võ Quốc, Trưởng Khoa Cấp cứu thăm khám. Thay vào đó, BN bỏ chạy ra khỏi phòng bệnh và đòi về nhà.  Lúc đó, cả bác sĩ Quốc cùng 4 nhân viên của bệnh viện phải vây bắt BN và nhẹ nhàng làm công tác tư tưởng, khi đó người bệnh mới nghe lời và hợp tác cho bác sĩ khám. Bác sĩ Quốc cho biết, những trường hợp như ông vừa kể xảy ra như cơm bữa tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Vì vậy, khi gặp các BN có biểu hiện đòi tự tử, kích động, đập phá… thì việc tiếp nhận người bệnh mất nhiều thời gian và vất vả hơn các BN thông thường. Nhân viên y tế phải ổn định tâm lý cho BN, sau đó mới thực hiện công tác khám, điều trị.

“Nếu bác sĩ nào thấy ngại, thấy sợ về sự manh động của BN thì không thể gắn bó được với Bệnh viện Tâm thần. Ai bám trụ lại được với bệnh viện đều là những người… dũng cảm!”, bác sĩ Quốc nói. Chính vì dám đương đầu với những khó khăn, vất vả và dành nhiều tình thương cho những BN đặc biệt này nên khi đang công tác tại Bệnh viện Bà Rịa, năm 2008, bác sĩ Quốc xin chuyển về Bệnh viện Tâm thần tỉnh khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bác sĩ Quốc chia sẻ, trước đó ông học chuyên ngành bác sĩ đa khoa, nhưng trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Bà Rịa, ông đăng ký học lớp định hướng phát triển chuyên môn về bệnh tâm thần trong thời gian 3 tháng. Vì vậy, việc ông chuyển công tác về Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng phù hợp với định hướng chuyên môn trong tương lai. Từ khi về Bệnh viện Tâm thần tỉnh đến nay đã hơn 13 năm, không ít lần bác sĩ Quốc đối mặt với những khó khăn, áp lực, nhưng chưa một lần có ý định chuyển công tác sang đơn vị khác.

Hiện Khoa Cấp cứu có 5 bác sĩ, nhưng chỉ có 2 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, đủ điều kiện khám và điều trị cho BN. Vì thế, công việc của bác sĩ Quốc thường rất bận rộn. Trung bình mỗi ca trực, bác sĩ khám và điều trị cho khoảng 100 BN, cùng các công tác hành chính và quản lý khoa. Nhưng bù lại, niềm vui và hạnh phúc với nghề mà ông có được là các BN tâm thần đỡ bệnh, về nhà hòa nhập với cuộc sống gia đình.

“Khi mới vào bệnh viện, BN tâm thần thường rất hung dữ, manh động, thiếu kiểm soát hành vi nhưng khi được điều trị tâm lý ổn định thì họ cũng hiền lành và dễ gần. Các BN tâm thần hay phải vào bệnh viện điều trị nêu tôi nhớ mặt, nhớ tên hết. Thấy họ lên cơn, tôi cũng thấy thương BN như người nhà họ thương họ vậy”, bác sĩ Quốc nói thêm.

COI BỆNH NHÂN NHƯ NGƯỜI NHÀ

Còn y sĩ Lê Thị Thúy Lành, Khoa Điều trị nội trú nam “bén duyên” với Bệnh viện Tâm thần tỉnh ngay sau đợt thực tập tốt nghiệp năm 2007 khi chị đang học năm cuối của Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh. Nhà chị ở Gia Lai, nhưng khi ra trường, chị liền nộp hồ sơ dự tuyển vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh mà không một chút băn khoăn. Chị Lành kể, do có thời gian thực tập được làm quen với BN tâm thần nên khi bắt tay vào công việc chính thức chị không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi khi bị người bệnh chửi mắng hay tấn công. Theo chị Lành, ngoài chuyên môn, yếu tố tâm lý cũng góp phần quan trọng trong việc chữa trị BN tâm thần. Đôi khi các nhân viên y tế phải “hóa thân” thành người nhà, người bệnh để cùng nói, cười, tâm sự, dỗ dành họ ăn, uống thuốc, đi ngủ đứng giờ...

“Đã bao nhiều lần tôi và đồng nghiệp bị BN chửi mắng nhưng chính những lúc ấy, tôi thấy cảm thương họ hơn mà không hề giận dữ. Khi BN lên cơn, họ manh động, hành hung và không hợp tác thì tôi thường nhờ các đồng nghiệp nam hỗ trợ. Nhờ vậy, tôi chưa bị BN đánh lần nào”, chị Lành chia sẻ.

Không như BN ở các bệnh viện khác, các BN tâm thần phải điều trị nội trú thường xuyên và dài ngày, có khi thời gian nằm viện kéo dài hơn 1 tháng, không có người nhà chăm sóc. Vì vậy, nhân viên y tế ở đây trở thành những người thân của họ. Chị Lành cho hay, trung bình mỗi ngày chị chăm sóc cho 10 BN tâm thần. Ngoài thực hiện y lệnh của bác sĩ, chị còn thuộc lòng lý lịch, thông tin tiểu sử của người bệnh và gia đình người bệnh. Điều này sẽ giúp chị hiểu hơn về tình hình bệnh tật, hoàn cảnh gia đình để có sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ cho người bệnh. Ngoài ra, chị cũng không ái ngại khi giúp BN nam ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân... Với chị, công việc này cần có sự kiên trì, nhẹ nhàng và tình thương dành cho BN thì mới làm tốt được việc. Chị Lành nói thêm: “Những lúc nhàn rỗi, tôi cũng thường trò chuyện với BN tỉnh táo. Nhiều người bệnh đã chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, nỗi đau bệnh tật và cả những ước mơ trong cuộc sống khiến tôi cảm động. Tôi mong rằng công việc của mình sẽ góp phần mang lại cho họ sức khỏe tốt hơn và được trở về với gia đình”.

Bác sĩ Hồ Lộc, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, đơn vị có 143 viên chức, người lao động. Mặc dù thời gian qua, tỉnh và ngành y tế đã có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ nhưng bệnh viện không có bác sĩ nào về công tác. Mặt khác, do đặc thù công việc, một số bác sĩ về công tác một thời gian ngắn lại xin chuyển nơi khác, phần vì thu nhập còn thấp, phần vì áp lực công việc và những lời dị nghị là “bác sĩ tâm thần”. Tính đến nay, bệnh viện còn thiếu 25 bác sĩ. Vì vậy, Bệnh viện Tâm thần tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khám và điều trị cho BN. Nhưng với đội ngũ y, bác sĩ hiện có đều là những người yêu nghề, có trái tim đồng cảm với BN tâm thần nên họ vẫn tiếp tục gắn bó với Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Cùng với sự đoàn kết, nỗ lực và hỗ trợ nhau trong công tác của đội ngũ y, bác sĩ đã giúp bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong năm 2020, bệnh viện đã khám cho hơn 48.400 lượt BN, đạt 107% kế hoạch; điều trị nội trú cho gần 2.350 BN, đạt 140% kế hoạch; công suất sử dụng giường bệnh đạt 131%... Bệnh viện đã thực hiện được 270 kỹ thuật, trong đó năm 2020, đơn vị triển khai 4 kỹ thuật mới về tâm thần nhi, gồm: xử trí trạng thái loạn trương lực cơ cấp, xử trí người bệnh kích động, xử trí người bệnh không ăn và ngộ độc thuốc hướng thần.

“Chúng tôi mong rằng thời gian tới ngành y tế tỉnh ưu tiên điều động bổ sung cho Bệnh viện Tâm thần tỉnh thêm bác sĩ để giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh cho BN; đồng thời có chế độ chính sách đặc biệt để thu hút, giữ chân đội ngũ bác sĩ về công tác tại bệnh viện”, bác sĩ Lộc kiến nghị.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.