.

Suýt mù mắt do biến chứng đái tháo đường diễn tiến nhanh

Cập nhật: 20:34, 11/12/2020 (GMT+7)

Đục thủy tinh thể là biến chứng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường. Bệnh diễn tiến nhanh và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

BS. CKI. Trần Hiếu khám cho người bệnh.
BS. CKI. Trần Hiếu khám cho người bệnh.

Tăng đường huyết làm tổn thương các mạch máu

Đái tháo đường làm tăng đường huyết do khiếm khuyết về khả năng tiết insulin (đái tháo đường type 1), do đề kháng insulin (đái tháo đường type 2) hoặc cả hai tình trạng này. Đái tháo đường gây rối loạn các quá trình chuyển hóa, trao đổi chất của cơ thể. Đặc biệt, tăng đường huyết mạn tính ở người bệnh đái tháo đường làm tổn thương các mạch máu lớn và máu nhỏ (vi mạch), dẫn tới các biến chứng ở các cơ quan đích như não, thận, tim, mắt, thần kinh ngoại biên. Do đó, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mù lòa, suy thận, đoạn chi do nhiễm trùng hoại tử… nếu không kiểm soát đường huyết tốt.

Đục thủy tinh thể là biến chứng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường

Đục thủy tinh thể là biến chứng bệnh lý mạch máu nhỏ phổ biến ở người bệnh đái tháo đường. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người bệnh đái tháo đường trên 60 tuổi bị đục thủy tinh thể khoảng 90% với các triệu chứng thường gặp như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng (chói mắt khi nhìn ánh sáng), nhìn một thành hai (song thị) hoặc nhiều hình, thấy màu sắc có vẻ nhạt hơn… Diễn tiến bệnh đục thủy tinh thể ở người đái tháo đường thường nhanh hơn rất nhiều so với người bình thường, chỉ tính hằng tháng thay vì tính bằng năm như ở người bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ mù lòa rất cao.

Phẫu thuật đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường phức tạp

Điển hình cho tình trạng đái tháo đường gây biến chứng đục thủy tinh thể diễn tiến nhanh là trường hợp người bệnh L.B.Q (47 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Gần đây anh Q. cảm thấy mắt bị mờ hẳn. Nghĩ mắt mình đã bắt đầu lão hóa, anh chỉ tự chăm sóc bằng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, tình trạng thị lực ngày một tệ đi, đến mức anh chỉ có thể nhìn thấy bóng bàn tay khua trước mặt (thị lực bóng bàn tay), anh mới đến bệnh viện. Tại bệnh viện Gia An 115, người bệnh Q. cho biết bản thân có tiền sử đái tháo đường, đã phát hiện đục thủy tinh thể nhưng do đường huyết cao, huyết áp không ổn định nên chưa phẫu thuật. Sau đó, do công việc bận rộn nên anh ngưng điều trị. Với tâm lý chủ quan, anh nghĩ đục thủy tinh thể thì cũng vài năm nữa mới mờ mắt. Nào ngờ, chỉ vài tháng sau, anh nhanh chóng rơi vào tình trạng giảm thị lực trầm trọng.

BS. CKI. Trần Hiếu, Khoa Liên Chuyên khoa, Bệnh viện Gia An 115 đánh giá trường hợp của anh Q. cần được phẫu thuật thuật tán nhuyễn thể thủy tinh đục bằng siêu âm (Phaco) kết hợp đặt thể thủy tinh nhân tạo (IOL) ngay để tránh dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Tuy nhiên, đường huyết của anh Q. không ổn định, tăng nguy cơ biến chứng, tai biến phẫu thuật. Để chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật, bác sĩ Hiếu đã phối hợp với các bác sĩ nội tiết của bệnh viện để điều trị kiểm soát đường huyết trước phẫu thuật.

Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, gói gọn trong khoảng 10 phút can thiệp. Hiện tại thị lực của bệnh nhân đã phục hồi tốt 10/10. BS. CKI. Trần Hiếu chia sẻ, may mắn ở trường hợp này là đáy mắt bệnh nhân còn tốt, nếu bệnh đái tháo đường tiến triển làm tổn thương đáy mắt thì đôi khi thị lực sẽ không thể phục hồi tốt dù được phẫu thuật.

Tự ý điều trị có thể dẫn tới mù lòa

BS. CKI. Trần Hiếu khuyến cáo, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng mờ mắt, nhìn song ảnh, mỏi mắt, khô mắt, thị lực giảm… người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị. Việc điều trị chậm trễ sẽ khiến người bệnh bị tăng nhãn áp, bị vỡ bao dẫn đến phản ứng viêm màng bồ đào… và làm tăng nguy cơ mù lòa.

Nhiều người khi có các triệu chứng mỏi mắt, khô mắt, mờ mắt… thường tự ra hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt về dùng. Đây là thói quen xấu. Chẳng hạn, nếu người bệnh lạm dụng thuốc tra mắt, nhỏ mắt có chứa kháng sinh hoặc corticoid vốn thường dùng điều trị một số bệnh về mắt như viêm bờ mi, viêm giác mạc… mà không theo chỉ định của bác sĩ thì có thể làm tăng nhãn áp, làm tăng thêm tình trạng đục thủy tinh thể, tổn hại thần kinh thị giác, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn. 

Phẫu thuật Phaco trị đục thủy tinh thể - an toàn, ít biến chứng

BS. CKI. Trần Hiếu cho biết, phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification) dùng năng lượng sóng âm để tách và tán nhuyễn thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ, sau đó hút ra ngoài, cuối cùng thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo (kính nội nhãn-IOL). Đây là phẫu thuật an toàn, ít biến chứng, hiệu quả cao. Vết mổ rất nhỏ và tự liền. Sau khi phẫu thuật, người bệnh nên tránh đồ cay, nóng và chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.

Phẫu thuật Phaco có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp đục thủy tinh thể, chỉ chống chỉ định ở các trường hợp đang viêm nhiễm tại mắt hoặc tình trạng toàn thân chưa cho phép phẫu thuật. Do đó, người bệnh đái tháo đường chỉ có thể tiến hành phẫu thuật này khi đường huyết đã được kiểm soát ổn định. Khi đã được phát hiện đục thủy tinh thể, người bệnh nên phẫu thuật càng sớm càng tốt để thị lực có thể hồi phục hoàn toàn. Phẫu thuật này đồng thời còn giúp giải quyết được những khiếm khuyết bẩm sinh của mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị… Nếu đục thủy tinh thể biến chứng sang glôcôm, thị lực sẽ hồi phục kém sau phẫu thuật, thậm chí không thể nhìn thấy.

Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý
* 3 bệnh lý ở mắt thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường là tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bệnh lý võng mạc đái tháo đường.
* Phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể được bảo hiểm y tế chi trả. Người bệnh nên đi khám khi có các triệu chứng cảnh báo đục thủy tinh thể hoặc khi có bất thường ở mắt, không nên tự ý dùng thuốc dễ gây hiệu quả đáng tiếc.

TRẦN NHUNG

.
.
.