.
TẠP BÚT

Xin mẹ dừng tiết kiệm

Cập nhật: 20:33, 11/12/2020 (GMT+7)

Mẹ tôi năm nay đã gần bảy mươi tuổi. Đã từng trải qua thời kỳ “ăn cơm độn, đốt đèn dầu” của những năm bao cấp đói kém nên chuyện mẹ luôn lo “tích cốc phòng cơ” cũng là điều dễ hiểu.

Từ bé, tôi chưa bao giờ thấy mẹ tiêu phí bất cứ thứ gì. Du lịch thì sau một, hai lần hiếm hoi đi Đà Lạt, Phú Quốc cùng cơ quan chị tôi, tình cờ biết được chi phí phải trả cho chuyến đi, những lần sau, dù chị em tôi có mua vé, đặt tour mẹ cũng nhất quyết chối từ. Cả năm, trừ những đám cưới xin bắt buộc phải đi, mẹ chẳng bao giờ bước chân tới bất cứ nhà hàng nào. Đồ ăn sáng mẹ luôn tự nấu ở nhà và mẹ gần như chưa từng một lần tự mua một bộ quần áo cho bản thân. Quần áo, đồ dùng cá nhân con cái mua biếu, mẹ cũng ít khi mặc tới.

Hầu hết người già đều tiết kiệm. Có một lần tôi cùng cô bạn tới thăm bố một chị cùng cơ quan, bị bệnh nặng. Nhà bác ấy rất to, vậy mà chúng tôi phải chật vật lắm mới lách được chân qua sân, chất đầy những đồ cũ hư hỏng. Dăm chiếc sọt rách, vài cái quạt hư, một đống gỗ vụn, gạch, đá và rất nhiều túi bịch nilon các loại, trông nhà bác, chẳng khác một vựa ve chai. Những thứ ấy, nghe nói bác nhặt nhạnh thu gom từ dãy phòng trọ cho thuê và nhà hàng xóm bỏ ra. Cô bạn đi cùng tôi còn trẻ nên đã rất bất ngờ, thậm chí bất bình khi biết chuyện này. Cô cứ hỏi đi hỏi lại: Bác ấy giàu thế, con cái  lại đã thành đạt cả, sao phải khổ thế? Sao phải tích trữ những thứ mà tới cả mấy người đi thuê phòng trọ, nghèo hơn bác rất nhiều cũng bỏ không dùng? Tôi không thể giải đáp chính xác những thắc mắc của cô ấy nhưng tôi cũng không ngạc nhiên. Nhà  tôi tuy chưa đến nỗi thành vựa ve chai như nhà bác nhưng từ cây sắt xây nhà, viên gạch men vỡ, tấm bạt ngăn bụi, tấm tôn quây cát, chiếc thùng đựng sơn cho tới bộ quần áo sờn, cái nón bảo hiểm đứt quai, chiếc tô mẻ cạnh bố, mẹ tôi cũng luôn muốn giữ lại, với lý do “nhỡ khi có việc”, có cái dùng hoặc giả nhỡ ai đó có việc cần thì mình sẽ mang cho. Giải thích thế nào bố mẹ cũng chẳng chịu nghe.

Chuyện sử dụng điện, nước của người già cũng thế. Nếu như người trẻ quá ỷ lại vào các thiết bị điện tử, chất đầy nhà những lò nướng điện, nồi chiên không dầu, máy xay đa năng,… thì người già từ máy lạnh, máy giặt tới bình tắm nóng lạnh, điện sáng cũng tiếc, không dùng. Về nhà, rất nhiều khi thấy mẹ lọ mọ làm việc trong bóng tối. Một nồi cơm nguội thường được hâm đi hấp lại mấy lần. Có món gì tươi ngon con cái mua về biếu, mẹ cũng cất đi, hoặc để đợi con cháu dâu rể về ăn chung hoặc vì món cũ vẫn còn. Tôi cảm thấy rất đau lòng. Tôi biết; bố, mẹ tiết kiệm tiền là để cho con cho cháu sau này. Thế nhưng tiết kiệm quá có khi lại thành ra hoang phí. Đọc sách, xem ti vi không đủ độ sáng thì hại mắt. Đồ ăn ôi, cũ, hết đát thì dễ sinh bệnh. Nước sinh hoạt hạn chế quá cũng dễ gây viêm gan, sỏi thận. Chưa kể những nguy cơ té ngã, chấn thương, đột quỵ khi tuổi già sức yếu mà không chịu thuê người giúp việc. Ai cũng biết “Tiết kiệm là quốc sách” nhưng tiết kiệm không đúng cách, hao phí công sức, thời gian, sức khỏe, sinh ốm đau bệnh tật vào người thì tiết kiệm thế lại thành ra hoang phí. Xét cho cùng chẳng hóa đơn mua sắm nào lớn bằng hóa đơn trị trọng bệnh, chẳng tài sản nào quý giá bằng sức khỏe con người.

AN AN

 
.
.
.