.

Mỗi cô, trò là một đại sứ văn hóa đọc

Cập nhật: 18:56, 04/12/2020 (GMT+7)

Trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp tỉnh năm 2020, Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) không chỉ đạt giải tập thể mà còn chiếm tới 4/20 giải cá nhân. Riêng em Nguyễn Ngọc Linh, HS lớp 7/7 đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp Quốc gia. Kết quả này là trái ngọt từ sự nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc ươm mầm, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho HS toàn trường.

Trường THCS Nguyễn An Ninh đoạt 4 giải cá nhân, trong đó có giải Nhất tại Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp tỉnh năm 2020.
Trường THCS Nguyễn An Ninh đoạt 4 giải cá nhân, trong đó có giải Nhất tại Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp tỉnh năm 2020.

NHỮNG CHIA SẺ ĐẦY XÚC CẢM

“Có những cuốn sách đọc rồi sẽ quên nhưng cũng có cuốn sách để lại cho ta ấn tượng sâu sắc, khó có thể phai mờ. Và đối với em, cuốn sách để lại cho em nhiều ấn tượng nhất là cuốn “Bàn có năm chỗ ngồi” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Em tin chắc rằng những ai đã đọc cuốn sách này cũng sẽ rất khó để quên được những diễn biến hài hước, những mâu thuẫn của nhóm bạn hay những thông điệp ý nghĩa về tình bạn? Những diễn biến, mâu thuẫn hay thông điệp ấy cũng chẳng xa xôi gì, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những điều ấy ở các trường học… và đó chính là tấm gương phản chiếu những điều quen thuộc cho biết bao người đã trải qua thời áo trắng”. Nguyễn Ngọc Linh, cô học trò lớp 7 Trường THCS Nguyễn An Ninh đã mở đầu bài viết về cuốn sách mà em yêu thích bằng những dòng giản dị mà đầy lôi cuốn.

Học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh đọc sách tại Thư viện xanh di động của trường trong giờ ra chơi.
Học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh đọc sách tại Thư viện xanh di động của trường trong giờ ra chơi.

Trong bài dự thi của mình, chỉ trong đôi ba dòng Linh đã khéo léo tóm tắt được cả một câu chuyện dài về những diễn biến chung quanh 5 người bạn với những cá tính và hoàn cảnh khác nhau trong một lớp học. Em còn say mê kể về những tình huống mà em cảm thấy thú vị, cũng như lồng ghép cảm xúc rất chân thực của mình về cuốn sách “không dành cho trẻ em, mà viết cho những ai đã từng là trẻ em” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bài viết của Ngọc Linh hồn nhiên, chân thực nhưng cũng có lúc vô cùng sâu sắc: “Văn phong tác giả thật phong phú, nhiều màu sắc, tạo nên một tác phẩm sặc sỡ, một câu chuyện như một thanh sô-cô-la đen hòa quyện vị đắng ngọt. Thanh sô-cô-la đen chứa đựng biết bao bài học quý giá về tình bạn…”.

Ngọc Linh chia sẻ: “Đây là cuốn sách em đã đọc từ những năm học tiểu học và vô cùng yêu thích. Khi cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được phát động, em đã dành hơn 10 ngày để vừa “nghiền ngẫm” lại cuốn sách, vừa suy nghĩ và viết nên cảm nhận của mình. Em mong muốn bài viết của mình sẽ góp phần lan tỏa, để mọi người biết tới một cuốn sách hay và đầy ý nghĩa này”.

Ngoài Ngọc Linh, trong cuộc thi năm nay, Trường THCS Nguyễn An Ninh còn có 3 HS đoạt giải cấp tỉnh: Em Trương Nguyễn Bảo Hân, HS lớp 7/7 đoạt giải Nhì với bài chia sẻ cảm nhận về cuốn “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư); em Lê Minh Anh, HS lớp 6/7 với bài viết về cuốn sách Tôi là Bê tô (Nguyễn Nhật Ánh) và em Nguyễn Nhật Khánh Linh, HS lớp 9/2 với bài chia sẻ về cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” cùng đoạt giải Khuyến khích.

KHƠI NGUỒN CẢM HỨNG VỀ TÌNH YÊU SÁCH

Tự nhận mình là một cô bé vốn không thích đọc sách, Ngọc Linh cho biết: “Giống như nhiều bạn cùng trang lứa, trước đây, em thích dành thời gian chơi với chiếc điện thoại hơn là đọc sách. Nhưng rồi, các thầy cô giáo chính là người khơi nguồn cảm hứng đọc sách trong em. Cô Huỳnh Thị Lệ Thu, GV chủ nhiệm năm lớp 4 đã tặng em cuốn “Bàn có năm chỗ ngồi”, cuốn sách đầu tiên đã mở ra cho em một chân trời mới, khiến em nhận ra sự thú vị trong mỗi trang sách. Còn cô Phạm Hồng Nguyên, GV chủ nhiệm năm lớp 6, người đã giúp em nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách bằng việc khích lệ chúng em thuyết trình trước lớp về cuốn sách mình yêu thích bằng tiếng Anh mỗi tuần… Ngoài ra, em còn yêu thích đọc sách hơn qua các cuộc giao lưu do nhà trường tổ chức. Ở đó, nhiều “khách mời” đã chia sẻ một trong những bí quyết thành công là nhờ đọc sách”.

Cô Phạm Hồng Nguyên, GV bộ môn Vật lý, Trường THCS Nguyễn An Ninh cho hay, muốn truyền cảm hứng, khơi nguồn đam mê đọc sách cho HS thì bản thân mỗi thầy cô phải có tình yêu với sách. Cô Hồng Nguyên mỗi ngày đều dành từ 30-60 phút để đọc sách. Cô Nguyên luôn khích lệ HS của mình tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để đọc sách, từ đó dần hình thành thói quen cho các em. Đồng thời, cô cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh động viên, tạo điều kiện cho con đọc sách. Cô Nguyên còn cùng với HS lên ý tưởng, chăm chút cho góc thư viện trong lớp học trở nên xinh xắn, ngăn nắp với những đầu sách được phân loại cẩn thận. Đặc biệt, mỗi tuần, cô Nguyên cho HS thuyết trình về những cuốn sách các em yêu thích bằng tiếng Anh.

Để ươm mầm đam mê với sách, tại Trường THCS Nguyễn An Ninh, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng một không gian thân thiện, ngập tràn “hơi thở” của sách. Cô Lê Thị Thúy Hằng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn An Ninh cho hay, hiện nay trong tất cả các phòng học của trường đều có sự hiện diện của những kệ sách. Liên đội trường còn tạo ra thư viện xanh di động là những chiếc xe chở sách để HS đọc vào giờ ra chơi. Ngay cổng trường, nhà trường xây dựng “Góc đọc sách thân thiện” để HS, thậm chí cả phụ huynh tranh thủ đọc sách vào trước và sau giờ học. Bên cạnh đó, nhà trường còn có một thư viện, được các em HS yêu mến gọi là “thư viện trà sữa” bởi không gian thoáng mát, thoải mái, được trang trí giống như một quán trà sữa, phù hợp với sở thích của HS. “Muốn truyền cảm hứng đọc sách cho HS, trước hết phải tạo ra không gian đọc thực sự thoải mái, cuốn hút để lôi cuốn các em”, cô Hằng nói. 

Ban Giám hiệu cũng như GV chủ nhiệm còn linh hoạt trong việc tổ chức tiết đọc sách và cập nhật những cuốn sách hay, ý nghĩa để giới thiệu tới các em. Theo cô Thúy Hằng, mỗi GV, mỗi HS phải trở thành một đại sứ văn hóa đọc. Tới đây, nhà trường sẽ tập hợp những HS có chung đam mê đọc sách để các em trở thành những “hạt nhân” trong việc lan tỏa tình yêu sách bằng cách giới thiệu, thuyết trình những cuốn sách hay dưới hình thức song ngữ cho HS toàn trường.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ VH-TT-DL tổ chức nhằm tạo ra sân chơi trí tuệ và thiết thực góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Ban Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh BR-VT đã nhận được 1.040 bài dự thi của 35 trường: TH, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; có 20 thí sinh đoạt giải cấp tỉnh, 1 thí sinh đoạt giải Khuyến khích tại Vòng chung kết toàn quốc.

KHÁNH CHI

.
.
.