Trong đời sống vợ chồng, đang yên đang lành, bỗng ầm ầm sóng gió nổi lên, thậm chí chén bát bay vèo vèo nữa, làm sao chịu trời cho thấu?
Minh họa: MINH SƠN |
Này, ta hãy quan sát một “ca” khá tiêu biểu đã được nhà văn Nhất Linh đưa vào tiểu thuyết Đoạn tuyệt. Rằng, đang vui cô vợ là Loan mới âu yếm hỏi chồng là Thân: “Năm nay cậu nghỉ mát nơi đâu?”. Thân quay lại lấy làm lạ về câu hỏi ấy, nhưng không trả lời. Loan cũng không hỏi gặng, cúi mình với ngắt một cánh hoa đặt trên môi, lẳng lơ nhìn Thân: “Em đố anh biết môi em ở đâu?”. Thấy chồng chưa có biểu hiện gì, nàng mỉm cười nói tiếp: “Môi em là đóa hồng này”. Dễ thương chưa? Hành động này còn dễ yêu hơn nữa: “Nàng dịu dàng đặt đóa hoa lên má Thân rồi nói: - Em hôn anh”. Chà, câu hỏi tình tứ, đáng yêu quá đi mất. Nếu bạn là Thân, bạn sẽ làm gì, trả lời thế nào cho đúng điệu?
Nào ngờ, dù vợ “bật đèn xanh”: “Em hôn anh” nhưng rồi đáng tiếc thay: “Không thấy Thân nói gì, nàng hơi ngượng vứt bông hoa xuống ao, rồi vơ vẩn đưa mắt nhìn mấy con cất vó lướt trên mặt ao trong và mấy gợn sóng vòng tròn từ từ lan to ra làm rung động bóng mây màu phớt hồng in đáy nước. “Trời hôm nay đẹp mình nhỉ?”. Thân đáp: “Trời thế này thì ngày mai nóng lắm đấy. Mợ đã bảo mua dầu xăng cho vào quạt máy chưa?”. “Chưa”. “Mợ thì việc gì cũng quên”. Mẩu đối thoại này, nghe ra chẳng đâu vào đâu cả. Người vợ đang ngọt ngào tình tứ chia sẻ tình cảm, tréo ngoe, người chồng lại nghĩ đến những vặt vãnh hằng ngày, “ông nói gà bà nói vịt” vì thế mới sinh chuyện. Ủa? Chỉ có vậy mà cũng ẩn giấu nguy cơ đùng đùng bão nổi? Có thể lắm. Người này bỗng dưng cảm nhận không gian đang thơ mộng trở nên lạnh tanh, chỉ vì một câu cắn đắn, chì chiết của người kia: “Mợ thì việc gì cũng quên”. Tự ái dồn dập. Không thèm trả lời. Đứng dậy bỏ phắt vào nhà. Hoặc cũng có thể gân cổ lên cãi. Tình huống nào cũng đáng tiếc.
Qua thí dụ này, ta có thể rút ra điều gì?
Đã vợ chồng, cho dù có thân mật, thân thiết, thân tình đến độ tưởng chừng như nhịp đập trong lồng ngực mình là trái tim của nửa kia và ngược lại thì việc cẩn trọng lời ăn tiếng nói cũng không thể xem nhẹ. Mâu thuẫn vợ chồng, lạ ghê, có những lúc họ tạo ra bão một cách kỳ cục, khó có thể tưởng tượng nổi khiến cho sự việc bé tẻo tèo teo chỉ có thể… giải quyết tại tòa án!
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết truyện ngắn Con ruồi, đọc lại vẫn thấy bất ngờ và cho thấy thêm một trong những nguyên nhân gây bão.
Rằng, “Vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, “đẹp” kinh khủng”. Khiếp quá! Anh ta khạc nhổ liên tục, cũng được đi nhưng khi cô vợ quan tâm, lo lắng đến hỏi: “Chết rồi! ở đâu ra vậy cà?”. Câu trả lời này mới tệ hại làm sao: “Còn ở đâu ra nữa? Ố! Tôi nhấm nhẳng: “Ố! Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à?”. Bình thường câu chụp mũ này là “xong phim” ngay tắp lự nhưng do anh chồng đang ốm nên cô vợ xuống nước xin lỗi, pha lại ly sữa khác, nhận lỗi do mình bất cẩn.
Mọi việc sẽ êm thấm nếu như người chồng không “cương” nữa nhưng rồi anh ta nóng nảy cắt ngang: “Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?”. Vợ tôi giật mình: “Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?” “Chứ không phải sao?”. “Không phải!”. A, còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt: “Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?”. Đấy! Tâm lý của con người ta vốn thế, xấu thế đấy! Hễ khi gặp chuyện không ưng ý thì lập tức họ lôi ra biết bao chuyện cũ rích cũ rơ từ đời tám hoánh ra mà “tấn công” nhau. Những chuyện đã quên nhưng lúc này lại nhớ rõ mồn một, cả hai lôi toẹt ra “tố” nhau cho đã nư đã ghét đặng chiếm phần thắng.
Cái sự trả treo này khiến cho câu chuyện lẽ ra chẳng là “cái đinh” gì lại lái theo chiều hướng kéo bão vào nhà. Khổ thân lắm. Ta hãy quan sát thêm một ca nữa. Đại khái, nhân vật Duyện trong truyện ngắn Nhà nghèo của nhà văn Tô Hoài một hôm đẹp trời, xong việc rồi, nằm ngêu ngao hát chơi dăm câu đỡ nhạt mồm nhạt miệng, bỗng cụt hứng vì ngay lúc ấy cô vợ lại quát con ầm ĩ. Anh ta nạt bảo im, cô vợ đay nghiến: “Nằm chỏng lên đấy, hát với hỏng được tích sự gì?”. Trời, người ta làm việc quần quật ngày đêm, mới ngơi lưng một chút mà “nó” dám nói thế à? Láo quá! Phải mắng ngay: “Tao bảo cho con què biết rằng hai cái bàn tay này mà rời việc độ mươi bữa là mẹ con nhà mày rã họng ra! Đừng có…”. Ối dào, thời mới thả thính nhau, dị tật ấy cũng đẹp, cũng xinh thế mà lúc này nỡ nào đem ra mỉa mai? Cô vợ uất quá, gào lên khóc, kể lể cực nhọc nuôi con như bù lại cho dị tật của mình, lẽ ra phải im đi, anh chồng lại chì chiết: “Mày đẻ lắm thì mày nuôi nhiều”. Nghe câu nói phủi sạch sành sanh trách nhiệm, cô vợ quyết ăn thua đủ: “Ối ông cả bà nhớn ơi! A, bấy lâu nay tôi nằm với… chó đấy a…”.
Qua thí dụ này, ta có thể rút ra điều gì?
“Một điều nhịn chín điều lành”, bao giờ cũng đúng. Cẩn trọng lời ăn tiếng nói ngay trong mái ấm của mình là điều chớ quên. Đơn giản mà hiệu quả. À, còn nhân vật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau màn đấu khẩu kịch liệt ấy thế nào nhỉ? Ừ, do không ai chịu ai, họ đồng tình ký đơn ly dị cho khỏe cái thân. Bằng chứng hùng hồn vẫn là con ruồi nằm trong ly sữa. “Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ. Ðặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hùng hục lấy muỗng vớt con ruồi ra. Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là… một mẩu lá trà”.
LÊ MINH QUỐC