.

Những gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 19:16, 25/11/2020 (GMT+7)

Gương mẫu đi đầu trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có tấm lòng nhân ái, hết lòng vì cộng đồng… Đó là phác thảo những nét cơ bản “chân dung” của 5 gương mặt đại diện người dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh BR-VT tham gia “Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II năm 2020” sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 đến 4/12/2020.

Bà Đào Thị Dương chăm sóc anh Dương Văn Lộc.
Bà Đào Thị Dương chăm sóc anh Dương Văn Lộc.

Trời xẩm tối, bà Đào Thị Dương (SN 1962, dân tộc Châu Ro, ngụ tổ 3, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) hối hả mang theo thức ăn vừa nấu chín đến cho cha con anh Dương Văn Lộc (SN 1970, ngụ cùng thôn). Năm 2011, vợ anh Lộc qua đời vì bệnh hiểm nghèo, để lại cô con gái Dương Thị Hồng Ân mới 3 tháng tuổi. Cách đây hơn 3 năm, anh Lộc lại bị tai biến, liệt nửa người. Từ đó, cuộc sống của cha con anh chủ yếu nhờ vào sự đùm bọc của bà con lối xóm. Thương cảm hoàn cảnh anh Lộc, từ đó đến nay, bà Dương nhận luôn việc cơm nước cho cha con anh và đưa đón cháu Ân đi học. “Hoàn cảnh cha con chú ấy cực khổ như vậy, mình có thể giúp được gì thì giúp thôi”, bà Dương nói về nghĩa cử cao đẹp của mình. Niềm vui đến với cha con anh khi đầu tháng 11, Bộ CHQS tỉnh đã bàn giao căn nhà nghĩa tình quân dân, trao tặng chiếc xe lăn cho anh và tặng học bổng “Nâng bước tương lai” cho cháu Ân với mức hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng cho đến hết lớp 12. 

Ở địa phương, bà Dương là người có uy tín trong đồng bào DTTS, đồng thời đảm nhiệm các vai trò cán bộ phụ nữ thôn, tổ trưởng tổ đoàn kết dân cư, cán bộ y tế từ năm 1998 đến nay. Bà luôn gương mẫu đi đầu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn kết cộng đồng và tuyên truyền, vận động bà con DTTS làm theo. Cuối năm 2016, UBND xã Đá Bạc triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại một số thôn trọng điểm, trong đó có thôn Lồ Ồ. Bà Dương đã cùng cán bộ thôn vận động người dân tại 4 tổ dân cư tham gia. Chiếc kẻng được bà đặt ngay trong sân nhà, khi nhận được thông báo của người dân về các vụ mất trộm tài sản, bà liền gõ 3 tiếng, huy động mọi người cùng tham gia bắt giữ tội phạm. Nhờ đó, số vụ trộm cắp tài sản, vật nuôi trong thôn Lồ Ồ đã giảm đáng kể, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. 

Ông Trần Vinh (dân tộc Hoa, ngụ phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa) là người uy tín trong đồng bào DTTS TP. Bà Rịa. Ông cùng Hội người dân tộc Hoa trên địa bàn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn bằng cách vận động nhà hảo tâm tặng quà, tiền giúp họ. Ông Mao Quốc Hùng (SN1942) và vợ là bà Lý Trường (SN 1943, dân tộc Hoa) ngụ tại 322/9, Cách Mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa. Hai ông bà sống cùng người con trai nhưng năm 2017, anh không may qua đời, khiến ông bà mất đi chỗ nương tựa. Bà Trường phải đi bán vé số để trang trải cuộc sống và lo chạy thận cho chồng. Cách đây 3 tháng, bà bị ngã gãy chân, không đi lại được nên cuộc sống rất khó khăn. Biết được hoàn cảnh ông bà, ông Vinh và bà con hàng xóm thường xuyên thăm hỏi, vận động nhà hảo tâm tặng gạo, tiền để trang trải viện phí và chi phí sinh hoạt. “Vợ chồng tôi rất ấm lòng khi nhận được sự quan tâm giúp đỡ của ông Vinh và cộng đồng”, bà Trường bày tỏ.

Nhắc đến thầy Đào Văn Phước (dân tộc Châu Ro, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh), không chỉ các thầy giáo, cô giáo mà nhiều thế hệ học sinh nơi đây đều dành tình cảm trân trọng. Hơn 20 năm qua, thầy Phước bền bỉ vận động học sinh DTTS đến trường và tích cực đóng góp cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mình. Thầy Phước tâm sự, thầy về trường công tác từ những ngày đầu thành lập. Khi đó, trường có rất ít HS, các thầy cô giáo phải đến tận nhà để vận động HS đến lớp. “Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy tiếng của dân tộc mình dần mai một, cần phải giữ gìn và khôi phục. Một trong những cách bảo tồn tiếng Châu Ro tốt nhất là đưa việc dạy hát vào trường học. Vậy là tôi đã dịch các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước sang tiếng Châu Ro để phổ biến trong các hội diễn văn nghệ của trường và các dịp sinh hoạt chung của đồng bào”, thầy Phước cho hay. 

Ngoài ra, trong số 5 gương mặt đại diện người dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh BR-VT tham gia “Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II năm 2020” còn có ông Lâm Ngọc Nhâm (dân tộc Hoa) Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Thương mại Dịch vụ Bàu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) và ông Dương Văn Hạnh (dân tộc Châu Ro, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh). Ông Dương Văn Hạnh nhận xét: “Những điển hình người DTTS được lựa chọn đại diện cho tỉnh BR-VT tham dự đại hội không chỉ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân”.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
.
.
.