Đừng để đi đến hồi kết "hết thuốc chữa"
Tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Chương trình phòng, chống kháng thuốc tại TP. Hồ Chí Minh” ngày 21/11 nhân tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh trên thế giới (18-24/11/2020). Kháng thuốc kháng sinh đã đẩy nhiều bệnh nhân đến cửa tử vì điều trị rất khó khăn, kể cả với những bệnh thông thường.
Đến nay, 100% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc lắp đặt phần mềm quản lý và kết nối với hệ thống quản lý thuốc của Bộ Y tế. Trong ảnh: Khách mua thuốc tại nhà thuốc Pharmacity TP.Vũng Tàu. Ảnh: MINH THANH |
THÊM NHIỀU BỆNH NHÂN ĐA KHÁNG THUỐC
Ghi nhận tại hai bệnh viện (BV) đa khoa tuyến tỉnh cho thấy, tình trạng bệnh nhân đa kháng, hoặc kháng một số loại kháng sinh ngày càng có xu hướng gia tăng và phức tạp hơn, gây khó khăn cho công tác điều trị và nguy hiểm cho bệnh nhân.
Khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Bà Rịa là nơi điều trị cho những bệnh nhân nặng nhất, cũng là nơi tập trung nhiều bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh nhất. Mỗi ngày, khoa điều trị cho 30 bệnh nhân, trong đó có 10 bệnh nhân đa kháng, kể cả những thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất; số bệnh nhân còn lại đều kháng từ 5-7 loại kháng sinh.
Bệnh nhân T.V.T ở TX. Phú Mỹ được điều trị tại phòng Hồi sức tích cực và chống độc BV Bà Rịa từ đầu năm 2020 đến nay. Anh bị suy thận giai đoạn cuối, nhập viện trong tình trạng viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Bệnh tình của anh không đáp ứng với phác đồ điều trị vì qua phân tích kháng sinh đồ, anh T.V.T kháng gần như với tất cả. Bác sĩ phải chỉ định sử dụng loại kháng sinh cuối cùng để điều trị nhưng hiệu quả cũng rất chậm.
Bác sĩ Trần Hoàn, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Bà Rịa cho biết, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng phức tạp, gây khó khăn trong công tác điều trị. Một số bệnh nhân điều trị tại khoa trước đây đã đáp ứng với khá nhiều loại kháng sinh nhưng hiện tại không còn đáp ứng nữa dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Báo cáo xét nghiệm vi sinh của BV Bà Rịa năm 2019 cho thấy từ 20-40% bệnh nhân đã phải sử dụng kháng sinh thế hệ thứ 3, thứ 4 để điều trị các nhóm vi khuẩn thông thường như Klebsiella pneumonie gây bệnh bội nhiễm đường hô hấp; vi khuẩn Ecoli gây bệnh đường ruột; vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa gây các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu…
Tương tự, tại Khoa Nhi, BV Lê Lợi, trong số 50 bệnh nhi có 3-4 trẻ phải thay đổi phác đồ điều trị do thuốc kháng sinh ban đầu không còn đáp ứng, tăng hơn nhiều so với trước đây. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thìn (Khoa Nhi) cho hay: “Những triệu chứng bệnh thông thường như viêm hô hấp ở trẻ vốn điều trị khá đơn giản. Tuy nhiên, thời gian qua, do tình trạng kháng thuốc nên việc điều trị cho trẻ trở nên vô cùng khó khăn, chúng tôi phải thay đổi phác đồ điều trị mới có hiệu quả”.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, thiếu kiểm soát đã để lại hậu quả khó lường. Các nhà khoa học dự đoán đến năm 2050 tỷ lệ tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc có thể lên đến 10 triệu người/năm. Số lượng chủng kháng thuốc ngày càng tăng nhưng số lượng kháng sinh mới được nghiên cứu ngày càng giảm.
TÍCH CỰC PHÒNG CHỐNG
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc kháng sinh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn và bán thuốc kháng sinh.
Theo đó, tại BR-VT, các BV, cơ quan quản lý y tế đang đẩy mạnh các hoạt động giảm thiểu kháng thuốc kháng sinh. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã chủ động xây dựng chương trình quản lý hiệu quả. Trong đó, việc dùng kháng sinh dự phòng (KSDP) trong phẫu thuật đang được các BV từng bước áp dụng. KSDP được dùng một liều duy nhất, tiêm tĩnh mạch trong vòng 30-45 phút trước khi rạch da (áp dụng với hầu hết kháng sinh). Phương pháp này giúp các BV giảm rõ rệt số lượng và thời gian sử dụng kháng sinh trong phẫu thuật.
Sử dụng kháng sinh hợp lý cho trẻ
Đa số những bệnh thông thường ở trẻ nhỏ do thời tiết chuyển mùa, nhiễm virus không cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh do virus gây ra. Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt, ho, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… do siêu vi không nên dùng kháng sinh để điều trị.
Khi trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi, cha mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý mỗi ngày từ 3-5 lần. Có thể sử dụng một số loại thảo dược như tần dày lá (húng chanh), vỏ quýt hấp gừng tươi với đường phèn cho trẻ uống. Trẻ sốt thì cho uống thuốc hạ sốt và lau mát cơ thể bằng nước ấm; cho trẻ uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, cháo hoặc súp và theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ. Sau 2-3 ngày, trẻ vẫn không đỡ, hoặc có những dấu hiệu bất thường như lờ đờ, không chơi đùa hoạt bát, không chịu ăn uống, sốt cao, nôn ói… phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị, không nên tự ý mua thuốc về dùng, đặc biệt là kháng sinh.
(Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bà Rịa)
|
Cụ thể, tại BV Bà Rịa, để tăng cường phòng, chống kháng thuốc kháng sinh, từ năm 2019, BV đã từng bước áp dụng rộng rãi KSDP trong những trường hợp mổ phức tạp hơn, kể cả ở những bệnh nhân lớn tuổi, như mổ thoát vị bẹn, sỏi mật… Những trường hợp phẫu thuật đơn giản như u xơ tử cung, u nang buồng trứng… BV đã tiến đến không sử dụng kháng sinh trước hay sau mổ. Tương tự, BV Lê Lợi cũng đã sử dụng KSDP trong một số ca phẫu thuật sạch nhiễm tại Khoa Ngoại và Khoa Sản. Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản cho hay, dự kiến khi chuyển sang cơ sở mới, với điều kiện phòng mổ tốt hơn, BV sẽ triển khai rộng rãi hơn KSDP trong phẫu thuật.
Bên cạnh đó, BV cũng tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan vi khuẩn kháng thuốc trong BV. Chẳng hạn, tăng cường trách nhiệm của các khoa, phòng trong giám sát thực hiện những quy trình, quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là sự tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế; đồng thời bổ sung thêm các thiết bị chống nhiễm khuẩn như hệ thống đèn cực tím.
Ưu tiên các bài thuốc y học cổ truyền
Y học cổ truyền có khá nhiều bài thuốc chữa hiệu quả các chứng viêm nhiễm hô hấp, đường ruột như viêm tai mũi họng, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, viêm loét dạ dày (không do vi khuẩn HP), cảm cúm... Các bài thuốc y học cổ truyền có thành phần diệt khuẩn, virus tự nhiên giúp bệnh nhân có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh, góp phần làm giảm thiểu việc sử dụng thuốc KS trong điều trị.
(Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Đông y, BV Lê Lợi)
|
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo sử dụng kháng sinh hợp lý. Trong đó, chỉ có thầy thuốc điều trị mới có đủ thẩm quyền cho sử dụng kháng sinh. Khi dùng kháng sinh để điều trị, cần đúng liều, đúng cách, đủ thời gian. Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh, thời gian dùng kháng sinh có khi dài, khi ngắn nhưng thông thường không dưới 5 ngày. Theo đó, để kiểm soát việc bán thuốc theo đơn, Bộ Y tế đã triển khai kết nối phần mềm quản lý thuốc của các cơ sở bán lẻ thuốc với hệ thống quản lý thuốc của Bộ Y tế.
Tại BR-VT, đến nay, toàn tỉnh đã có 100% cơ sở bán lẻ thuốc hoàn thành việc lắp đặt phần mềm quản lý và kết nối với hệ thống quản lý thuốc của Bộ Y tế. Việc sử dụng phần mềm này bước đầu cũng đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác quản lý thuốc, nhất là thuốc kê đơn, tránh tình trạng bệnh nhân tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan.
MINH THIÊN