Lao động nông thôn thờ ơ học nghề
Giai đoạn 2016-2020, có 96,51% lao động nông thôn (LĐNT) có việc làm sau khi học nghề. Đây là kết quả tích cực nếu nhìn vào con số thống kê. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Tỷ lệ LĐNT qua đào tạo có việc làm cao nhưng tính ổn định cũng như chất lượng của việc làm chưa cao. Trong ảnh: NLĐ tìm việc tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. |
LAO ĐỘNG NGẠI ĐI HỌC
Từ năm 2016 đến nay, TX. Phú Mỹ có 1.089 người được hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa ý thức được lợi ích lâu dài của việc học nghề. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ, danh mục nghề hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu học của lao động. Cụ thể, lao động tham gia sản xuất trên nhiều lĩnh vực như vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt, nuôi trồng thủy sản với một số nghề mới là trồng cây ứng dụng công nghệ cao... Trong khi đó, giáo trình giảng dạy chưa kịp cập nhật đưa vào hướng dẫn, đào tạo cho LĐNT. Việc triển khai các lớp đào tạo nghề cho LĐNT tại các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX nông nghiệp còn hạn chế do các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn chưa hình thành. Ở một số nơi, đồng bào dân tộc thiểu số chưa tham gia học nghề.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quý, chuyên viên phụ trách công tác đào tạo nghề LĐNT, Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức cho biết, người dân nông thôn đa số đang có việc làm phổ thông, thu nhập không cao nhưng không muốn thay đổi. Nguyên nhân là do họ cần có nguồn thu nhập trước mắt để giải quyết nhu cầu chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, khi địa phương giới thiệu các khóa học nghề, họ không mấy mặn mà. Ông Quý phân tích: “Với những nghề vừa học vừa làm (đúng với nghề đang làm), lao động hào hứng tham gia vì không bị mất thu nhập hàng ngày. Ngược lại, những lớp học trái với nghề họ đang làm rất khó thu hút người học”.
Ông Đào Văn Chinh (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) được địa phương giới thiệu đi học nghề kỹ thuật xây dựng dành cho LĐTN. Tuy nhiên, ông từ chối: “Biết học nghề sẽ giúp mình có cơ hội tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt hơn nhưng tui khó sắp xếp thời gian vì còn phải lo chăn nuôi và chăm sóc vườn tiêu. Thu nhập hiện nay không cao nhưng tui khó bỏ ngang công việc để đi học nghề vì tui là lao động chính trong gia đình”.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 9.548 LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó 96,51% người học có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 80% vào cuối năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 50%. |
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, nguyên nhân chính khiến nhiều LĐNT không mặn mà học nghề vì họ là lao động chính trong gia đình, hàng ngày phải làm việc mưu sinh. Ngoài ra, việc rà soát nhu cầu học nghề ở cấp cơ sở chưa sát thực tế dẫn đến một số nghề khi triển khai chưa phù hợp nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Theo quy định, LĐNT chỉ được hỗ trợ đào tạo nghề một lần. Người lao động muốn học nâng cao trong thời gian ngắn hạn một số nghề hoặc nghề họ đã được học không còn phù hợp với thị trường, nay muốn học lại nghề khác để chuyển đổi nghề nghiệp thì không được hỗ trợ chi phí. Do vậy, bà Trúc My kiến nghị cần nâng mức hỗ trợ cho người học, cơ sở tham gia đào tạo nghề, ban chỉ đạo, cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện ở cấp xã. Đồng thời, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chương trình đào tạo nghề cho LĐNT để bảo đảm người lao động sau khi học nghề áp dụng được kỹ năng nghề đã đào tạo.
Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho rằng, cần huy động sự tham gia của các ban, ngành liên quan trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sự tham gia của DN trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Chính quyền địa phương phải có sự gắn kết chặt chẽ với DN, cơ sở đào tạo nghề và người học nghề trong việc xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Thành Nam đề xuất cần tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước liên quan đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là chính sách hỗ trợ LĐNT khi tham gia học nghề và sau khi học nghề. Trên cơ sở quy định của Trung ương, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2021-2025 nhằm khuyến khích lao động tham gia học nghề cũng như thu hút cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho LĐNT.
Đào tạo nghề cho LĐNT là hướng đi đúng nhưng cần xây dựng giáo trình, cơ sở vật chất phù hợp và lựa chọn nghề đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn để lao động có việc làm, có thu nhập sau học nghề. Như vậy, việc đào tạo nghề mới thu hút người lao động và mang lại hiệu quả lâu dài.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN