Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân tim mạch

Thứ Năm, 08/10/2020, 21:15 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 30/6, Bệnh viện Bà Rịa đưa Đơn vị Hồi sức tim mạch trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc vào hoạt động. Việc thành lập Đơn vị tim mạch là một sự phát triển thiết yếu, nhằm điều trị kịp thời những ca tim mạch nặng, giảm nguy cơ tai biến, tử vong.

Các bệnh nhân tim mạch đang điều trị tại Đơn vị Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Bà Rịa.
Các bệnh nhân tim mạch đang điều trị tại Đơn vị Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Bà Rịa.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 5 đến 10 bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, trong đó nhiều ca có tiên lượng nặng và nguy cơ tử vong cao. Việc thành lập đơn vị hồi sức tim mạch tại bệnh viện là đòi hỏi cấp thiết, nhằm cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân.

Hiện Đơn vị Hồi sức tim mạch có 5 bác sĩ và 5 điều dưỡng, đã được cử đi đào tạo chuyên môn sâu về hồi sức tim mạch, siêu âm tim – mạch máu, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim gắng sức Dobutamine, điện tâm đồ và điều trị rối loạn nhịp, chụp và can thiệp động mạch vành qua da… tại các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Tim Tâm Đức TP.Hồ Chí Minh. Đơn vị này đã có 9 giường bệnh, được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Trong đó, có 9 máy monitor, 9 máy thở, 9 máy chỉnh dịch truyền, 18 máy bơm tiêm điện cùng các máy khác như: máy monitor trung tâm, máy đo huyết áp động mạch xâm lấn, máy sốc điện và tạo nhịp qua da, máy đo điện tâm đồ, máy siêu âm doppler màu (tim-mạch máu, bụng tổng quát), máy lọc máu liên tục…

Bệnh nhân N.V.P (75 tuổi, ngụ ở huyện Châu Đức) được người nhà đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu vào ngày 7/10 trong tình trạng khó thở, huyết áp cao 200/120. Bác sĩ chẩn đoán ông P. bị suy tim cấp, phù phổi cấp và được chuyển lên Đơn vị Hồi sức tim mạch điều trị. Tại đây, ông được bác sĩ cho thở máy không xâm lấn, hạ huyết áp, điều trị bệnh lý nhồi máu cơ tim, siêu âm tim... sau 1 ngày điều trị tại Đơn vị Hồi sức, ông P. đã hạ được huyết áp xuống còn 130/80, tạm ngưng thở máy không xâm lấn, tự thở được ô xi, bắt đầu ăn được cháo. Theo đánh giá của bác sĩ, bệnh nhân P. có sức khỏe tạm ổn và vẫn phải tiếp tục ở lại Bệnh viện Bà Rịa để điều trị.

Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Đơn vị Hồi sức tim mạch, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, nhiệm vụ của đơn vị Hồi sức tim mạch là điều trị cho những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng trong toàn bệnh viện. Trong đó, có các bệnh lý như choáng tim, sau hồi sức ngưng tim ngưng thở, các bệnh lý van tim nặng, viêm cơ tim nặng, suy tim nặng… Đơn vị còn tham gia đào tạo cho các bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện, các trung tâm y tế về cấp cứu và hồi sức tim mạch, cập nhật kiến thức mới và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về bệnh lý tim mạch.

Để Đơn vị Hồi sức tim mạch ngày càng phát triển, đáp ứng việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tim mạch nặng, bác sĩ Đạt cho biết, đơn vị đã đề xuất với lãnh đạo Bệnh viện Bà Rịa tiếp tục mua sắm và đầu tư một số trang thiết bị khác, gồm: 2 máy theo dõi huyết động cao cấp, 2 máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch, 2 máy hạ thân nhiệt chỉ huy, 2 máy lọc máu liên tục và 1 máy bơm bóng đối xung động mạch chủ.

Theo PGS.TS. BS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tim Tâm Đức TP. Hồ Chí Minh, việc đưa vào hoạt động Đơn vị Hồi sức tim mạch là hướng đi phù hợp nhằm kịp thời xử trí ngay tại chỗ những trường hợp nặng, nguy kịch, nếu chuyển tuyến có nguy cơ tử vong cao. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Bệnh viện Bà Rịa về các ý kiến chuyên môn về cấp cứu, điều trị bệnh tim mạch. Ngoài hỗ trợ trực tuyến, chúng tôi sẽ cử đội ngũ bác sĩ xuống Bệnh viện Bà Rịa để tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ bệnh viện điều trị các trường hợp mắc bệnh tim mạch nặng như: nhồi máu cơ tim cấp, suy tim nặng, thuyên tắc phổi, bóc tách động mạch chủ… Tôi cho rằng, sự hợp tác giữa Bệnh viện Tim Tâm Đức và Bệnh viện Bà Rịa sẽ giúp cho đội ngũ nhân viên y tế ở đây nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận các tiến bộ của y khoa trong điều trị bệnh tim mạch, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tim mạch tại địa phương”, PGS.TS. BS. Phạm Nguyễn Vinh nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa khẳng định, việc thành lập Đơn vị Hồi sức tim mạch là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bà Rịa. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ triển khai thêm một số kỹ thuật như phẫu thuật tim hở nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trên địa bàn.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.