Từ năm 2017, tỉnh BR-VT triển khai mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình (PKBSGĐ) tại các trung tâm y tế và trạm y tế địa phương. Đây là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu; tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám và chữa bệnh đa khoa theo nguyên lý y học gia đình cho cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình còn gặp nhiều vướng mắc.
Người dân xã Xà Bang (huyện Châu Đức) được bác sĩ của mô hình PKBSGĐ siêu âm bụng tầm soát bệnh. |
PKBSGĐ được tổ chức tại Trạm Y tế xã Xà Bang (huyện Châu Đức) từ năm 2018, đến nay có khoảng 500 người dân tham gia mô hình. Người dân được khám, tư vấn, chữa trị các bệnh mãn tính không lây nhiễm như: đái tháo đường, tăng huyết áp, đau nhức xương khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…; và được siêu âm bụng, đo điện tim nhằm tầm soát, phát hiện sớm một số bệnh. Người dân được theo dõi và quản lý hồ sơ sức khỏe và còn được bác sĩ PKBSGĐ đến tận nhà khám bệnh.
Bà Nguyễn Thị Lụa (87 tuổi, ở ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang) bị bệnh cao huyết áp nhiều năm. Gần đây, bà còn hay bị đau nhức tay chân, đau đầu và ho. Khi tham gia PKBSGĐ, bà Lụa được bác sĩ khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc ngay tại Trạm Y tế xã nên rất thuận tiện trong quá trình chữa trị bệnh. “Tôi bị bệnh huyết áp lâu năm, cứ 2 tuần lại phải đến Trạm Y tế xã khám và lấy thuốc về uống. Trạm y tế gần nhà, việc đi lại cũng thuận tiện hơn là lên trung tâm y tế huyện”, bà Lụa nói.
Thuận tiện là vậy nhưng việc triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Thiện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xà Bang cho biết, theo quy định, mô hình PKBSGĐ phải có bác sĩ chuyên môn về y học gia đình nhưng Trạm không có biên chế bác sĩ. Do vậy, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức đã hỗ trợ cho PKBSGĐ của xã một bác sĩ về làm công tác chuyên môn, với thời gian 2 ngày/tuần. Đây chỉ là biện pháp tạm thời bởi không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn xã. “Chúng tôi rất mong ngành y tế bố trí cho Trạm Y tế xã Xà Bang một bác sĩ có chứng chỉ về y học gia đình để phụ trách các hoạt động của PKBSGĐ nhằm chăm sóc và sức khỏe người dân tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phòng khám”, ông Thiện bày tỏ.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn thành phố có 3 PKBSGĐ được bố trí tại Trạm Y tế phường 12, Trạm Y tế phường 11 và Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế thành phố chỉ có 2 bác sĩ có chuyên môn về y học gia đình được phân công làm nhiệm vụ tại các PKBSGĐ. Trong đó, 1 bác sĩ thuộc biên chế của Trạm Y tế phường 12 làm việc tại PKBSGĐ phường 12 và hỗ trợ cho PKBSGĐ phường 11 với 2 buổi/tuần; bác sĩ còn lại vừa phụ trách chuyên môn vừa đảm nhiệm công tác của PKBSGĐ tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu nên bận rộn, áp lực công việc cao.
Bên cạnh đó, các PKBSGĐ còn gặp một số khó khăn khác như: hiệu quả quản lý bệnh mãn tính không lây tại cộng đồng chưa cao do bệnh nhân còn e ngại về chuyên môn của tuyến cơ sở và do tuyến trên không chuyển về; chưa thu thập, quản lý được số liệu từ các phòng khám tư; chưa triển khai xong hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử theo mẫu tại Quyết định 831/2018/QĐ-BYT nên chưa quản lý được sức khỏe toàn diện cho người dân; chưa thực hiện sàng lọc, tầm soát phát hiện bệnh sớm, chưa triển khai tư vấn sức khỏe tại cộng đồng do không có kinh phí…
Theo Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh có 21 PKBSGĐ, trong đó có 16 phòng tại trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và trạm y tế xã, phường, trị trấn, cùng 5 phòng khám tư nhân. Các PKBSGĐ đã lồng ghép thực hiện nhiệm vụ ở trạm y tế trong tiếp nhận, quản lý và điều trị ngoại trú bệnh mãn tính. Các trạm y tế đã thực hiện được 75% danh mục kỹ thuật được phân tuyến. Ngành y tế cũng đặt mục tiêu đến năm 2022, 80% trạm y tế triển khai PKBDGĐ.
Bác sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết, vấn đề thiếu nhân sự là trở ngại lớn nhất khi thực hiện PKBSGĐ. Do vậy, cuối năm 2020, Sở Y tế sẽ mở lớp đào tạo chuyên môn về bác sĩ gia đình cho khoảng 50 bác sĩ để phục vụ cho việc phát triển PKBSGĐ. Hàng tháng, Sở giám sát tại các trung tâm y tế và trạm y tế về hoạt động của PKBSGĐ và quản lý bệnh nhân theo nguyên lý y học gia đình. Sở cũng tiếp tục triển khai và hoàn thiện việc quản lý sức khỏe toàn diện theo Quyết định 831. Song song đó, ngành y tế cũng triển khai, phát hiện, quản lý, theo dõi các bệnh không lây nhiễm; rà soát, đề xuất tăng cường thực hiện các kỹ thuật bảo đảm theo danh mục kỹ thuật được phê duyệt để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đồng thời tăng cường công tác truyền thông đến người dân về mô hình PKBSGĐ.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG