.

Miền Trung gồng mình vượt qua bão số 9

Cập nhật: 20:30, 28/10/2020 (GMT+7)

Với sức gió giật cấp 12 (133 km/h), bão số 9 (Molave) đã đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Nam - Bình Định vào trưa 28/10. Hàng ngàn căn nhà tốc mái, giao thông ách tắc vì cây đổ gãy ở nhiều tỉnh, thành. 1,7 triệu hộ gia đình mất điện…

Cây xanh bị bật gốc, ngã đổ tại thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: TTXVN
Cây xanh bị bật gốc, ngã đổ tại thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: TTXVN

12 giờ trưa 28/10, Molave bắt đầu đổ bộ đất liền. Tâm bão ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến 13 giờ ngày 28/10, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Trong bán kính khoảng 150km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên; trong bán kính khoảng 50km tính từ tâm bão có gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên.

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Trà My (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) có gió giật cấp 8; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; các nơi khác ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 7-8. Ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-320mm.

Đến 16h ngày 28-10, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9.

Theo Trung tâm Dự báo Khí trượng Thủy văn Trung ương, Bão số 9 đã suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

TÂM BÃO VÀO QUẢNG NAM, QUẢNG NGÃI

Tại Quảng Nam, sau hơn 2 giờ quần thảo với sức gió rất mạnh, bão số 9 đã gây nhiều thiệt hại, tốc mái nhiều nhà dân, công sở, trường học, khách sạn... Gió giật mạnh đã làm tốc mái Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Gần 50 bệnh nhân đang điều trị đã được sơ tán an toàn. Ở Nam Trà My, mưa lớn làm đất đá đổ sập xuống khu dân cư, vùi lấp một phần nhà cửa của nhiều hộ dân ở xã Trà Mai. Đất đá sạt lở theo mưa lớn chảy tràn xuống đường kéo dài hàng chục mét. Có 4 người dân suýt bị đất đá vùi lấp, may mắn đã thoát được. Vụ sạt lở vùi lấp khá nhiều tài sản của khoảng 100 hộ gia đình. Tại Phước Sơn, gió bão đã làm bị thương 3 người về người (hiện đang được điều trị). Ngoài ra, có 14 nhà dân, 1 nhà công vụ xã bị tốc mái, sạt lở vùi lấp 13 nhà, sạt lở gây tắc nhiều điểm trên tuyến QL14E. Cây ngã đổ làm ách tắc QL1 đoạn qua Bình Tú (Thăng Bình).

Tại Quảng Ngãi, theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, tính đến 13 giờ 30, ngày 28/10, bão số 9 với cường độ mạnh đã làm 934 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, thị xã Đức Phổ (300 nhà), huyện Sơn Tịnh (493 nhà), Tư Nghĩa (70 nhà), Trà Bồng (22 nhà), Sơn Tây (16 nhà), Ba Tơ (32 nhà), Sơn Hà (1 nhà). Riêng ở huyện Tư Nghĩa đã có 1 nhà bị sập đổ; 1 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ. Bão số 9 cũng làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số canô, thuyền neo trú bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm. Địa bàn thành phố Quảng Ngãi mưa lũ làm gãy đổ nhiều cây lớn.

Tại Bình Định, thống kê ban đầu cho bieets, tỉnh đã có 2 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị sập, gần 2.000 ngôi nhà bị tốc mái.

1,7 TRIỆU HỘ GIA ĐÌNH MẤT ĐIỆN

Theo thông tin từ EVN trong thời điểm bão đổ bổ, đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku đã gặp sự cố buộc phải cô lập mạch. Ngoài ra, còn có 5 đường dây 220kV và 23 đường dây 110kV gặp sự cố. Đối với lưới trung, hạ áp, mưa to và gió mạnh tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk đã gây mất điện khoảng 7.500 trạm biến áp phân phối tại 400 xã/phường với lượng công suất phụ tải bị mất điện khoảng 367 MW, chiếm 15% tổng số phụ tải toàn miền Trung. Ngoài sự cố đường dây, phía EVN cho biết đã cho cắt điện chủ động tại các tỉnh bão đi vào để đảm bảo an toàn cho thiết bị, con người, ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu hộ gia đình. Cụ thể, Đà Nẵng mất điện 47%, Quảng Nam 71%, Quảng Ngãi 100%, Bình Định 93%, Phú Yên 55%, Gia Lai 20%.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh
Chiều 28/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo nguy cơ ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị sau khi bão số 9 đổ bộ, đặc biệt:
Thừa Thiên Huế: Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền.
TP Đà Nẵng: Liên Chiểu, Thanh Khê.
Quảng Nam: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuân, Hội An.
Quảng Ngãi: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Bình Sơn, TP Quảng Ngãi.
Bình Định: Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, TP.Quy Nhơn.
Kon Tum: Đắk Hà, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Konplong, TP Kon Tum.
Gia Lai: Ayunpa, Iapa, Phú Thiện, Krongp, Chư Prông.

Lãnh đạo EVN cho hay, ngay sau bão, EVN sẽ kiểm tra và khôi phục nhanh nhất cho các phụ tải, đảm bảo an toàn cho người và các thiết bị cũng như cung cấp điện trở lại cho người dân.

LINH NGA

.
.
.