Kỳ 4: Những chuyện tình "không biên giới"
Ở làng Nga có nhiều cặp vợ chồng Nga - Việt hạnh phúc. Họ đến với nhau tình cờ, như một định mệnh “không biên giới”. Câu chuyện tình yêu của họ tô điểm cho bức tranh của làng Nga thêm nhiều màu sắc.
Gia đình anh Châu Nhật Bằng và chị Marchenko Evgenia sống hạnh phúc cùng các con tại |
Trong xưởng sản xuất bánh mì tại làng Nga, chị Nguyen Oksana (45 tuổi) làm việc không hề ngơi tay. Công việc hàng ngày của chị là kiểm tra dây chuyền nướng bánh, chuẩn bị nguyên liệu, tính toán lượng men, quản lý dịch tễ, cung cấp sản phẩm cho khách hàng làm việc tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro… Chị Nguyen Oksana là một trong những phụ nữ sống tại làng Nga có chồng là người Việt. Chồng chị là kỹ sư Nguyễn Xuân Thọ, công tác tại Phòng An toàn lao động Vietsovpetro.
Vừa kiểm tra nguyên liệu làm bánh, Oksana kể, chị quen anh Thọ trong một lần anh đến thăm trường Đại học Cơ khí. Khi đó anh Thọ là du học sinh tại Nga. Sau đó, anh và chị đem lòng yêu thương nhau rồi tiến tới hôn nhân vào năm 1995. Sau khi tốt nghiệp, anh Thọ muốn trở về Việt Nam làm việc. “Từ đó tôi theo chồng về đây, sống trọn 22 năm ở Vũng Tàu. Với tôi Vũng Tàu cũng là quê hương, là nơi tôi có một mái ấm gia đình hạnh phúc, một công việc ổn định. Hiện vợ chồng tôi đã có 3 con (1 trai, 2 gái), trong đó 2 cháu lớn đang du học tại Canada, còn con gái nhỏ đang theo học tại trường học ở làng Nga”, chị Oksana cho biết.
Chị Nguyen Oksana (45 tuổi) - vợ của kỹ sư Nguyễn Xuân Thọ làm việc tại Phòng An toàn lao động Vietsovpetro. Chị đã có 22 năm sống tại Vũng Tàu. Trong ảnh: Chị Nguyen Oksana kiểm tra bột mì tại xưởng sản xuất bánh “làng Nga”. |
Chị Marchenko Evgenia (sinh năm 1986) là nhân viên Phòng phiên dịch Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro lại có một tình yêu được đơm hoa kết trái ngay tại thành phố biển. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Moskva (Lomonosov) chuyên ngành kinh tế - xã hội các nước Đông Nam Á, chị Marchenko Evgenia sang Việt Nam tiếp tục theo học ngành Việt Nam học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Sau đó, chị vào làm việc tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Trong một chuyến xe từ TP. Hồ Chí Minh về Vũng Tàu, chị gặp anh Châu Nhật Bằng (sinh năm 1985) - kỹ sư viện nghiên cứu khoa học và thiết kế Vietsovpetro. Rồi từ đó, tình yêu chớm nở. Khoảng cách địa lý, ngôn ngữ không còn là rào cản để họ tìm đến với nhau. Năm 2012, lễ cưới của hai người diễn ra tại quê hương Bến Tre của anh Bằng sau 1 năm tìm hiểu. Anh Châu Nhật Bằng kể, khi đưa Evgenia về ra mắt gia đình tại Bến Tre, mọi người đều quý mến. “Cô ấy nói tiếng Việt khá sõi nên có thể hiểu được mọi người trong nhà”, anh Bằng chia sẻ.
Hiện nay vợ chồng chị Marchenko Evgenia - anh Nhật Bằng đang sống trong căn hộ 50m2 tại “làng Nga”.
“Chúng tôi nói được cả 2 ngôn ngữ nên mọi giao tiếp trong gia đình không có gì khó khăn. Tuy nhiên, văn hóa, lối sống của 2 dân tộc có khác nhau nên cả hai phải dần thích nghi. Chẳng hạn như trước đây khi sống ở Nga, tôi không có thói quen ngồi ăn cơm chung với gia đình. Nhưng khi lấy chồng Việt Nam tôi đã thay đổi để phù hợp với phong tục. Chúng tôi thường đi chơi, nơi mà chúng tôi thích đến nhất là Đà Lạt. Ngoài ra mỗi năm 1 lần gia đình tôi sẽ trở về nước Nga thăm quê hương, gia đình, bạn bè của tôi”, chị Evgenia kể.
Bài, ảnh: QUANG VŨ