.

Dạy trẻ đức tính trung thực, thật thà!

Cập nhật: 17:09, 09/10/2020 (GMT+7)

Trung thực, thật thà là đức tính tốt đẹp của con người. Trong cuộc sống hằng ngày, sự gian dối dù với bất kỳ việc gì, trong hoàn cảnh nào cũng là rất đáng ghét, vì vậy luôn rất cần sự thật thà, trung thực. Mỗi khi một người nào đó nhặt được của rơi, trả lại người mất, chúng ta đều thấy ấm lòng. Thế nhưng, điều này càng ngày càng ít, khi mà nhiều người luôn giữ trong mình sự ích kỷ, sống không thật lòng, thậm chí là tham lam...

Khi một đứa trẻ, rồi sau này trưởng thành, có đức tính trung thực thật thà, không bỗng dưng mà có, mà nó phải được hun đúc, hình thành từ sự giáo dục, dạy dỗ của gia đình cũng như nhà trường.

Ví dụ, khi có GV ở nơi khác hay cấp trên dự giờ, rất nhiều GV đứng lớp dặn học sinh: “Khi cô nêu câu hỏi, tất cả các em đều phải giơ tay phát biểu nhé. Nhưng những em nào thuộc bài thì giơ tay thẳng, còn em nào chưa thuộc bài thì giơ tay cong một chút”.

Cách hành xử như vậy diễn ra khá phổ biến ở mọi nơi. Với những “mẹo” đơn giản như vậy, GV, HS được đánh giá cao trong các buổi dự giờ. Nhưng cũng chính điều này khiến HS có suy nghĩ là GV không trung thực, do vậy, chúng cũng “noi” theo.

Chúng ta đã có nhiều thế hệ học trò lớn lên, trưởng thành thông qua cách hành xử “tay thẳng, tay cong” này, nên nếu họ có thiếu sự thật thà cũng là điều dễ hiểu. Và điều này, nhà trường phải chịu trách nhiệm chính!

Các trường sư phạm của chúng ta chắc chắn biết rằng, nền tảng quan trọng của giáo dục là phải dạy tính trung thực. Bởi vì tính trung thực, thật thà là chỗ dựa, là nơi phát sinh nhiều phẩm chất tốt đẹp khác. Tính trung thực, thật thà liên quan chặt chẽ đến niềm tin.

Theo các chuyên gia giáo dục, trước khi đến trường, những đứa trẻ nói chung rất thật thà, vì cha ông ta đã đúc kết: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Khi những đứa trẻ đến trường, chúng thật thà, chúng có sẵn niềm tin, nhưng về sau, những gì mà chúng nhận thấy, học được ở trường, ở lớp nhiều khi khiến chúng mất dần sự tin tưởng ấy.

Khi thiếu sự tin tưởng ở người thầy, học trò lúng túng, mất phương hướng; cảm thấy những điều thầy giảng dạy trở nên xa lạ, khó tiếp thu.

Muốn dạy trẻ tính thật thà, trước hết, GV phải trung thực, phải gương mẫu. Nếu GV nào không có phẩm chất ấy thì không nên dạy môn đạo đức. Cần lấy những tấm gương thật thà có thật trong đời sống để dạy HS. Nếu những người nổi tiếng, những người của công chúng, những ngôi sao trong thể thao, điện ảnh, âm nhạc... mà lại có đức tính trung thực nữa thì càng tốt. Lấy họ làm gương cho học trò rất có tác dụng.

Ở một khía cạnh khác, những người dân bình thường, thậm chí là nghèo đói mà trung thực thì rất đáng khen, đáng làm gương cho mọi người noi theo.

Từ lâu, báo chí, mạng xã hội vẫn nêu không ít tấm gương tốt. Có nhiều người nhặt được của rơi, trả lại người mất; có người dẫu nghèo túng, thu nhập một ngày chỉ trăm ngàn đồng, nhưng khi nhặt được cả nhiều triệu đồng, họ đã không chút đắn đo tìm trả lại tài sản cho người đánh rơi...

Vâng, nhưng tấm gương có đức tính trung thực, thật thà và có tình người như vậy là đáng biểu dương, đáng để chúng cúng ta phải suy nghĩ học theo, nhất là những ai bấy lâu luôn giữ tâm tính sống gian dối, không thật thà.

THẠCH BÍCH NGỌC 

 
.
.
.