.

Có những chuyện "bí mật" vẫn hơn (!)

Cập nhật: 20:12, 23/10/2020 (GMT+7)

Nhiều người thừa nhận, khi đã yêu nhau, chẳng việc gì cần phải giấu giếm nữa. Có gì thì cứ huỵch toẹt ra. Từ nay, hai người “như chim liền cánh, như cây liền cành”, mối quan tâm của người này cũng là của người kia. Có hiểu rõ về nhau thì mới dễ dàng chung sống.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Trước đây, mình nếu đã có làm chuyện a, b, c gì gì đó, khi nghe hỏi đến, cứ “thành thật khai báo” vẫn tốt hơn. Nếu giấu, không nói thật, ngộ nhỡ về sau “một nửa” phát hiện ra, vậy hóa ra mình chẳng hề thành thật? Vấn đề này, về nguyên tắc có lẽ chẳng ai phản đối nhưng đôi khi cũng không nên thành thật quá đáng.

Nói như thế, vì mới đây thôi, khi nhắc đến H. lập tức bọn tôi nhớ đến ngày hắn ta chính thức “lên xe hoa”. Anh em bồ tèo đã bàn nên mua tặng quà gì, chuẩn bị các tiết mục góp vui ngày trọng đại ấy ra làm sao. Tóm lại, ngày đó chỉ dăm ngày nửa tháng là H. cùng N. chính thức tuyên bố kết hôn. Ấy vậy mà, mới hôm qua đấy thôi, hầu như chúng tôi đều nhận được tin nhắn của H. “triệu tập”. Vì quý bạn nên không một ai chần chừ, cả thẩy đều đúng hẹn. Chuyện gì đã xảy ra khiến trong tin của H. còn có thòng thêm 3 chữ rất choáng: “S.O.S”!

Khi đã đầy đủ mọi người, H. kể lại câu chuyện đã khiến họ gây gỗ, có nguy cơ dẫn đến việc hoãn đám cưới. Chà, nghiêm trọng quá đi mất. Cứ theo như lời khổ chủ, lần nọ N. có hỏi: “Em nghe nhiều người nói, trước kia khi yêu cô nào thì anh thường cho họ mượn số tiền lớn lắm. Vậy số tiền đó, sau này, mình có đòi được không anh?”. Nghe câu nói ấy, H. giật thót người, sự thật là vậy nhưng nào có thổ lộ cùng ai? Chà, hay hắn ta có kể cho ai nghe mà nay đã quên? Thôi kệ, chuyện cũ rích, đã quên lâu rồi. Có điều tại sao N. lại biết?

Nếu H. cứ việc chối phắt, cứ việc nói hùng dũng mỗi một chữ “không” là xong. Đơn giản chỉ vì sự việc đó, người ngoài khó có thể kiểm chứng. Nào ngờ, vì thành thật, hơn nữa H. nghĩ rằng sắp nên duyên chồng vợ, việc gì phải giấu giếm? Thế là hắn ta kể vanh vách, cụ thể từng món tiền đã “đội nón ra đi” vì động lực của tình ái; và tất nhiên không hề có cơ hội quay lại!

Câu chuyện là thế, tưởng nghe xong, N. sẽ thương (hại) mình hơn, sẽ cảm thông hơn cho trái tim chỉ biết đập nhịp theo tiếng gọi tình yêu (!?). Nào ngờ, N. xụ mặt: “Em đoán đâu có sai. Đàn ông mấy anh là… chúa dại gái”. Rồi cô nhẩm tính mà tiếc rẻ, nếu ngày đó, H. giữ lại số tiền đó thì sau ngày cưới nhau cũng có thể góp thêm mua căn hộ chung cư, chứ đâu đến nổi ở ké nhà bố mẹ vợ!

Chỉ trách móc, chì chiết thì cũng được, câu chuyện đó lại dẫn đến tình tiết cực kỳ khó xử: N. buộc H. phải đòi cho bằng được số tiền đã cho mượn. “Trời đất ơi, yêu cầu này, dù có chính đáng chăng đi nữa cũng cực khó. Khó còn hơn mọc cánh bay lên trời. Khó lắm”, H. tự nhủ nhưng rồi không biết phải xử trí ra làm sao.

Khi đang yêu nhau, thông thường người ta có tâm lý muốn thể hiện sự quan tâm bằng nhiều cách, kể cả việc cho chàng/nàng mượn tiền rất lớn. Tất nhiên chẳng ai keo kiệt, lo xa, bủn xỉn đến mức buộc nửa kia phải ghi giấy nợ, biên nhận, có chữ ký đôi bên. Ràng buộc rạch ròi đến thế, còn gì sự thơ mộng, phiêu linh, lãng mạn của tình yêu nữa? Do đó, khi chia tay nhau, số tiền ấy sẽ như thế nào, có trả hay không còn tùy thuộc vào lòng “hảo tâm” của người kia. Bây giờ, vác mặt đi đòi nếu xét về lý không xong, về tình thì lại hóa ra mình là kẻ “không ra gì” (?!).

Rắc rối thiệt.

Có người cho rằng, để né tránh những rắc rối không đáng đó vì nó đã thuộc về quá khứ, nếu chồng/vợ có hỏi đến cứ chối phắt đi cho nó lành. Nói như thế không phải tiêu cực, “vẽ đường cho hưu chạy” mà thật ra, nếu “một nửa” có biết đi nữa, chẳng những không giải quyết được gì mà lại còn hậm hực, tức tối, dễ dẫn đến bất hòa.

Đôi khi có những bất hòa, theo tôi và nhiều người cho rằng lãng xẹt.

Ít ai biết, cơn cớ làm sao gần đây không bao giờ vợ chồng T. ghé lại quán ăn nọ nổi tiếng đầu bếp nấu rất ngon. Bạn bè hẹn nơi đó thì họ luông vắng mặt. Trước kia đó là điểm hẹn cuối tuần, rồi trong những cuộc vui mừng sinh nhật, họp mặt gia đình… họ vẫn ưu tiên chọn. Thế nhưng, nay đừng hòng một ai thấy vợ chồng, con cái họ lui tới nữa. Nếu không nghe T. kể cho bà xã tôi nghe ắt tôi nghĩ là câu chuyện hư cấu của nhà văn nào đó giàu trí tưởng tượng.

Rằng, chủ quán đó thời sinh viên là bạn học của T. hai người có thời gian yêu nhau thắm thiết đến độ suýt cưới nhau. Thời gian thấm thoát tựa thoi đưa, và cũng như những mối tình phổ biến trong tiểu thuyết ngôn tình hiện đại là người lấy vợ, kẻ lấy chồng. Mối tình xa lắc, xa lơ này, chồng T. không hề biết nhưng anh ta lấy làm lạ là tại sao mỗi lần vợ chồng họ ghé đến thì từ chủ quán đến nhân viên đều niềm nở, quan tâm nhiều hơn các bàn khác? Có phải chỉ vì “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”?

Lần kia, K. - chồng T. hỏi vu vơ: “Chắc chủ quán này có quen với em à?”. Hỏi cho vui vậy thôi, nào ngờ, T. thành thật: “À, anh ta là bạn học cũ với em”. Từ câu nói đó, K. hỏi dò ra dần và cuối cùng dẫn đến mọi việc như ta đã biết. Khi nghe bà xã tôi “tám”, không chỉ tôi mà bạn bè đều kết luận: “Lãng xẹt”. Lãng xẹt không phải ở chỗ họ không lui tới quán đó nữa, mà chính là lúc con cái đòi ba mẹ dẫn đến quán đó thì y như rằng, họ lại cãi nhau. Thế không lãng xẹt là gì? Biết thế, chẳng nên thành thật một cách quá đáng vẫn tốt hơn chứ?

LÊ MINH QUỐC

.
.
.