"Sống chung" với bệnh vảy nến
Vảy nến là một bệnh da liễu mãn tính. Hiện nay vẫn chưa có bất cứ loại thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh vảy nến. Bệnh dễ tái phát nhiều lần nếu người bệnh không kiểm soát sớm.
Người bị bệnh vảy nến sẽ bị tổn thương về mặt tinh thần và thẩm mỹ nên thường có tâm lý mặc cảm, ngại gặp gỡ, giao tiếp với người đối diện (ảnh mang tính minh họa). |
Cách đây 6 năm, sau khi sinh con, da đầu của chị Nguyễn Thị Hải (35 tuổi, phường 7, TP. Vũng Tàu) bắt đầu có hiện tượng bong tróc các mảng vảy màu trắng, gây ngứa ngáy, khó chịu. Đi khám tại phòng mạch da liễu, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh vảy nến và được kê toa thuốc uống và bôi. Sau hơn 1 năm điều trị bệnh tình không thuyên giảm, chị tìm đến các bài thuốc dân gian nhưng tình trạng cũng không cải thiện. Từ đó, chị xác định sống chung với căn bệnh này, không điều trị nữa.
Cùng chung nỗi khổ như chị Hải, anh Hoàng Đình Tân (38 tuổi, phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) sống chung với bệnh vảy nến hơn 10 năm nay. Ban đầu, bệnh xuất hiện trên da đầu, sau đó lan sang các bộ phận khác trên cơ thể như: cùi tay, lưng, ngực, bắp chân… Anh đã đi chữa trị nhiều nơi kết hợp uống thuốc đông y và tây y nhưng bệnh vẫn không bớt. “Bệnh vảy nến không gây đau đớn nhưng gây mất thẩm mỹ cho người bệnh, khiến người bệnh mặc cảm, xấu hổ người xung quanh. Từ khi bị bệnh, tôi cũng hạn chế tụ tập, giao lưu với bạn bè, người quen”, anh Tân nói.
Theo các bác sĩ cho đến nay, nguyên nhân thật sự gây bệnh vảy nến vẫn chưa rõ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu bố hoặc mẹ bị bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố mẹ đều bị bệnh). Các giả thuyết khác cho rằng vảy nến có liên quan đến gene và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người bệnh, từ đó dẫn đến các tế bào da tăng sinh rất nhanh và bất thường.
Ngoài ra, một số yếu tố môi trường cũng góp phần khởi phát, thúc đẩy và làm nặng thêm bệnh vảy nến. Các yếu tố đó gồm: vảy nến có thể xuất hiện ở những vùng da bị chấn thương. Nhiễm trùng đường hô hấp trên do liên cầu trùng như viêm họng, viêm amidan có thể gây khởi phát vảy nến giọt (một dạng vảy nến) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh vảy nến. Nhiễm HIV cũng làm nặng thêm bệnh này. Một số thuốc có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh như thuốc điều trị tăng huyết áp, lithium, một số kháng viêm non-steroid, progesterone và corticosteroid. Tình trạng stress như buồn phiền, lo lắng, giận dữ; rượu và thuốc lá; thời tiết lạnh và khô cũng dễ gây bệnh vảy nến.
Bệnh vảy nến có các biểu hiện: thương tổn da, thương tổn móng tay, chân; thương tổn khớp. Có thể phân loại vảy nến theo từng dạng bệnh, gồm: vảy nến thể mảng (các mảng da thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và vùng dưới lưng, đây là dạng thường gặp của bệnh vảy nến); vảy nến mụn mủ (xuất hiện mụn mủ ở vùng da tay và chân); vảy nến giọt (các tổn thương có dạng giọt nước xuất hiện khắp cơ thể, thường gặp ở trẻ em sau một đợt viêm họng do nhiễm Streptococci); viêm khớp vảy nến (sưng các khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối...); vảy nến móng (móng dày và có những lỗ nhỏ trên bề mặt móng); vảy nến da đầu (da đầu có vảy hay những mảng da dày màu trắng bạc) và vảy nến nếp gấp (thường gặp ở người béo phì với các tổn thương ở các vùng nếp gấp của da như: nách, háng, mông...).
Theo bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Thẩm mỹ - Da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh, vảy nến là bệnh ngoài da, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến xương khớp, hệ tim mạch, nội tiết, thận và thị lực.
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Vì vậy mục tiêu chính của điều trị (dùng thuốc, thuốc sinh học, quang trị liệu...) là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định của bệnh cũng như ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Mặt khác, để kiểm soát bệnh và hạn chế tối đa biến chứng, người bệnh nên giữ vệ sinh da, tránh làm tổn thương da và khô da; tránh lo lắng, giận dữ, xúc động mạnh; không hút thuốc và uống rượu bia; tắm nắng mỗi ngày khoảng 15-30 phút (trừ trường hợp vảy nến nhạy cảm ánh sáng); không sử dụng thuốc không có trong chỉ định của bác sĩ; không tự ý thoa thuốc có chứa corticosteroid mà không có ý kiến của bác sĩ; không tự ý ngưng hay thay đổi thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.
HỒNG PHƯƠNG